Gặp gỡ người làm giấy Dó cuối cùng của làng Phong Khê
(Sóng trẻ) - Công việc của những người thợ làm giấy Dó rất vất vả, làm việc không ngưng nghỉ, nếu thời tiết thuận lợi, cũng phải gần một tháng mới tạo ra những tờ giấy Dó ưng ý. Mọi bức tường của căn nhà đều chỉ dùng cho một việc là phơi giấy Dó.
Cần mẫn, vất vả là thế nhưng họ vẫn luôn trăn trở một nỗi niềm thao thức: làm thế nào để giữ được cái nghề đã có truyền thống hàng trăm năm nay, giữ cái “màu dân tộc” trên từng trang giấy.
Qua Biên tập viên Nam Long (Chương trình “Vấn đề hôm nay”, Kênh Quốc phòng Việt Nam), tôi may mắn được biết về câu chuyện của người thợ làm giấy Dó cuối cùng của làng Phong Khế (Đống Cao, Bắc Ninh). Đó chính là cụ Ngô Đức Điều, người đã từng xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn nhỏ mà anh thực hiện cách đây 2 năm. Khi tôi ngỏ ý muốn đến gặp cụ, anh có vẻ đăm chiêu và dặn dò rất kĩ: “Tính cụ hơi khó và 'rất đề phòng' báo chí, nên em phải hết sức cẩn thận từng lời ăn tiếng nói. Nếu cụ không đồng ý thì em không được phỏng vấn gì nhé”. Tôi nhận địa chỉ liên lạc với cụ Biểu từ anh mà trong lòng băn khoăn nhiều suy nghĩ: Thế nào là “rất đề phòng báo chí”? Và nếu cụ không hợp tác đúng như lời anh Long nói, thì tôi phải làm thế nào để thực hiện cuộc phỏng vấn của mình đây?
Cụ Lê Đức Điều
Tìm hiểu về nghề làm giấy Dó hiện nay, tôi đã phần nào hiểu được những lo lắng của BTV Nam Long, hay sự “đề phòng” của cụ Điều đối với truyền thông nói chung. Nghề làm giấy dó Phong Khê nổi tiếng hàng trăm năm nay với việc sản xuất ra loại giấy có độ bền chắc, dai gấp nhiều lần so với loại giấy bình thường và có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm. Tuy nhiên, ngày nay nếu nhắc đến nghề làm giấy Dó Phong Khê, người ta không khỏi ái ngại về mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do những xưởng sản xuất giấy công nghiệp gây nên. Những tư liệu mang quan điểm khác nhau của đồng nghiệp chi càng khiến tôi thêm tò mò và hoài nghi hơn về thực trạng của giấy Dó Phong Khê. Tôi quyết định rằng mình nhất định phải thực hiện được cuộc gặp gỡ với người thợ cuối cùng của nghề truyền thống đã từng một thời vang danh tứ xứ kinh kì.
Tôi gọi điện, xin phép ông cụ trước về chuyến ghé thăm nhà cụ vào một ngày không xa. Nhưng không biết có phải do số tôi không được may mắn lắm, mà những ngày sau đó trời mưa liên tiếp, theo lời cụ thì: “Thời tiết này không làm được giấy thủ công đâu, không có gì cho cô quay cả, đợi trời nắng tôi sẽ gọi cô về chơi”. Tôi lại tiếp tục một khoảng thời gian chờ đợi, thật vô lí khi phải đợi chờ vì chuyện thất thường của thời tiết, nhưng tôi không nản lòng mà luôn hồi hộp về chuyến đi sắp tới.
Hai tuần sau, rốt cuộc tôi cũng nhận được sự đồng ý “quý giá” từ cụ Điều, nhưng thoạt đầu cụ không muốn trả lời phỏng vấn mà chỉ cho tôi quan sát quy trình làm giấy Dó thủ công. Rất may là sau đó cụ đã đổi ý và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình hơn cả mong đợi.
PV: Xin chào cụ, được biết là nghề giấy Dó đã có từ rất lâu đời (thế kỉ XVI-XVII), khi nhắc tới giấy Dó thì đa phần người ta thường cho rằng chúng được làm từ cây Dó. Liệu có thực sự như vậy không? Cụ có thể chia sẻ rằng để làm ra giấy Dó người ta còn sử dụng những thành phần cây nào vậy?
Cụ Ngô Đức Điều: Nguyên liệu chính để làm là giấy Dó thì vẫn là vỏ cây Dó thôi. Tuy nhiên, cũng có một số cây khác có thể dùng thay thế như là cây Dướng, nhưng vỏ cây này rất to, khi xe sợi sẽ không có độ mịn, bền, đẹp như là cây Dó. Có một loại cây gọi là cây Dó liền hoặc cây Dó đồng, thường mọc hoang ở trong rừng (bây giờ đã rất khó tìm được), dứt khoát phải có được nguyên liệu này thì mới gột lên được màu vàng “tông” của giấy Dó xưa, chứ không phải dùng màu nhuộm như ngày nay.
Quy trình sản xuất giấy Dó thủ công gồm rất nhiều công đoạn tỉ mỉ (ảnh: VOV)
PV: Giấy Dó có độ bền gấp ba lần giấy thông thường, và tuổi thọ thì lên đến 500-1000 năm, vậy thì bí quyết gì khiến cho giấy Dó lại có thể đạt được những chất lượng vượt trội như vậy?
Cụ Ngô Đức Điều: Điều này nằm ở khâu giã vỏ cây Dó. Ngày nay, mặc dù khi làm công nghiệp bằng máy, thì động tác giã nhanh hơn, nhưng chất lượng thì không thể bằng làm thủ công. Trong khâu pha chế, nhất định phải có nguyên liệu là cây gỗ mò, nếu thay nguyên liệu này bằng chất hóa học thì quy trình nhanh hơn nhưng chất lượng kém đi rất nhiều.
PV: Khi có sự tác động của kinh tế thị trường, nhu cầu về giấy Dó ngày càng giảm dần, người ta quen với những tờ giấy trắng tinh, những tờ giấy sản xuất phổ biến theo dây chuyền công nghiệp. Vậy khi đó nghề sản xuất giấy Dó truyền thống hẳn phải gặp rất nhiều khó khăn, cụ có thể chia sẻ về những khó khăn ấy và cách mà người dân đã khắc phục như thế nào?
Cụ Ngô Đức Điều: Trước đây có rất nhiều hợp tác xã làm giấy Dó, khi ấy người ta còn tổ chức trồng cây Dó ở miền núi. Hiện nay, những vùng đất ấy nếu vùng nào được quy hoạch hay có giá cao thì đều bị bán đi, hoặc chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Vậy nên nguyên liệu làm giấy bây giờ rất khó khăn. Thậm chí trong thời gian tới còn rất khó tìm được nguồn hàng lâu dài. Mặc dù vậy nhưng chúng tôi cũng không thể làm ra những sản phẩm chất lượng kém. Tôi vẫn luôn phải căn dặn những người cùng làm nghề rằng: Dù thế nào cũng không thể có lỗi với những người trân trọng cái nghề truyền thống này, phải đáp ứng nhu cầu chất lượng sản phẩm tối ưu cho khách hàng.
Giấy Dó là một nét đẹp truyền thống của dân tộc (ảnh: VOV)
PV: Trước đây ở Phong Khê có gần 4000 hộ dân làm giấy Dó thủ công, và thay vào đó bây giờ là hơn 300 nhà máy sản xuất giấy công nghiệp, vậy cụ có lo ngại về việc ai sẽ là người kế thừa nghề truyền thống này không? Và cụ đã làm thế nào để truyền dạy và giúp đỡ họ?
Cụ Ngô Đức Điều: Nếu truyền lại nghề này cho những người không yêu nghề thì cũng không thể được, mà không truyền cho ai thì có lỗi với tổ tiên. Tôi có ông bạn là ông Hiên (thôn Dương Ổ, Đống Cao, Bắc Ninh) đó, tôi cũng rất kì vọng vào ông ấy cùng gia đình, vì họ đang giữ rất tốt nghề này, mà không chạy theo những giây chuyền sản xuất công nghiệp. Nhưng kĩ thuật mà tôi đóng góp cũng chỉ là một phần thôi, ông ấy cũng có nhiều cải tiến lắm, pha chế nguyên liệu cũng rất khéo léo. Tôi tin tưởng gia đình này sẽ giữ được nghề dài lâu.
PV: Có một sự thực là ngày càng ít người theo nghề giấy Dó, tuy nhiên với những tín hiệu mà cụ vừa chia sẻ, thì chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng vào sự xuất hiện của một xí nghiệp sản xuất giấy Dó thủ công để có thể vực lại nghề truyền thống này. Xin chân thành cảm ơn cụ về cuộc nói chuyện ngày hôm nay!
Nguyễn Thoa
Truyền hình K32A2
Cùng chuyên mục
Bình luận