Chuyện nghề từ một nhà báo
(Sóng Trẻ) - “Nếu ai đó trong các em nghĩ rằng nghề báo là nghề nhàn nhã thì hãy từ bỏ ngay từ bây giờ trước khi quá muộn. Bởi vì với suy nghĩ đó, sau này khi bước chân vào nghề này, các em sẽ thấy rất ức chế. Tôi phải khẳng định rằng nghề báo là nghề vất vả, rất vất vả…”. Đó là những lời chia sẻ chân thành của nhà báo Trọng Quang, báo Hà Nội Mới Online chia sẻ trong buổi nói chuyện với sinh viên báo mạng điện tử k28
Nhà báo Trọng Quang
Với tác phong đĩnh đạc, phong cách trẻ trung, lối nói chuyện chân thành, có chuẩn bị kĩ “ bài giảng”, buổi “giao lưu” của nhà báo Trọng Quang đã thu hút được sự quan tâm của sinh viên.
Nhà báo chia sẻ về công tác phóng viên: “Bạn đã tự hỏi mình rằng khi chọn một nghề nghiệp thì yếu tố nào là quan trọng nhất với bạn chưa? Có rất nhiều lí do nhưng chắc rằng trong số đó tôi sẽ tìm thấy không ít ý kiến nói rằng do sở thích. Với nghề báo cũng vậy. Phẩm chất đầu tiên của một nhà báo là yêu nghề, say nghề. Trong bất kì nghề nghiệp nào cũng cần phẩm chất này nhưng với nghiệp báo điều này trở thành phẩm chất quan trọng nhất và là điều kiện thiết yếu để bước vào nghề. Với đặc thù công việc là cực kì vất vả, chỉ có lòng đam mê, nhiệt huyết hết mình mới có thể đem lại niềm vui, biến mồ hôi, nước mắt của phóng viên thành những nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện với những bài viết - thành quả đạt được. Đến với nghiệp báo chí, mỗi sinh viên báo chí hẳn đã xác định đó là nghề nghiệp mình yêu thích nhưng để niềm yêu thích đó trở thành đam mê thì còn cả chặng đường gian nan phía trước để trải nghiệm. Và chỉ có những ai đam mê thực sự mới có thể cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp viết báo. Có lẽ mang trong mình niềm đam mê ấy mà những nhà báo kì cựu của làng báo đã không lưỡng lự khi nói rằng họ không hối hận khi chọn con đường này”.
NB Trọng Quang tại bản Cát Sát- Lào Cai
“Tôi chăm chỉ như con ong, chỉ có chăm chỉ mới nâng mình lên được” - những lời chia sẻ chân thành ấy khiến chúng tôi bị cuốn hút. Chăm chú với câu chuyện Trọng Quang miệt mài vất vả 7 tháng trời để ôn luyện Tiếng Anh (để rồi cuối cùng giành được cơ hội đi Nhật 2 tháng), ngưỡng mộ sự cần cù, ham học hỏi nhà báo Phạm Tuấn - phó TBT VietNamNet (người làm việc chăm chỉ “như một con trâu” (lời NB Trọng Quang), đến khâm phục tấm gương nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - người đã làm hết mình khi tác nghiệp… chúng tôi đã học được những bài học sâu sắc. Những câu chuyện thực tế luôn đọng lại những điều bổ ích. Tôi biết rằng từ bây giờ yếu tố chăm chỉ trong nghề nghiệp sẽ luôn luôn trong tâm trí tôi và những ai có mặt trong cuộc nói chuyện.
“Chúng ta sẽ làm được gì với vẻ nài thiếu tự tin, e thẹn, ốm yếu…? Chắc chắn người phóng viên không bao giờ chiếm được cảm tình của người đối thoại, không bao giờ có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Vì vậy, nếu nói nhà báo cần gì nhất thì chắc rằng đó là sức khỏe và sự chủ động. Chỉ có chịu khó đi, lao vào cuộc sống thì mới có những bài viết mới, hay và hấp dẫn. Một bài báo hay trước tiên phải có đề tài hay. Chính việc đi nhiều, tìm hiểu nhiều sẽ giúp nhà báo phát hiện đề tài nhanh nhất, độc đáo nhất. Thật không na khi nói rằng đã làm báo thì không còn dây thần kinh xấu hổ để mà thẹn thùng, ái ngại nữa. Không tự ti và cũng không được quá tự tin bạn nhé. Nghề báo cần học cách cư xử khiêm tốn và dũng cảm khi đứng trước mọi vấn đề”.
Bạn đã biết công tác phóng viên quan trọng nhất là khâu gì chưa? Hẳn trong các bạn đã có những câu trả lời cho riêng mình.Với kinh nghiệm gần 20 năm làm báo của mình, nhà báo Trọng Quang khẳng định: quan trọng nhất trong công tác phóng viên là khâu chuẩn bị. Theo lời ông đó là kinh nghiệm xương máu. “Việc chuẩn bị của một phóng viên bao gồm tất cả những yếu tố như: phương tiện làm nghề. nội dung, tâm lí… Việc chuẩn bị này sẽ giúp chúng ta chủ động trong công việc, hướng công việc đi đúng hướng, tiết kiệm được thời gian và công sức bỏ ra… Chuẩn bị tốt trước khi tác nghiệp sẽ giúp cho bạn thành công một nửa khi viết bài. Đừng bao giờ để mình rơi vào tình thế bị động trước người đối thoại hay đi theo con đường của họ dẫn dắt. Nếu sự chuẩn bị sơ sài của phóng viên làm ảnh hưởng tới chất lượng bài viết thì điều đó là hoàn toàn không đáng”.
Khi đi xem lễ hội hoa đợt cuối năm 2009 - đầu 2010, mỗi sinh viên lớp báo mạng chúng tôi đều kịp phát hiện ra những vấn đề khác nhau: Có những cái được, cái hạn chế. Nhưng cái đáng khen ở mỗi người là đã kịp quan sát những vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ việc xả rác bữa bãi tới móc túi; từ việc lễ hội đầu tư công phu tới phản hồi của người xem… Với NB Trọng Quang, ông quan sát thấy việc cứ 2m - 3m lại có công an, bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ hoa. Điều này chứng tỏ ý thức của người xem hoa còn rất kém và những bóng áo bảo vệ này làm “cứng” đi rất nhiều một lễ hội văn hóa - hoa. Như vậy, việc quan sát là yếu tố không thể thiếu mỗi khi đi đến cơ sở, thâm nhập thực tế, tác nghiệp. Quả như NB Trọng Quang nói: “Quan sát nhiều chiều bài viết càng sát thực tế. Quan sát càng tinh bài viết càng hấp dẫn”.
Buổi nói chuyện thân mật với cách nói chuyện gần gũi, ngôn từ bình dị của một cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã giúp sinh viên có cái nhìn chính xác hơn về thực tế nghề nghiệp. Tuy vẫn còn những băn khoăn, những câu hỏi chưa được giải đáp nhưng những chia sẻ của NB Trọng Quang sẽ là hành trang để sinh viên mang bên mình.
Lê Thị Huế
Báo Mạng Điện Tử k28
Học Viện Báo Chí Tuyên Truyền