Cơ cực nghề phu đá: Kỳ 1- Những cái chết không được báo trước
(Sóng Trẻ) - Trẻ con lớn lên tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ngay từ khi 14-15 tuổi đã bỏ học theo cha mẹ lên núi ‘’làm đá’’ tại các xưởng đá với đồng lương ít ỏi. Những đứa khác khá hơn thì lái xe tải vận chuyển đá đến các đại lý tiêu thụ mặc dù chúng chưa hề được học qua một lớp lái xe nào cũng như…không có bằng. Tuy nhiên tất cả đều có một điểm chung đó là hàng ngày phải đối mặt với những cái chết không được dự báo trước.
Cơ cực nghề phu đá
Đỗ Đăng Anh (sn 1992) mất khi đang điều khiển xe tải trong công trường khai thác đá thì bị chiếc xe cẩu đá thả vào thùng đã thả trượt vào đầu xe. Đăng Anh bị bẹp trong buồng lái.
Mẹ của Đăng Anh – chị Trương Thị Viết (48 tuổi, thôn Đông Sơn, Yên Lâm) chua xót: “Cô buồn cái bản thân, vì hoàn cảnh không có cho nên con mới phải đi làm sớm, thứ hai nữa cô cũng trách những ông chủ làm đá, làm không có trách nhiệm chi cả, không giờ giấc chi cả. Con nhà cô mà đi làm đúng giờ giấc thì nó cũng không đến mức độ như thế mô. Đáng lẽ 1h30, 2h mới làm mà 12h30 đã bị gọi đi rồi. Hôm đó chỉ có mình cháu nó bị, không ai bị thương gì cả, nhưng cũng nhà đấy khoảng một tuần sau lại có người bị đá nghiền nát cả thân người, không còn một cái gì. Cả hai bố con đi làm đá. Bố làm cho một cai, con làm cho cai khác. Nó đền cho hay 70 triệu là chi phí tất cả. Không có hợp đồng hay bảo hiểm gì. Mất ba năm trời cô phát điên lên, cứ hoảng loạn suốt, cả gia đình lo lắng’’.
Cũng giống như Đăng Anh, thanh niên ở thôn Đông Sơn ngay từ bé đã theo cha lên núi làm đá. Dân ở đây chủ yếu là dân tứ xứ về vùng này làm kinh tế theo diện 135. Nhưng phải nỗi xung quanh vùng núi đá này, đất đai không trồng trọt được hoa màu, làng nghề cũng không có cho nên chỉ có một lựa chọn duy nhất đó là làm đá trong những công trường đã được các chủ thầu mua lại từ chính quyền địa phương.
Theo chia sẻ của các công nhân, lương ở đây rất thấp nhưng khối lượng công việc rất nặng. Lương của một thợ đá lâu năm là khoảng 100.000-120.000 VND/ngày. Trong khi đó lương thợ mới vào nghề là từ 70.000-80.000 VND. Lương lái xe cũng rơi vào tầm đấy nhưng công việc thì nhàn hạ hơn là thợ xẻ đá.
Những khối đá được khai thác kiểu hàm ếch luôn chứa đựng rất nhiều rủi ro cho công nhân
Thợ xẻ đá tuy có vất vả hơn cánh lái xe, nhưng so với thợ núi thì chẳng thấm tháp gì. Thợ núi ở trên núi nắng nôi đánh mìn và khoan đá sau đó máy cẩu, máy xúc mới đến đánh đá đem về xưởng. Cái chết treo trên đầu, không vì đá lở thì cũng vì dây khoan kéo cắt cổ. Một công việc nữa mà chỉ có thợ núi mới làm được đó là đánh mìn. Mìn được đánh theo nguyên tắc dây dài đánh trước, dây ngắn đánh sau. Người thợ núi mỗi lần phải đánh cả trăm dây, chỉ cần đánh sai một dây thôi là sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ thợ núi.
Sản phẩm đẹp hay không cốt cán là do thợ núi chính vì thế những chủ thầu thường săn đón những người thợ núi giỏi. Nhưng lương cũng chả khá hơn là bao. Chị Ngọc, có chồng làm phu đá cho biết: “Chồng chị bị ba lần tai nạn đá nhưng may thoát chết. Lần thứ nhất bị cục đá rơi vào đầu, khâu bảy mũi. Lần thứ hai cũng cục đá bằng nắm tay cũng rơi trúng đầu, cũng phải khâu mất mấy mũi nữa, trên đầu có hai vết khâu. Giờ sờ vẫn còn đau buốt, trở trời là đau. Anh Hà nhà chị có lần ôm hai trăm quả mìn, anh ấy bảo phải tự đốt lấy, tự khoan, tự tra mìn, tự đốt, không cho ai đốt cả, bởi vì mình làm biết dây nào mũi dây nào dài đốt trước, ngắn đốt sau, cứ lần lượt như thế. Anh chồng chị bị khâu hai lần trên đầu ấy, nhà chủ họ chỉ ra trả tiền khâu chỉ thôi, đúng chỉ vừa tiền khâu chỉ thôi, không thừa lấy một đồng nào.”
Trước đây khi chưa có máy E (máy cẩu) mọi công việc đều làm bằng tay. Tuy bây giờ vì mục đích tăng doanh số các chủ thầu có đầu tư hệ thống máy móc: máy cẩu, máy xẻ đá, ô tô tải…nhưng không vì thế mà công việc của công nhân nhà hạ hơn thậm chí còn xảy ra nhiều tai nạn hơn trước.
Theo lý giải của ông Đồng, một thợ đá lâu năm: “Ngày xưa khoan, muốn lật cục đá thì phải lấy xà beng, đứng trên đấy rồi ôm lấy cái xà beng ấy chứ, vì có máy đâu mà lật. Bây giờ nó tai nạn nhiều hơn ngày xưa là vì nó làm ồ ạt, đánh gầm, đánh cống nhiều. Ví dụ đánh không hết mà nó tụt đá xuống không hết, nó còn lại như nhà ông Hùng ấy. Làm ở dưới lâu ngày tự đá nặng, nó mỏi rồi nó nhả ra. Giống như mình xách cái vật gì mà lâu ngày nó nặng, nó mỏi thì phải thả xuống ấy. Phải buông chứ làm sao chịu được.”
Trong các công trường có cả phụ nữ và đàn ông, đủ mọi lứa tuổi. Nhưng chỉ đến khoảng 40 tuổi là họ được cho nghỉ vì đã không còn sức lao động và mắc các bệnh về phổi như ho lao, ung thư…bởi khi cắt đá, công nhân phải tiếp xúc trực tiếp với bụi đá mà không có đồ bảo hộ lao động. Theo miêu tả của ông Đồng thì phu đá ở đây khi về hưu phổi đều bị rỗ như cái rổ vậy.
Ông Đỗ Đăng Trúc thắp hương cho con trai bị đá đè chết trong một vụ sạt lở đá
Những cái chết không được báo trước
Thợ núi tuy vất vả nhưng lại rất được các chủ thầu săn đón. Trước đây, người thôn Đông Sơn đi làm thợ núi rất nhiều, thậm chí có cả những đứa trẻ 14-15 tuổi cũng theo cha, theo anh đi xẻ núi. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, người Đông Sơn không còn mặn mà với công việc nhiều gian truân này. Cánh chủ thầu vì thế mới tìm cách thuê những người ở vùng núi tây Thanh Hóa về làm việc. Nhưng cũng chỉ được một thời gian họ rủ nhau nghỉ vì công việc quá đỗi nguy hiểm.
Vì khan hiếm thợ núi nên những người như ông Đỗ Đăng Trúc – một thợ núi có hơn 10 năm làm việc rất được các chủ thầu ra sức mời về làm. Nhưng sau vụ tai nạn xảy ra vào năm nái đã cướp đi mạng sống của con trai ông, ông Trúc đã thôi làm thợ núi, nhưng ở nhà cũng không có việc gì làm, vì đói vì nghèo nên ông đành cắn răng đi làm giám sát ở mỏ đá.
Lán ở của công nhân nằm ngay dưới chân núi có thể bị đá đè bất cứ lúc nào
Cũng lâm vào tình cảnh xấu số như con trai ruột của ông Trúc. Anh Quỳnh (thôn 3, xã Xuân Du) có một em trai và một anh trai bị thiệt mạng do bị đá đè khi đang làm việc. Cả ba anh em đều làm kỹ thuật khoan đá.
Theo anh Quỳnh làm đá rất nguy hiểm: “Khoan thì không may đá ở trên rơi xuống vào người, độ cao khoảng hơn 100m. Có dây bảo hộ, nhưng mình làm thì có phải lúc nào mình cũng cầm ở tay đâu. Lúc nào cũng cầm dây ở tay thì mình làm công việc không năng suất cho nên nhiều lúc sơ xuất thả dây ra. Mà gặp trường hợp vẫn cầm dây mà đá ở trên rơi xuống thì vẫn chết. Theo như tôi đi làm thì nguy hiểm đá không nói hết được, có những công nghệ hiện đại như Yên Bái, lên đỉnh núi lấy vẫn cứ xảy ra tai nạn. Khắc phục nếu lấy từ trên xuống thì mình khoan cắt dây thì nó đỡ hơn, vì từ trước tới giờ là mình bắn thành cái gầm ở dưới, rồi trừ lấy cái trối, giật cái trối rồi tự nó đổ. Cái trối bằng cái gian nhà ấy, cao 50m, sau đó mình giật cái trối là nó đổ xuống.”
Những người phu đá họ tự ví nghề của mình như đánh bạc, bạc trắng như vôi. Bởi những cái chết đến thường không báo trước. Có người bị dây quấn vào cổ, có người đang đục, đang khoan thì đá sạt lở đè chết. Có người thì bị mìn nổ. Người dân ở đây cho biết, không tháng nào là không có người chết do khai thác đá.
Điển hình nhất là vụ tai nạn tại mỏ đá Tuấn Hùng năm 2015 làm 8 người bị thiệt mạng trong đó có chính con trai của ông chủ Hùng đang đi xe máy cũng bị đá sạt xuống đè chết. Nhưng tuyệt nhiên chủ thầu và chính quyền xã dấu nhẹm chuyện này. Những cái xác được lặng lẽ cuốn chiếu mang về mai táng với số tiền nhận được vỏn vẹn 70 triệu đồng cho một mạng người.
Người dân ở đây chỉ biết thở dài vì họ đã quá quen với những cảnh tượng này. Tuyệt nhiên ai cũng đều đổ lỗi cho cái số như lời của anh Quỳnh và ông Đồng. Bởi lẽ họ sinh ra đã không có lựa chọn nào khác nài việc làm phu đá, cho nên sự sống và cái chết đành giao phó cho những tảng đá vô tri có thể sụt xuống bất cứ lúc nào.
Vũ Ninh
ĐPT K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận