Đào tạo nhà báo - Cần có một môn học riêng về giọng đọc trên sóng phát thanh

(Sóng trẻ)- Trong các môn chuyên đề báo chí của chuyên ngành Phát thanh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chúng tôi đặc biệt yêu thích bài giảng về “Giọng nói trên sóng Phát thanh” do NSƯT Hà Phương, Phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện. Trong hai buổi học, thầy đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều kiến thức bổ ích và thú vị…

Tôi đã được nghe giọng đọc của NSƯT Hà Phương nhiều lần trên sóng Đài phát thanh, nhưng đây là lần đầu tiên được nghe thầy giảng, đúng hơn là nghe thầy trò chuyện về nghề. Buổi học đầu tiên, thầy nói đến vai trò của lời nói trên sóng phát thanh cùng những kỹ thuật đọc trên sóng như phải đảm bảo đúng dấu thanh điệu, đúng vần. Trong đó dấu thanh điệu là quan trọng hơn cả, là “chìa khóa cho giọng đọc tốt”. Tuy nhiên, khuyết điểm về dấu thanh điệu trên thực tế lại rất lớn, chiếm 80 – 90%.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi biết đến điều này. Bởi mặc dù học chuyên ngành phát thanh nhưng trong chương trình học của chúng tôi suốt 4 năm không hề có môn học nào giảng riêng về giọng đọc trên sóng. Chúng tôi cũng chưa một lần được hướng dẫn phải đọc như thế nào cho đúng, nại trừ bản thân mỗi người chỉ cố gắng làm sao phát âm đúng chính tả, đặc biệt phải phân biệt giữa “n” và“l”, cố gắng loại bỏ yếu tố giọng địa phương.

Thầy luyện cho chúng tôi đọc đúng dấu thanh điện bằng cách đọc hai câu thơ của nhà thơ Tú Xương:

“Hỏi cô, cô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa”

Không khí lớp học sôi nổi hẳn lên khi cả lớp cùng luyện đọc. Buổi học thứ hai, trên cơ sở chúng tôi đã nắm được kỹ thuật đọc, thầy yêu cầu từng sinh viên lên thể hiện ba loại văn bản trên phòng máy, gồm: thông tấn, chính luận và văn học. Năm sinh viên đầu tiên có chất giọng được coi là “hay” nhất lớp lên thử sức, kết quả chỉ có một giọng nam được thầy đánh giá là “khá”. Còn lại bốn giọng đọc khác thầy nhận xét “chưa được” và “cần phải luyện tập nhiều”. Đây là kết quả làm chúng tôi… ngỡ ngàng, bởi từ trước tới nay đó vẫn được nhận xét đó là những giọng đọc tốt.

Vẫn biết thầy đánh giá chất giọng sinh viên theo tiêu chuẩn của một phát thanh viên chuyên nghiệp, song kết quả ấy cũng làm chúng tôi không khỏi lo lắng. Trên thực tế, từ trước tới nay, mỗi khi trả bài thi học phần yêu cầu thể hiện tác phẩm, tiêu chí đánh giá giọng đọc mới chỉ dừng lại ở chất giọng (trong, thanh, “tròn vành rõ chữ”, tức là phải đọc chuẩn, không được nói lắp, nói ngọng) chứ chưa có sự đánh giá về dấu thanh điệu, vần, ngữ đoạn, tức là chưa đặt ra tiêu chí về kỹ thuật đọc cụ thể như thầy hướng dẫn và yêu cầu. Chính điều này đã làm chúng tôi không hề biết được “điểm yếu” của bản thân mình mà khắc phục.

Hai buổi học cho một chuyên đề, thời lượng quá ít so với tổng thể chương trình đào tạo dành cho sinh viên chuyên ngành báo phát thanh chúng tôi. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng đã có được những kiến thức nhất định để có thể tự luyện giọng đọc của mình cho “chuẩn” hơn.

Mặc dù hiện nay, trong xu hướng phát triển của báo phát thanh hiện đại, giọng đọc của phát thanh viên chuyên nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, còn lại phần lớn là giọng đọc của phóng viên và biên tập viên – những người trực tiếp sáng tạo tác phẩm và thể hiện tác phẩm của mình. Họ có thể truyền được thái độ, tình cảm, cái “tôi chứng kiến” của mình. Nhưng dù là giọng của biên tập viên hay phóng viên thì vẫn phải đảm bảo yêu cầu “đúng”, “chuẩn” và có kỹ thuật. Nếu không “chúng ta sẽ chỉ là người Việt bình thường nói tiếng Việt, còn giọng đọc trên sóng phát thanh phải đạt tới tầm cao hơn. Đó là trách nhiệm của những nhà báo phát thanh để góp phần đọc đúng, đọc chuẩn tiếng Việt, giữ gìn tinh hoa, sự trong sáng cho tiếng Việt ta”. Lời căn dặn của thầy Hà Phương đối với những nhà báo phát thanh tương lai chúng tôi thật thấm thía.

Trên thực tế, việc phân chia chuyên ngành đào tạo báo chí ở trường tôi cũng đã đem lại những hiệu quả, giúp sinh viên tiếp xúc với chuyên ngành ngay từ năm đầu tiên, được học sâu về một chuyên ngành mình yêu thích và không mấy khó khăn khi tác nghiệp. Song với chuyên ngành báo phát thanh, cần lắm một sự điều chỉnh trong chương trình đào tạo. Nhà trường nên có một môn học về giọng đọc, hướng dẫn sinh viên cách đọc đúng kỹ thuật để khi ra trường sinh viên có thể tự mình thể hiện tác phẩm trên sóng phát thanh. Sinh viên phát thanh đang rất cần điều đó.

Vũ Thị Thanh Thủy
Lớp Phát thanh K.25
Học viện Báo chí và Tuyên truyền


 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN