Đi thực tế - phương pháp học hiệu quả với sinh viên báo chí
(Sóng Trẻ) - Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong ba trường đại học đào tạo báo chí lớn nhất của cả nước. Những năm gần đây, nhà trường không ngừng đổi mới và nâng cao phương thức giảng dạy nhằm mang lại hiệu quả học tập cũng như chất lượng kiến thức tốt nhất cho sinh viên. Một trong những phương pháp giảng dạy mới là tăng cường cho sinh viên đi thực tế tại các cơ quan báo chí. Đây thực sự là một phương pháp học hiệu quả và hữu ích đối với các bạn sinh viên báo chí.
Phát huy vai trò chủ động của sinh viên trong học tập
Phương pháp dạy và học truyền thống là cách truyền kiến thức một chiều, thầy cô giảng bài, sinh viên nghe và ghi chép. Cách học này dĩ nhiên sẽ dẫn đến việc hạn chế khả năng sáng tạo và chủ động của sinh viên. Vì thế cho sinh viên đi thực tế trong quá trình học được xem như một việc làm nâng cao vai trò chủ động của sinh viên trong học tập.
Bên cạnh việc hàng ngày lên giảng đường nghe thầy giáo, cô giáo giảng bài, giờ đây, sinh viên báo chí đã được học bằng một hình thức mới. Trơng những môn học chuyên ngành, những môn cơ bản của báo chí như Nhập môn, Cơ sở lí luận báo chí, Lí thuyết truyền thông… các bạn sinh viên sẽ được chia thành nhiều nhóm nhỏ, gồm 5 đến 6 bạn trực tiếp đến các cơ quan báo chí để thu thập những thông tin cần thiết. Vậy là thay vì ngồi trên lớp nghe thầy giảng một cách thụ động về mô hình tổ chức của một cơ quan báo chí hay quy trình xuất bản một tờ báo… các bạn sinh viên đã có thể trực tiếp tìm hiểu những điều đó thông qua các cơ quan báo chí – nơi mà các bạn đến thực tế.
Chuyến đi thực tế thú vị của Sinh viên chí tới Tạp chí Cộng Sản.
Những chuyến đi thực tế đó giúp các bạn sinh viên có được cái nhìn toàn diện hơn về những vấn đề mình quan tâm. Hơn nữa, nó tạo ra một tinh thần hứng khởi khi học tập, bởi lẽ khác với cách học thụ động thông thường, giờ đây chính các bạn là người tìm ra bài học, tìm ra những kiến thức cho riêng mình. Như vậy tất yếu kiến thức đó in đọng trong tâm trí của sinh viên lâu và bền vững hơn. Đó không chỉ là một phương pháp học thu hút được sự háo hứng của sinh viên mà còn là một cách giảng dạy hiện đại, phát huy tối đa vai trò chủ động của sinh viên trong học tập.
Sau mỗi chuyến đi, sinh viên báo chí sẽ có được nhiều kiến thức cho môn học của mình. Nhiệm vụ của thầy, cô giáo là bổ sung những thông tin cần thiết hoặc còn thiếu để hoàn thiện phần kiến thức của các bạn sinh viên. Một cách dạy và học hai chiều đã được ứng dụng và hiệu quả của nó là điều thật dễ dàng nhận ra.
Những bài học nài sách vở
Đi thực tế là công việc các bạn sinh viên tìm hiểu những vấn đề lí luận trong sách được cụ thể hóa trong thực tiễn là như thế nào? Tất nhiên sau mỗi chuyến đi sinh viên sẽ lấp đầy những khoảng trống kiến thức của mình. Song điều đáng nói là ở chỗ, các bạn sinh viên còn có được những bài học nài sách vở - một thứ hành trang sẽ theo họ trong suốt cuộc đời.
Sinh viên báo chí khi đến với các tòa soạn để thực tế họ sẽ thấy được không khí làm việc khẩn trương, hối hả của các phòng ban, sự bận rộn của cá nhân những người làm báo… Đó không chỉ là sự trải nghiệm mà hơn hết nó còn bồi đắp lòng yêu nghề, tinh thần dám chấp nhận khó khăn, vất vả khi theo nghiệp làm báo của sinh viên. Tinh thần và khí thế hừng hực của nghề báo sẽ là động lực thôi thức các bạn sinh viên cố gắng hơn nữa trong học tập và cuộc sống.
Không chỉ có vậy, những con người mà các bạn gặp, những công việc khó khăn mà các bạn được biết, những kinh nghiệm trong nghề báo mà các bạn được sẻ chia sẽ thực sự là những bài học, những nguồn tư liệu sống động nhất cho mỗi bạn sinh viên. Đó sẽ là những đề tài, những dấu ấn đầu tiên về nghề làm báo in đậm trong tâm trí các bạn sinh viên, để từ đó những tác phẩm đầu tiên được ra đời dẫu còn non nớt.
Những bài học về công tác làm việc nhóm, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, những khó khăn đầu tiên mà các bạn gặp phải, tất cả sẽ là những hành trang đáng quý cho sinh viên trước khi bước vào cuộc sống của một người làm báo. Mỗi chuyến đi khép lại lại mở ra những giá trị mới mà hẳn với các bạn sinh viên đó sẽ mãi là những dấu ấn khó. Đi thực tế không chỉ dừng lại là một phương pháp dạy và học mà hơn hết nó đã trở thành một điều thật ý nghĩa trong cuộc đời sinh viên báo chí.
Hoài Thu
Lớp Truyền hình K.28A1
Cùng chuyên mục
Bình luận