“Đó không phải sự hài hước mà là miệt thị…”
(Sóng trẻ) - Đây là ý kiến chung của nhiều thành viên trong cộng đồng LGBT và những nhà hoạt động trong lĩnh vực giới khi đón xem chương trình “Gặp nhau cuối năm” (hay còn được gọi là "Táo Quân") được phát sóng trên VTV vào tối 30 Tết vừa qua.
Gây cười bằng định kiến
Trên thực tế, nhiều tác phẩm hài kịch, truyện cười, truyện trào phúng,… thường lấy những thói hư, tật xấu, các vấn đề tiêu cực trong xã hội ra để châm biếm, từ đó tạo nên tiếng cười phê phán. “Gặp nhau cuối năm” của VTV suốt 15 năm qua đã đi theo con đường này và gây hiệu ứng tốt với khán giả cả nước.
Tuy nhiên, sau khi chương trình lên sóng lần thứ 15 vào tối 30 Tết vừa qua, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm ICS đã gửi Thư ngỏ tới Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Biên tập, nhằm phản đối những chi tiết gây kì thị giới tính có trong chương trình.
Hình ảnh về chương trình "Gặp nhau cuối năm" năm 2018 (Nguồn: VTV).
Ủng hộ bức thư này, anh Phạm Khánh Bình, người sáng lập tổ chức Hanoi Queer, cho biết: “Những lời nói đùa vui và sự xúc phạm thường không có ranh giới rõ ràng với nhau. Với người này là tiếng cười thì có thể với người khác sẽ là sự xúc phạm, và ngược lại”. Anh cũng chỉ ra nguồn gốc của những chiêu thức gây hài đáng ngại là từ “những định kiến có sẵn của con người. Những định kiến này thường là định kiến ngầm và người tạo ra tiếng cười thường không nhận thức được việc đó”.
Tạ Minh Phương (20 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Cá nhân tôi cũng cảm thấy bị tổn thương và xúc phạm khi nghe những lời lẽ như thế trong chương trình Táo Quân 2018. Vậy nên tôi cho rằng hành động trên là đúng và cần thiết”.
Bỏ vai Bắc Đẩu – không cần thiết!
Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu từ trước đến nay vốn được coi là “bộ ba huyền thoại”, là “xương sống” của kịch bản mỗi mùa “Gặp nhau cuối năm”. Nhờ tài năng diễn xuất, biến hóa đầy tài tình của diễn viên Công Lý, Bắc Đẩu trở thành một trong những nhân vật được nhiều người yêu thích nhất. Cũng bởi vậy mà tâm lý chung của nhiều người là không muốn gạch tên “cô Đẩu” khỏi “sân chầu” hàng năm.
Bày tỏ sự thích thú về nhân vật này, anh Bình mong muốn những người thực hiện “cẩn thận hơn với ranh giới giữa hài hước và xúc phạm”. Anh cũng nhắc lại đóng góp của chương trình trong việc đưa sự kiện công nhận quyền của người chuyển giới vào kịch bản năm 2016.
Theo học truyền thông, Vũ Nhật Linh (21 tuổi, Thường Tín, Hà Nội), một người chuyển giới bày tỏ sự cảm thông: “Mình hiểu được sự khó khăn cũng như áp lực của một chương trình lớn với lượng khán giả đông đảo như Táo Quân. Để làm hài hước những tin tức xã hội là không dễ, nhưng cái tâm của người nghệ sĩ hẳn sẽ giúp họ có thể định rõ hơn và cân nhắc kĩ hơn ranh giới giữa sự hài hước và sự xúc phạm”. Nhật Linh cũng cho biết nếu “cô Đẩu” bị thay bằng “anh Đẩu” thì rất có thể, khán giả sẽ không thể nào “quen” được, dẫn đến bỏ chương trình.
“Dù cho 100 người cười và chỉ một người cảm thấy bị tổn thương thì vẫn là trách nhiệm và lương tâm của người nghệ sĩ” – anh Bình nhấn mạnh.
Nguyễn Hải – Nhật Linh
Cùng chuyên mục
Bình luận