Kĩ năng dẫn chương trình giải trí trên phát thanh
(Sóng Trẻ) - Để làm tốt vai trò của một người dẫn chương trình giải trí, phát thanh viên phải có một số kĩ năng cơ bản. Kĩ năng được hình thành dựa trên những đặc trưng của loại hình phát thanh và đặc điểm của chương trình giải trí.
Về giọng nói
Đối với người dẫn chương trình truyền hình, nài giọng nói ra thì các yếu tố ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ cũng hỗ trợ rất nhiều trong quá trình dẫn, góp phần tạo nên phong cách cho người dẫn và thể hiện cảm xúc của họ. Nhưng đối với người dẫn chương trình phát thanh, giọng nói lại là yếu tố chủ chốt. Thính giả không thể nhìn thấy người dẫn chương trình mà họ chỉ cảm nhận được sắc thái của chương trình thông qua lời nói. Giọng nói chính là một yếu tố quan trọng để lôi kéo thính giả đến với chương trình.
Nài yêu cầu chung đối với người dẫn chương trình là phát âm chuẩn, nói tròn vành rõ chữ, người dẫn chương trình giải trí trên phát thanh cần phải thể hiện được cảm xúc thông qua lời nói, biến hóa giọng nói, tránh nói đều đều. Nếu như dẫn chương trình thời sự, người dẫn chương trình phải thể hiện được một sự nghiêm túc với chất giọng thông tấn thì khi dẫn chương trình giải trí họ lại phải thay đổi sắc thái của giọng nói để phù hợp với chủ đề và diễn biến cảm xúc của thính giả tham gia kết nối hay để mang lại tiếng cười cho thính giả.
MC Thảo Nguyên, MC Nguyên Khang, MC Ngọc Bảo, MC Mạnh Thắng, MC Phương Hiền, MC Viết Duy… là những MC đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng thính giả trên VOV3 và VOV giao thông với giọng nói đầy cảm xúc của mình.
Lời chào thính giả
Lời chào chương trình của người dẫn chương trình giải trí phải hấp dẫn, sôi động, tình cảm, thu hút được sự chú ý của thính giả. Một lời chào ấn tượng sẽ có sức lôi cuốn đối với thính giả. Đó như một lời mời của chương trình. Nếu mời hay, mời khéo, mời chân thành thì thính giả sẽ khó có thể từ chối được.
Đừng để khán giả tắt đài khi mới chỉ nghe lời chào của Phát thanh viên
Với chất giọng Nam Bộ ngọt ngào, cách nói tự nhiên, cảm xúc, MC Thảo Nguyên đã có một lời chào thính giả rất nhiều tình cảm trong chương trình 356 ngày hạnh phúc phát sóng trên kênh VOV giao thông: “Thảo Nguyên xin được gửi lời chào thân thương nhất đến quý vị thính giả cả hai miền Nam, Bắc".
Kiểm soát lời dẫn
Phong cách nói tự do, thoải mái, đối đáp, thậm chí là cười đùa, cãi nhau trên sóng là phong cách chủ yếu của các chương trình giải trí dành cho giới trẻ ngày nay. Phong cách này dễ khiến người dẫn thể hiện sự tự nhiên, cảm xúc thái quá trên sóng, nói dài dòng, lan man, lạc chủ đề.
Bởi vậy, người dẫn chương trình cần phải kiểm soát, tiết chế được lời nói của mình để những gì mình nói ra là vừa đủ để thính giả có thể cảm nhận. Lồng ghép kiến thức, sự hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau hay các bài học cuộc sống vào chương trình giải trí.
Yếu tố âm nhạc trong chương trình giải trí
Lấy âm nhạc làm chủ đạo, rất nhiều chương trình giải trí đã được xây dựng. Mỗi chương trình là một cách thể hiện riêng, có thể là phát bài hát theo chủ đề, phát theo yêu cầu của thính giả, trò chuyện với ca sĩ và lắng nghe những bài hát gắn với tên tuổi của họ, phát bài hát để thay cho lời muốn nói, hay có thể là chương trình trò chơi lồng ghép âm nhạc để tạo sự sinh động.
Trong các chương trình giải trí hiện nay, đặc biệt là các chương trình giải trí trên VOV3, người dẫn chương trình đồng thời là chọn nhạc, phân phối các bài hát trong chương trình nên yêu cầu họ phải luôn cập nhật được những thông tin, xu hướng âm nhạc mới nhất. Không chỉ thế, trong chương trình, nhạc nền được sử dụng khi người dẫn chương trình nói, bởi thế họ phải có khả năng cảm thụ âm nhạc để điều chỉnh giọng nói của mình sao cho phù hợp với tiết tấu bài nhạc đó.
Có kiến thức phong phú về âm nhạc cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác và có khả năng cảm thụ âm nhạc. Âm nhạc có thể được xem là yếu tố chủ yếu tạo nên các chương trình giải trí trên sóng phát thanh. Thông điệp của chương trình thể hiện qua các ca khúc được lựa chọn.
Dẫn dắt chương trình tự nhiên
Khác với các chương trình tin tức hay tọa đàm, chương trình giải trí tạo cho người dẫn chương tình một tâm thế thoải mái và tự nhiên hơn. Người dẫn chương trình không nên quá phụ thuộc vào văn bản, hãy nói như đang kể chuyện, tâm sự , chia sẻ với thính giả. Nếu người dẫn chương trình đọc theo những gì chuẩn bị trước thì chương trình sẽ khô khan, cứng nhắc và không cảm xúc.
Đến với chương trình giải trí, thính giả luôn mong muốn tìm được cảm giác thư giãn, không khí vui tươi vì thế sự tự nhiên, chân thành, gần gũi trong cách dẫn của người dẫn chương tình sẽ kéo gần thính giả với chương trình hơn. Họ sẽ xem chương trình đó, người dẫn đó là người bạn tâm sự của họ trong những lúc vui, buồn. Đây là một trong những thế mạnh của phát thanh và người dẫn chương trình phải không ngừng rèn luyện để làm được điều này.
Hài hước, dí dỏm nhưng phải tế nhị, duyên dáng.
Sự hài hước, hóm hỉnh là không thể thiếu đối với một chương trình giải trí để tạo nên sự thư giãn, thoải mái, nhất là các chương trình dành cho giới trẻ. Nếu người dẫn chương trình biết đùa đúng lúc, biết biến hóa giọng nói, biết kể chuyện, đọc thơ và hát thì sẽ góp phần làm tăng tính sinh động của chương trình lên rất nhiều. Những kĩ năng phụ trợ này sẽ giúp ích rất nhiều cho người dẫn chương trình trong quá trình dẫn.
Hài hước nhưng cũng cần tế nhị để tránh trường hợp quá “lố”, dẫn đến mất lòng thính giả. Dù có hài hước đến đâu thì người dẫn cũng cần tôn trọng người nghe, tránh làm họ có cảm giác mình bị trêu trọc. Nhanh trí , sáng tạo, bình tĩnh, tự tin, chủ động để xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra, lấp chỗ trống trong chương trình.
Chú ý khi dẫn đôi
Khi dẫn đôi, cả hai người dẫn chương trình cũng có các kĩ năng như đã nêu ở trên nhưng thêm vào đó còn cần một số kĩ năng khác để việc dẫn đôi được hiệu quả. Khi dẫn đơn, người dẫn chương trình sẽ chủ động thể hiện cá tính, phong cách của mình nhưng khi dẫn đôi mỗi người phải có sự điều chỉnh, phải để ý đến bạn dẫn để tạo nên sự hòa hợp.
- Điểu chỉnh tông giọng để phù hợp với bạn dẫn.
- Hỗ trợ, tung hứng nhau để làm tăng tính sinh động cho chương trình nhưng không được quá đà.
- Khi bạn dẫn nói nài lề quá nhiều, làm loãng nội dung chương trình thì phải biết cách kéo lại một cách khéo léo.
- Tránh cướp lời nhau, nói chồng lên nhau.
Lê Thu
Phát thanh k30
Cùng chuyên mục
Bình luận