Người giáo già 20 năm “chèo đò” miễn phí

(Sóng trẻ) - 10 giờ sáng, không một tiếng trống trường nào vang lên, nhưng tiếng cười đùa ồn ã đã bắt đầu xuất hiện tại lớp học đặc biệt của cô giáo Nguyễn Thị Côi. Đó là âm thanh của giờ giải lao quen thuộc trong khoảng sân trước Nhà văn hóa khu dân cư số 2 (phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) của đám học sinh nghèo được cô Côi dạy học miễn phí đã hàng chục năm nay.

“Chở” chữ bằng tình thương

Cô bé Vân năm nay lên 8 tuổi, học ở lớp cô Côi đã được gần hai năm. Vân trước đó đã học một kỳ trong trường công lập, nhưng em khó tiếp thu nên gia đình có ý định cho em ở nhà một năm để dạy dỗ. Nhưng nhờ “tiếng lành đồn xa”, bố Vân biết đến lớp học đặc biệt của cô Côi, bèn mang con gái đến nhờ cậy cô dạy dỗ. “Vân học bao nhiêu giáo viên rồi nhưng có tiếp thu được đâu, đến Cô Côi thì ổn nhất, cô thương học sinh, nhiệt tình giúp đỡ lắm”. Nhờ tình thương ấy, Vân giờ đã đọc thuộc làu bảng chữ cái, tô chữ cũng rất đẹp.

aad234669_11.jpg

Cô Nguyễn Thị Côi dạy bảng chữ cái cho học trò

Rồi chàng thanh niên Phan Nhật Minh với vẻ bề nài bảnh bao, ít ai ngờ rằng cậu lại mắc hội chứng tự kỉ. Hoàn cảnh gia đình Minh khó khăn, bố mẹ bỏ nhau từ khi cậu còn nhỏ, Minh phải sống với bà nại và hàng ngày đi “xin” cái chữ bằng xe ôm. Minh làm toán giỏi, chữ lại đẹp. Nhìn vào vở bài tập toán của Minh, điểm 10 mực đỏ kín các trang giấy. Hơn hết, Minh bây giờ rất hòa đồng với bạn bè. Nhìn cậu đập tay với đứa bạn kế bên, nở nụ cười tươi rói với lũ bạn xung quanh mà những vị khách lạ đến lớp như tôi chỉ nhìn thôi cũng cảm thấy ấm lòng. Chắc chắn sự hòa đồng đó không phải ngày một ngày hai mà có, đó phải là sự đấu tranh của cả cô lần trò trong quãng thời gian không bao giờ là ngắn.

Đây là 2 trong số 24 học sinh đặc biệt ở lớp cô giáo Côi. Người bị đao, người tự kỉ, nói ngọng, người thiểu năng trí tuệ. Một lớp học mà chẳng ai giống ai, đủ mọi hoàn cảnh. Nhưng trong lớp học ấy, họ gặp nhau ở ý chí vươn lên, gặp nhau ở tình thương nồng ấm của cô giáo già.

Cô giáo Nguyễn Thị Côi nguyên là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Khi còn đương nhiệm, cô quản lý, quan tâm đến từng học sinh trong trường. “Cô xông xáo, sục sạo, từng học sinh trong trường như thế nào cô đều nắm rõ”. Vì vậy mà lớp học đặc biệt đầu tiên được mở ngay trong trường cô, dành riêng cho những em học sinh thiểu năng trí tuệ, tiếp thu kém, không theo kịp các bạn trong lớp. Khi mô hình lớp học ban đầu có hiệu quả, cô tiếp tục đề xuất ý kiến lên lãnh đạo thành phố để nhân rộng thêm. Năm 1995, cô Côi bắt đầu tham gia dự án giáo dục từ thiện dành cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật và thiểu năng trí tuệ. Kể từ đó đến nay, cô không nhớ cô đã dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học sinh ra trường. 

Cô Côi nhớ lại quãng thời gian đi vận động những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ ở Minh Khai. Chúng phần lớn từ nại tỉnh lên thành phố bán báo, bán tăm bông, đánh giày, rửa bát thuê,... hòng kiếm tiền nuôi sống bản thân, không màng đến con chữ. Để thuyết phục được lũ trẻ mà trong đầu chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để kiếm sống, cô Côi cùng 3 giáo viên khác đã phải rất vất vả. Cuối cùng chỉ có mỗi cô Côi là “bám trụ” lại được với đám trẻ “rạch giời” kia. “Hồi đấy khu vực Minh Khai tệ nạn xã hội, nghiện hút, tiêm chích nhiều lắm. Nếu không quản lý, dạy dỗ thì chắc chắn chúng sẽ mắc vào các tệ nạn xã hội ngay. Bỏ làm thương vương làm tội, thôi mình thương thì mình làm thôi”

Đến nay, lứa học trò “đi bụi” mà cô dạy dỗ ngày nào giờ đã thành đạt. “Có hai đứa đỗ vào đại học đấy. Những đứa còn lại đã lấy vợ lấy chồng, đứa chưa thì mở cửa hàng làm đẹp ở Nguyễn Công Trứ, mở cửa hàng ăn, trở thành bà chủ. Thỉnh thoảng nó vẫn đến nhà cô chơi, mừng lắm”, cô Côi hào hứng kể lại.

Sau các lớp học “lang thang đường phố”, đến nay cô Côi dừng chân tại nhà văn hóa khu dân cư số 2, phường Tân Mai, dạy chữ và dạy làm người cho 24 đứa trẻ, ít tuổi nhất là 7, còn lớn nhất đã là 34. Mỗi người một trình độ khiến cô phải làm việc liên tục. Cô không thể dạy đại trà, mà luôn đến từng bàn chỉ bảo sát sao.Cô dạy đủ các môn học, từ toán, tiếng Việt cho đến các môn sử, địa, rồi  kỹ năng sống. Nhưng vì đa số học sinh bị thiểu năng trí tuệ, học trước quên sau nên cô phải giảng đi giảng lại nhiều lần. “Phạm Duy Long đến với cô từ khi 14 tuổi, giờ đã 27 tuổi, nhưng mới học đến lớp 4 vì quên quên nhớ nhớ. Mỗi lúc quên cô lại phải dạy lại. Mà đâu chỉ riêng Long, đứa nào cũng thế cả”.

Khi được hỏi cô thấy vất vả không, cô thẳng thắn: “Mình yêu thương trẻ thì mình làm thôi, chứ nếu vì kinh tế, thì tôi đã không dạy những trẻ như thế này”.

Lớp học của những niềm vui

Dạy học sinh biết đọc, biết viết là một chuyện, nhưng dạy lũ trẻ này thành người còn khó khăn hơn gấp bội lần. Nhưng quả thực, cô giáo Nguyễn Thị Côi đã thành công trong việc dạy "làm người".

Nửa cuối buổi học, Tùng - lớp phó của lớp mới đến. Cả lớp nhao nhao lên chào đón sự xuất hiện của Tùng. Thằng bé nghịch nhất lớp đã nhanh nhảu “Thưa cô, anh Tùng đến ạ”.

Thằng bé dứt lời, Tùng bước vào lớp, cười tươi hớn như chàng Chí Phèo thấy mình được hoàn lương năm nào. Cậu học trò nhanh nhảu đón trước lời cô: “Em đến chơi với các bạn cô ạ, ở nhà chán lắm”.

Cả lớp rộ lên như mong chờ sự xuất hiện của Tùng từ bấy lâu nay. Tùng mới đi mổ ruột thừa về. Vết mổ vẫn còn đau nhưng không thể ngăn bước chân Tùng tới lớp.Tùng về chỗ ngồi của mình, mấy đứa lại nói chuyện rôm rả. Sau gần 1 tuần nằm nhà, Tùng chắc hẳn nhớ các bạn, nhớ cô đến nhường nào mới đến lớp khi vết mổ vẫn còn rỉ máu như vậy.

Khi tôi hỏi sắp tới có ngày lễ, được nghỉ có thích không? Phạm Văn Phúc – lớp trưởng, hay cô bé Vân Ly được cô khen tiếp thu tốt nhất lớp đều trả lời không cần suy nghĩ: “Nghỉ làm gì hả chị, chán lắm. Cô cho nghỉ một ngày, nhưng bọn em chỉ muốn đi học thôi”.

Đúng như câu hát “mỗi ngày đến trường học là một ngày vui”, lớp học đặc biệt của cô Côi rất hiếm khi có học sinh nghỉ học. Ai ai cũng mong mỏi từng ngày được đến lớp. “Huyền không bao giờ nghỉ cả, nó thích đi học lắm, trừ khi ốm thì ở nhà thôi”, cô Côi cho biết.

aad234669_13.jpg

Đứa lớn kèm đứa bé, đứa giỏi hơn kèm đứa yếu hơn

Cô Côi đã dạy cách giao tiếp, cách đối xử với bạn bè. Mọi người cùng học, cùng chơi, cùng lao động và cùng chờ cho đến khi những bạn không tự về được có người đến đón. Lớp học của cô Côi gắn bó với nhau như người một nhà. Đó là cách cô dạy một lớp học đặc biệt, không chỉ cần kiến thức văn hóa, mà còn phải dạy cả kỹ năng cơ bản để làm người.

Thương cả những niềm đau

Đúng như câu nói “lương y như từ mẫu” hay “cô giáo như mẹ hiền”, cô Côi vừa là người giáo viên, vừa là bác sĩ, lại cũng như người bà chăm lo cho các em học sinh. Cô thuộc làu làu tên của từng đứa, lực học ra sao, bị bệnh gì, hoàn cảnh gia đình, tính cách như thế nào. “Long bố mẹ bỏ nhau, phải ở với ông. Long hay bị co giật, cô thường phải nhờ các bạn cho Long nằm ra bàn, rồi cô xoa bóp bấm huyệt. Có lần co giật đến 3 tiếng rưỡi, nó cứ co rúm người lại, giật lên từng cơn. Lúc ấy cô tưởng nó bị làm sao rồi. Sau đó cô gọi gia đình, gọi xe cấp cứu đến. Nhưng cũng may là nó qua khỏi”.

“Hay như em Đông cũng vậy, nhiều lúc em lên cơn động kinh, cứ tự đấm vào người, đập đầu vào tường, cô đều phải dỗ bằng những lời ngọt ngào, mua bánh, mua nước ngọt cho uống. Cứ như thế 1 tiếng sau thì hết”, cô Côi kể.

Trong mọi tình huống, cô Côi luôn bình tĩnh tìm cách xử lý. Lâu dần thành ra quen. Nài các loại sách về giáo dục, cô còn phải học làm bác sĩ bằng cách đọc thêm nhiều loại sách y khoa về sơ cứu. Bên người cô lúc nào cũng có mang theo túi thuốc cá nhân. Cô mang ra khoe đây là thuốc an thần, đây là thuốc đau bụng, đây là dầu xoa... Cô thuộc vanh vách tên các loại thuốc. Để khi cần đến là có sẵn ngay bên người.

Rồi hoàn cảnh gia đình từng học sinh, cô nắm trong lòng bàn tay.“Đinh Thị Vân Ly, nhà nó hoàn cảnh lắm. Cô mua cho cái xe đạp thì bố nó hay say rượu, mang đi cầm cố. Có lần nó bỏ đi vào Quảng Bình, cô phải mời bà nó đến để đi đưa về, chứ để nó ở trong đấy, nhiều chuyện không hay sẽ xảy ra, ta không lường hết được”.

Rồi sự hiếu động của lũ trẻ cũng không ít lần khiến cô phiền lòng. “Việt, Vân Ly, Duy Anh là nghịch ngợm nhất lớp. Đấy, cái bàn đẹp như thế mà chúng nó đi vẽ bút tẩy vào. Cô hỏi thì không đứa nào chịu nhận cả. Xong thằng Việt có hôm còn cắt quả đầu như bọn bụi đời, cô phải bắt nó đi cắt lại ngay mới cho vào lớp”. Nhiều lúc như thế cô Côi không ít lần cảm thấy mệt mỏi, nhưng cũng phải học cách kìm lòng. “Chứ giờ bỏ dạy thì ở nhà trì trệ lắm, cô chỉ lấy lũ trẻ làm niềm vui thôi”.

Cô kể phòng học hiện tại cô đang dạy, cô cũng phải đấu tranh mãi mới có được. Trước kia cô còn dạy cả nài hiên, vì không được chính quyền quan tâm: “Họ bảo dạy những đứa trẻ vô dụng này cũng chẳng để làm gì”. Nhưng bằng tấm lòng và sự nhiệt huyết của mình, cô Côi đã chứng minh cho xã hội thấy không việc làm nào là vô nghĩa cả.

Những đứa trẻ lớn lên từng ngày, nhận biết được mặt chữ, biết cách tính toán, chia những con số phức tạp... hay quan trọng hơn là có kỹ năng sống chính là nguồn động lực lớn nhất để cô tiếp tục theo đuổi công việc “đưa đò” miễn phí của mình ở cái tuổi đã chiều tà bóng xế. 

aad234669_12.jpg

Lớp học với những số phận không may mắn của cô Côi luôn tràn đầy tiếng cười nói và tình yêu thương

Người lái đò tóc đã điểm bạc, dù nắng hay mưa, vẫn cần mẫn lái đò qua sông. Dù con thuyền có đi chệch hướng sóng, dẫu có gặp nhiều khó khăn, nhưng với ngọn lửa nhiệt huyết ở tuổi 75, chúng ta tin chắc rằng sẽ có nhiều hơn con số 2 - hai bạn học sinh ở lớp cô Côi bước chân vào cánh cửa đại học.

Thùy Trang
 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN