Chuyện chưa kể về tê tê làm cay khoé mắt
(Sóng trẻ) - Đến thăm vườn quốc gia Cúc Phương ngày cuối hạ 2018, đoàn tham quan của Học viện Báo chí và Tuyên truyền được chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động về tê tê - loài thú đang có nguy cơ tuyệt chủng. Dưới giọng dẫn truyền cảm của nữ hướng dẫn viên tên Ngân, cả đoàn chăm chú lắng nghe.
Một con tê tê bị lột vảy
Loài thú hiền lành, giàu tình mẫu tử trước nguy cơ tận diệt
Bước vào không gian khu bảo tồn, khách ghé thăm cần nói nhỏ tiếng, giữ trật tự để tránh làm ảnh hưởng đến động vật. Chị Ngân – nhân viên của Trung tâm giáo dục, bảo tồn thú ăn thịt và tê tê đầu tiên tại Việt Nam, bằng chất giọng miền Nam ngọt ngào giúp mọi người hiểu hơn về khu bảo tồn, về động vật hoang dã, đặc biệt là tê tê.
Tê tê có 8 loài trên thế giới. Trong đó, 4 loài ở châu Phi, 4 loài ở châu Á. Riêng Việt Nam có 2 loài là tê tê Java và tê tê vàng. Một số đặc điểm phân biệt các loài này như: đuôi tê tê Java dài hơn tê tê vàng. Tai của tê tê Java nhỏ hơn tê tê vàng. Trong khi tê tê Java có móng chân trước, chân sau bằng nhau, thích nghi việc leo cây thì tê tê vàng có móng chân trước dài hơn sau để thích nghi đào hang.
Cả hai đều đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao, xếp vào mục cực kì nguy cấp. Có nghĩa là nài tự nhiên, số lượng cá thể còn rất ít. “Nếu chúng ta không bảo vệ tê tê thì loài này có nguy cơ tuyệt chủng giống tê giác một sừng của Việt Nam (đã tuyệt chủng năm 2010)” - người hướng dẫn đoàn cho hay.
Tê tê thuộc lớp thú. Đáng chú ý, đây là thú duy nhất có vảy. Thức ăn của chúng là kiến, chứng kiến. Loài vật này bảo vệ cơ thể bằng phần vảy cứng cáp, chỉ riêng lớp bụng không có vảy. Gặp tình huống bất lợi, tê tê cuộn tròn người lại để tự bảo vệ mình. Tất cả lớp vảy cứng cáp bao phủ bên nài để bảo vệ cơ thể nó.Vì thế, những con thú ăn thịt như hổ, báo không thể tấn công được nó. Thế nhưng, tê tê không chống lại được con người.
Con người khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho những lợi ích kinh tế của mình. Rừng bị tàn phá khiến động vật hoang dã mất môi trường sống. Khi một con động vật hoang dã bị bắt đều bị tận dụng hết mọi bộ phận trên cơ thể từ thịt, da, móng...Tê tê không nằm nài số đó. Người ta cho rằng vảy của tê tê chữa được bệnh. Có trường hợp người ta bóc vảy tê tê ngay lúc nó còn sống. Đau đớn. Trong khi tốc độ mọc lại vảy của tê tê cực kì chậm, có thể nói là không. Mất vảy, con vật không thể bảo vệ mình tốt được. Tê tê còn nhạy cảm, khi bị bóc vảy sẽ stress, tiêu chảy, bỏ ăn…
Không dừng lại ở đó, còn xuất hiện hành động đối xử tàn nhẫn hơn thế với loài vật này. Câu chuyện về bào thai tê tê bị lấy ngâm rượu hay những chiếc bẫy “tử thần” làm cả hội trường sững lại, vài khách tham quan khẽ đưa tay lau khóe mắt.
“Người ta ngâm rượu cả bào thai của con tê tê. Họ …lấy… từ tê tê sống…” – Giọng chị Ngân nghẹn lại khi kể về lần chị nghe người bán hàng giới thiệu về bình rượu tê tê.
Người dân đặt bẫy trong vùng nơi tê tê sinh sống. Loại bẫy rất nguy hiểm được chế từ phanh xe đạp. Con động vật bị rơi vào bẫy sẽ rít lên, bị bẫy chỗ nào sẽ bị cứa, đứt vào chỗ đấy, rất thương tâm. Không tự thoát ra khỏi bẫy được. Tê tê dính bẫy thường bị hoại tử phần chân, không thể về với tự nhiên được nữa.
Trường hợp cá thể con cái bị bẫy ở cổ, lưỡi không đưa ra nài được nhưng vẫn cố gắng uống nước. Đau buồn hơn khi con tê tê ấy đang mang thai, nó cố gắng tất cả mọi thứ để có thể bảo vệ con mình. Tuy nhiên, theo thông tin của trung tâm cứu hộ, trường hợp đó hai mẹ con tê tê đều không thể cứu được.
Nhiều con bị bắt, xếp lớp trong bao. Khi được cứu hộ, nhiều con bị đơ. Động vật hoang dã bị buôn bán giá cao. Thế nên những kẻ kinh doanh tìm cách cho tê tê tăng trọng bằng việc luồn thẳng ống vào dạ dày rồi bơm bột ngô, bột đá. Sau đó, nút tự động được bấm để dồn bột vào dạ dày, làm cho dạ dày tê tê trương lên. Vì bột ngô, bột đá không phải thức ăn nên cá thể tê tê không tiêu hóa được. Những con tê tê không chịu được sẽ ói ra. Vô cùng thương tâm.
Theo nghiên cứu khoa học, tìm hiểu những nơi tịch thu tê tê bị kinh doanh trái phép, tê tê được cho là động vật bị buôn bán nhiều nơi trên thế giới.
Hãy bảo vệ tê tê và động vật hoang dã
Hạnh phúc khi tê tê được thả về tự nhiên
Trung tâm cứu hộ ra đời để giúp đỡ nhiều hơn các cá thể tê tê bị săn bắt trái phép. Khi cứu hộ, nhiều động vật khả năng sống sót thấp. Cá thể mất một phần trên cơ thể không thể về với tự nhiên. Trong quá trình làm việc, nhân viên cứu hộ gặp rất nhiều trường hợp đau lòng song cũng có những trường hợp hạnh phúc tạo động lực để tiếp tục công việc.
Quá trình cứu ban đầu: tê tê xếp lớp và vô cùng stress. Con stress nặng khi ra khỏi túi thì đơ luôn. Tê tê rất hiền. Con nào khỏe mạnh, đáp ứng đủ điều kiện thì được tái thả. Trước khi về với tự nhiên cá thể được cho một bữa. Người chăm sóc lâu năm biết cách cầm cho tê tê thấy an toàn.
Tiêu chuẩn tái thả là cá thể khỏe, còn bản năng hoang dã, thuộc khu phân bố, không mang mầm bệnh sẽ được thả về với tự nhiên. Những cá thể thương tật không thể kiếm thức ăn ko tự bảo vệ thì không được thả về tự nhiên, chuyển qua khu cứu hộ. Khi tái thả, mọi người đeo trên vai cá thể, đi vào lõi rừng để tiến hành công việc. Nơi tái thả được giữ kín.
Kể về một lần tái thả, chị Ngân xúc động : “Trong quá trình tái thả, nghe tiếng sột soạt, quay lại thì thấy tê tê đi theo đoàn, sợ tái thả không thành công. Thế nhưng anh trưởng đoàn bảo là nó chào tạm biệt mình, sau đó nó quay lại rừng đấy. Như một lời chào tới những người đã cứu sống nó. Quả là như thế thật”.
Cá thể tê tê ở ít nhất 1 tháng trong khu kiểm dịch mới dám thả về với tự nhiên. Địa điểm tái thả được nghiên cứ kĩ đảm bảo an toàn. Việc tái thả phải xin giấy phép. Ngày tái cố định, nắng mưa vẫn sẽ đi vào ngày đó. Một đội tái thả phối hợp với kiểm lâm. Cá thể được đánh số, một số bẫy ảnh đặt trong rừng. Một số con tái thả được gắn chip để theo dõi phục vụ nghiên cứu.
Có nghiên cứu về hai mẹ con tê tê được thả về rừng. Trong khi tê tê mẹ háo hức trở về rừng, mở cửa là lao thẳng vào rừng luôn thì tê tê con bẽn lẽn hơn. Con sinh tại trung tâm cứu hộ nên còn lạ lẫm với không gian rừng. Sau một hồi chừng 30 phút dò dẫm thì tê tê con đi đúng hướng với mẹ. Các nhân viên cứu hộ hi vọng mẹ con gặp nhau.
Chia sẻ về kỉ niệm với tê tê, chị Thu Hương, nhân viên trung tâm cứu hộ cho hay: “Đợt mình mới vào làm đã theo xe cứu hộ tê tê. Có những con bị nhốt trong hộp hoặc bao bằng sắt. Phải cắt bao để cứu tê tê. Bột ngô, bột đá đầy người nó. Có những con bé xíu đã mất. Cảm giác lúc đó rất tệ. Nhiều lúc tắm xong mùi hôi tê tê quanh người nhưng không cảm thấy nản. Mọi người cố gắng chăm sóc, quan sát xem có cá thể nào stress, hay bỏ ăn không. Có đợt thả 49 con, có đợt trên 50 con, có những đợt vài con. Cảm nhận khó tả, rất hạnh phúc khi tê tê được về nhà. Những con được thả về là những con may mắn. Mỗi lần thả là một lần hạnh phúc.”
Hoạt động tuyên truyền về vai trò động vật hoang dã, bảo vệ động vật hoang dã được duy trì và lan tỏa, vận động chính sách đưa vảy tê tê ra khỏi thuốc được chi trả bởi bảo hiểm xã hội nhằm góp phần bảo vệ sự sống cho tê tê.
Việt Nam tự hào về đa dạng sinh học. Khoảng 21000 động vật hoang dã được gọi tên. Có thể coi đó là kiệt tác thiên nhiên không thể nào thay thế. Tuy vậy, nếu con người không biết bảo tồn thì sẽ mất đi sự đa dạng sinh học này. “Không cần biết bạn là ai, làm nghề gì, bao nhiêu tuổi, địa vị xã hội như thế nào thì đều có thể bảo vệ động vật hoang dã bằng việc không ăn, không mua bán, không sử dụng động vật hoang dã làm thuốc. Mọi người tham gia và ủng hộ những tổ chức bảo vệ động vật, chia sẻ thông điệp bảo vệ động vật hoang dã. Ai có con hãy dạy con biết yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên của Việt Nam.” – Lời từ tổ chức cứu hộ động vật hoang dã.
Hồng Ánh – Nguyễn Hằng
Cùng chuyên mục
Bình luận