“Đi đến cùng trong mọi vấn đề là cách tốt nhất để đáp lại mong mỏi nơi bạn đọc”
(Sóng trẻ) - Đó là chia sẻ của phóng viên Dương Đình Trường - tác giả loạt bài 5 kỳ “Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế" vừa xuất sắc giành giải A, hạng mục Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử) - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020.
Trên tổng số 112 tác phẩm được trao giải, loạt 5 bài viết “Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế” là một trong số 9 giải A. Đặc biệt, nhóm tác giả bài viết có sự góp mặt của Dương Đình Trường - một phóng viên trẻ của Báo Lao động. Đồng thời, anh là cựu sinh viên khoa Phát thanh - Truyền hình, cựu thành viên Trang tin Điện tử Sóng Trẻ.
Phóng viên Đình Trường hoạt động nổi bật trong lĩnh vực báo chí điều tra tại Báo Lao động, là chủ nhân của hàng loạt tuyến bài chất lượng. Các bài viết đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc gây nhức nhối, tác động mạnh để các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời. Ấn tượng phải kể đến chuỗi bài “Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng”, xuất sắc giành giải A - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019. Gần nhất là loạt bài 5 kỳ khai thác “góc tối” trong lĩnh vực kinh tế, phản ánh tình trạng trốn thuế được thực hiện một cách tinh vi thông qua cổng thanh toán quốc tế. Một lần nữa, tác phẩm lại được vinh danh tại giải A - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020.
Sóng Trẻ đã có cuộc trò chuyện với Đình Trường - chủ nhân hai giải A - Giải Báo chí Quốc gia trong hai năm liên tiếp - một giải thưởng cao quý đối với các nhà báo, phóng viên.
Đầu tiên, thay mặt Trang tin điện tử Sóng Trẻ, xin chúc mừng anh với những thành tích xuất sắc tại giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV. Vinh dự 2 năm liền được nhận giải A, giải Báo chí Quốc gia - giải thưởng lớn đối với những người làm báo, cảm xúc của anh lúc này thế nào?
Tôi nghĩ rằng được giải A Báo chí quốc gia là mơ ước của bất cứ một nhà báo nào. Đặc biệt, với tôi, đây là năm thứ 2 liên tiếp tôi có được giải thưởng này, đó thực sự là một vinh dự rất lớn. Để có được thành quả này tôi nghĩ rằng công sức lớn thuộc về ban biên tập Báo Lao Động, đã hỗ trợ nhóm phóng viên từ những ngày đầu tiên và để sản phẩm cuối cùng lên trang được hoàn thiện và hiệu quả tốt nhất.
2 năm gần đây, “COVID-19” là một từ khóa “nóng”, luôn phủ sóng trên nhiều mặt báo và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Vậy tại sao anh lại lựa chọn phản ánh về tình trạng “trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế” mà không phải khai thác một khía cạnh liên quan đến COVID-19?
Thực tế, COVID-19 là dòng thời sự chủ lưu trong khoảng 2 năm trở lại đây. Nhưng bên cạnh đó, các hoạt động khác vẫn diễn ra, như trong bài viết của tôi là các dòng tiền không vì dịch bệnh mà ngừng chảy. Từ các hoạt động kinh tế đó, có cả một thị trường ngầm mua bán, trao đổi tiền. Những giao dịch không dấu vết ngang nhiên lách qua các quy định về tỷ giá, về phí chuyển khoản hay thậm chí là cả sự truy vết của cơ quan chức năng.
Đây thực sự là một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, đặc biệt trong đó là vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề kiểm soát dòng tiền ra vào quốc gia.
Vì lẽ đó, nhóm phóng viên chúng tôi đã quyết định triển khai loạt bài này.
Độc giả đang rất mong được lắng nghe về quá trình thực hiện tác phẩm của anh cũng như ekip. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này.
Trên thực tế, khó khăn đầu tiên với nhóm tác giả đó là việc đây là một đề tài mới trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Hơn nữa, tất cả các giao dịch qua cổng thanh toán đều diễn ra trên môi trường mạng. Nhóm phóng viên đã phải tìm cách để có được những hình ảnh giao dịch trực tiếp ngoài đời thực. Khi đó, mô tả về “chợ đen" và sự dễ dàng, khó truy vết của các giao dịch ngầm mới thực sư trực quan khi đến với độc giả. Câu chuyện này không hề dễ dàng bởi gần như tất cả người dùng đều muốn ẩn danh.
Đồng thời, nhóm phóng viên đã phải thuyết phục những người sử dụng cổng thanh toán quốc tế, dám đứng ra và nói lên những chiêu thức trốn thuế, cách đi lắt léo của dòng tiền để qua mắt cơ quan chức năng.
Là một phóng viên không được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế, chắc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn khi khai thác và triển khai đề tài. Anh đã phải đối mặt với những khó khăn gì và cách khắc phục như thế nào?
Đúng vậy và sự thực là lúc đầu tôi không biết triển khai đề tài này như thế nào. Bởi hoạt động của các cổng thanh toán quốc tế ở Việt Nam dù được giới kinh doanh sử dụng như một công cụ đắc lực trong vài năm gần đây, nhưng chưa từng được nhìn nhận một cách tổng quan, đặc biệt ở khía cạnh các rủi ro và nguy cơ. Đồng thời, chưa một cơ quan báo chí nào đề cập một cách rõ ràng về tính chất các cổng thanh toán này.
Tôi đã kết hợp với đồng nghiệp của mình là một phóng viên chuyên theo dõi mảng kinh tế. Cả hai phát huy thế mạnh của nhau. Và từ những khó khăn ban đầu, dưới sự định hướng, hỗ trợ của lãnh đạo báo, chúng tôi đã dần dần có được hướng đi đúng đắn trong việc triển khai đề tài.
Cả hai tuyến bài nhận giải A, giải Báo chí Quốc gia của anh và ekip đều thuộc thể loại điều tra, khai thác “những góc tối” trong cuộc sống. Bên cạnh đó, anh cũng có rất nhiều tuyến bài khác cũng thuộc thể loại này. Đây có phải là hướng đi được anh theo đuổi ngay từ khi học Báo chí?
Học báo chí là được học tập về các nền tảng lý thuyết và kỹ năng nghiệp vụ. Còn tôi không định hướng mình theo đuổi thể loại điều tra từ khi còn là sinh viên, bởi lúc đó chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Và cho đến lúc này, tôi cũng không định nghĩa mình phải theo đuổi thể loại này. Tôi nghĩ rằng với mỗi phóng viên , nhà báo, khi cuộc sống nảy sinh những bất cập, những vấn đề có thể truyền tải được lên báo chí thì đều muốn làm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Ở đó, đi đến cùng trong bất cứ vấn đề, vụ việc nào cũng là cách tốt nhất để đáp lại mong mỏi nơi bạn đọc.
Anh có lời khuyên gì cho những bạn sinh viên báo chí nói chung và sinh viên đam mê lĩnh vực “báo chí điều tra” không?
Để có được thành quả ngày hôm nay, tôi cũng may mắn có được sự dìu dắt của một số phóng viên đi trước trong thể loại báo chí điều tra. Rồi các bạn sinh viên cũng sẽ như vậy, quan trọng là nắm bắt cơ hội và cố gắng hết sức với đam mê của mình. Còn hiện tại hãy học tập thật tốt trong môi trường Học viện đã rất nhiều điều kiện thuận lợi để sinh viên được trải nghiệm thực tế.
Là sinh viên khoa Phát thanh - Truyền hình, một thành viên cốt cán của Trang tin điện tử Sóng Trẻ, anh có nghĩ những CLB nghiệp vụ, hoạt động ngoại khóa đã cho mình nhiều kinh nghiệm, giúp anh tự tin hơn trong việc sản xuất, gặt hái được những thành tích danh giá?
Đó là điều không thể phủ nhận nếu được học tập tại Học viện báo chí và Tuyên truyền. Tôi từng có thời gian được rèn luyện trong Trang tin điện tử Sóng trẻ. Và từ những bài báo đầu tiên được đăng tải ở đó, tôi được sự chỉ bảo của các thầy cô giáo trong khoa Phát thanh - Truyền hình, các anh chị thế hệ sinh viên đi trước. Nhờ có vậy, tôi đã bước ra với nghề nghiệp của mình hôm nay với nhiều thuận lợi, trải nghiệm quý báu ngay từ thời sinh viên như thế.
Xin cảm ơn phóng viên Đình Trường về những chia sẻ hết sức thú vị. Chúc anh khai thác thêm được nhiều đề tài hay, gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp làm báo cũng như trong cuộc sống.