Chủ quan - bức tường thành ngăn dịch trong tình trạng bình thường mới
(Sóng trẻ) - Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì hiện tượng “thích ứng thái quá” cũng dần xuất hiện.
Bản tin dịch COVID-19 ngày 3/12 của Bộ Y tế cho biết có 13.670 ca mắc COVID-19 tại 59 tỉnh, thành phố; Hà Nội cao kỷ lục với 791 ca mắc. Trước đó, Hà Nội cho biết từ 06h00 ngày 21/9/2021, Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg; duy trì hoạt động 22 chốt kiểm soát ra vào Thành phố; cho phép hoạt động thêm nhiều dịch vụ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ bán hàng mang về và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày.
Tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội đang diễn biến phức tạp, những ngày qua liên tục gia tăng về số ca nhiễm mới ghi nhận trong một ngày. Nếu đúng như câu nói: “ Nếu có phải trả giá em cũng xin chấp nhận trả giá” thì cái giá cho sự chủ quan ở đây phải chăng đã quá đắt?
Không khó để có thể tìm thấy những hàng ăn không tuân thủ giãn cách, bàn ghế được xếp san sát nhau, các quy định về phòng chống dịch dường như không được thực hiện. Hay những quán nước đông đúc, hiếm thấy một người đeo khẩu trang.
Một hàng bún đậu nằm ở Ngõ 3, Phố Ao Sen, Hà Đông, Hà Nội. Tầm 5-6 giờ chiều là khoảng thời gian quán ăn này đông khách nhất, bàn ghế được xếp san sát nhau, các quy định về phòng chống dịch dường như không được thực hiện tại đây. Chị Hương, nhân viên quán chia sẻ: “Giờ bọn em được mở cửa rồi khách đến bọn em vẫn phải đón, cũng không thấy ai nhắc nhở đến vấn đề này, miễn sao 9h đóng cửa là được rồi”.
Hàng quán đông đúc, một phần do mọi người ở nhà quá nhiều khoảng thời gian trước đó nên có ý định “đi chơi bù lại”. Anh Nguyễn Ninh Khánh, một khách hàng tại quán cafe khá nổi tiếng tại quận Tây Hồ tâm sự: “Trước đợt giãn cách lâu lâu kia thì mình thỉnh thoảng mới ra ngồi cafe một lần, nhưng đợt vừa rồi mình ở nhà nhiều quá nó cứ bị nhớ cảm giác lê la hàng quán, với cả cũng chả biết bao giờ lại giãn cách tiếp nên thôi mình cứ đi nhiều nhiều cho bõ”.
Không chỉ riêng các quán ăn, những cửa hàng tiện lợi quanh địa bàn thành phố, mặc dù đã không còn cho khách hàng ngồi lại tại cửa hàng, thế nhưng một vài người vẫn cố gắng tìm những chỗ xung quanh cửa hàng tiện lợi đó để ngồi ăn, tụ tập bạn bè trò chuyện. Đặc biệt hơn, số lượng những khách hàng cứng đầu này tăng lên sau 9h tối- tức khi các hàng quán khác buộc phải đóng cửa, thì cũng là lúc họ cần chỗ dừng chân khác để tiếp tục câu chuyện của mình.
Chị Xuân Ngọc, nhân viên Cửa hàng tiện lợi Circle K chi nhánh Nguyễn Phong Sắc, bày tỏ: “ Bọn em cũng nhắc mọi người nhiều rồi nhưng nhiều quá nhắc không xuể, mọi người ngồi chủ yếu ở sân chơi đằng sau cửa hàng, hoặc bậc thềm của những hàng quán đã đóng cửa quanh đây, thỉnh thoảng công an cũng đến dẹp nhưng cứ dẹp được một lúc là họ lại quay lại thôi.”
UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29-10-2021 thực hiện Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ, hoạt động không quá 50% công suất chỗ ngồi, bảo đảm giãn cách, chủ nhà hàng và nhân viên phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Thành phố yêu cầu đóng cửa nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trước 21h hằng ngày.
Chính quyền địa phương đã thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở các hàng quán về việc tuân thủ theo quy định của bộ y tế về phòng chống dịch. Trong thời điểm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, càng phải siết chặt những biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch để có thể duy trì được kế hoạch lâu dài.