Gặp gỡ người trẻ tiên phong “Nói không với túi nylon”

(Sóng trẻ) - “Chịu khó một chút mà môi trường sống của chúng mình an toàn hơn, thì liệu có đáng không?” – Hoàng Thảo, người sáng lập dự án “Nói không với túi nylon” chia sẻ.

Ra đời từ tháng 05 năm 2016, dự án “Nói không với túi nylon” hướng tới việc thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người. Đó là không hoặc hạn chế sử dụng những đồ dùng một lần như túi nylon. Thay vào đó, hãy sử dụng những phương tiện bền hơn và sử dụng được nhiều lần hơn như túi vải. PV Sóng Trẻ đã có cuộc gặp gỡ với Hoàng Thảo - một trong những người sáng lập dự án để lắng nghe những chia sẻ của chị về điều này.

PV: Xin chào Hoàng Thảo. Đã bao lâu từ lần cuối cùng chị sử dụng túi nylon?

Hoàng Thảo: Đây là một câu hỏi rất hay. Thực ra ở nhà mình lúc nào cũng có mấy túi nylon được gấp nhỏ, cho vào túi xách hoặc cốp xe cùng với túi vải. Khi có thứ gì cần mua đột xuất mà không cho được vào túi vải, mình sẽ dùng túi nylon đó. Đến khi về lại giặt sạch, phơi khô và tái sử dụng tiếp. 

PV: Từ đâu mà “Nói không với túi nylon” ra đời, thưa chị? 

Hoàng Thảo: Chỉ cần quan sát một chút thì ta thấy thực trạng: Mỗi ngày một bà nội trợ đi chợ có thể mang về tới 10 cái túi, dùng xong lại vứt đi. Trên thực tế, Việt Nam chính là 1 trong 5 nước thải nhiều rác nhựa dùng 1 lần ra biển nhất thế giới. Trong khi công tác xử lý chất thải rắn đô thị ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp hoặc đốt, vậy thì sự ảnh hưởng của chúng đối với môi trường sẽ đến mức nào? Khi đốt túi nylon sẽ tạo ra khí thải có chứa chất độc Dioxin, cacbonic, mêtan cực độc có thể gây ra ung thư, suy giảm hệ miễn dịch nếu hít phải. Khi chôn thì sẽ gây ra nhiễm độc đất, nước, phá hủy hệ sinh thái. 

Nhìn ra xa hơn thì ngay những nước láng giềng của chúng ta như: Malaysia, Phillipines, Singapore cũng đã cố gắng thực thi các luật và chế tài hạn chế túi nylon trong sinh hoạt. Chính vì vậy, mình nghĩ đã đến lúc Việt Nam cũng nên bắt đầu trong công cuộc nói không với túi nylon này. Mình đơn giản là chỉ mong muốn gia đình, bản thân, bạn bè và thế hệ tương lai của mình được sống trong môi trường xanh-sạch-đẹp, nên mình muốn là một trong những người có thể đóng góp cho việc giữ gìn môi trường của đất nước mình. Chính vì vậy, mình đã thành lập page Nói không với túi nylon. 

PV: Chúng ta hô hào rất nhiều khẩu hiệu, như “Nói không với thực phẩm bẩn”, hay “No smoking” (Không hút thuốc)…Tuy nhiên thực tế cho thấy, những sự việc như trên vẫn đang diễn ra. Liệu, dự án có đang đi theo lối mòn?

Hoàng Thảo: Mình nghĩ là không dễ để có thể giải quyết hoàn toàn bất cứ vấn đề xã hội nào. Mỗi vấn đề lại có nguồn gốc, lý do, sự phức tạp riêng nên rất khó để nói được rằng hiện trạng xảy ra với vấn đề này sẽ xảy ra với vấn đề kia. Tuy nhiên, để việc kêu gọi hiệu quả, dự án sẽ cố gắng có những hoạt động thiết thực và cuốn hút đối với nhiều người để càng ngày sẽ có nhiều người hơn nữa đứng cùng chiến tuyến với chúng mình.

PV: Những hoạt động chính của dự án là gì, thưa chị? 

Hoàng Thảo: Hiện giờ chúng ta có 2 vấn đề: Một là chúng ta chưa có đủ thông tin, nhận thức về tác hại của túi nylon và đồ nhựa dùng 1 lần. Hai là kể cả chúng ta có thông tin rồi, nhận thức rồi nhưng chúng ta chưa có đủ động lực để thay đổi. Vì vậy page “Nói không với túi nylon” của mình cho đến giờ có 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, cung cấp thông tin, chia sẻ và trao đổi để giúp mọi người có nhận thức nhiều hơn về tác hại của túi nylon và đồ nhựa dùng 1 lần. Nhiệm vụ thứ 2 là tổ chức các hoạt động, sự kiện như các seminar với những người làm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tổ chức workshop về tái chế những đồ không dùng đến, tạo ra cộng đồng những người yêu môi trường để giúp mọi người có thêm động lực. 

Mục đích của các workshop là thông qua việc tái chế lại những đồ đạc không dùng nữa, ta có thể cho chúng một vòng đời khác. Thay vì vứt chúng đi, ta có thể bảo vệ được môi trường. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động này, mình muốn làm mọi người nhận ra rằng, hành động cao nhất của việc bảo vệ môi trường là KHÔNG hoặc HẠN CHẾ sử dụng những đồ dùng một lần như túi nylon, hộp xốp, cốc nhựa, ống hút không phân hủy được, vì để tìm cách tái chế chúng không phải là dễ dàng. Vậy nên cách tốt nhất là hãy sử dụng những phương tiện bền hơn và sử dụng được nhiều lần hơn như túi vải, cốc, hộp thủy tinh, nhựa bền,… khi đi mua đồ, đi chợ,... 

5a9db1582_anh1.jpg
Một buổi workshop dạy về tái chế tại Huế

PV: Về tác hại của túi nylon, hầu hết mọi người đều biết. Thế nhưng, theo chị, vì đâu mà việc sử dụng túi nylon đang diễn ra tràn lan?

Hoàng Thảo: Như mình đã chia sẻ ở trên, chúng ta có 2 vấn đề chính là thiếu thông tin và thiếu ý thức, động lực để thay đổi. Chúng ta đã quá quen thuộc với sự hiện diện của túi nylon trong đời sống hàng ngày. Để thay đổi thói quen, nhận thức của mọi người là chuyện không dễ dàng, tuy nhiên mình mong mọi người hãy hiểu rằng, chúng ta đang làm 1 việc đúng đắn, và người hưởng lợi của việc này là chính chúng ta, bạn bè, gia đình và thế hệ tương lai của chúng ta. Môi trường bị ô nhiễm là do rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó, thứ mà chúng ta có thể kiểm soát và thay đổi chính là những hành động tưởng chừng như rất nhỏ như sử dụng túi nylon hàng ngày. Chỉ cần có nhận thức về sự nguy hại của nó để có được hành động thay đổi, ý thức của chúng ta về môi trường nói chung cũng sẽ thay đổi theo. 

PV: Khoan nói về việc rất dễ dàng để mua túi nylon cộng với giá rất rẻ mà hãy nói về sự tiện lợi của chúng. Vậy làm thế nào để túi vải có thể thay thế túi nylon?

Hoàng Thảo: Túi vải là trợ thủ đắc lực của mình khi đựng các đồ khô như quần áo sách vở,… Mọi người thường hay bị mắc khâu đi chợ, vì đã quá quen với việc người bán hàng sẽ lồng túi nylon vào sẵn khi mua bất cứ một thứ gì. Tuy nhiên, nếu chuẩn bị sẵn sàng một vài cái hộp nhựa có nắp, bạn có thể tái chế từ hộp kem, hộp bánh kẹo… thậm chí là các bao bì có khóa zip đựng bánh kẹo đã ăn hết là bạn có thể đựng thoải mái đồ sống, lại sạch sẽ hơn túi nylon rất nhiều lần. Dĩ nhiên nó sẽ mất công hơn, phiền toái hơn là thong thả tay không đi chợ, nhưng thường thì chẳng cái gì tiện lợi mà ta không phải trả giá đắt cả. Mình chịu khó một chút mà môi trường sống của chúng mình an toàn hơn, thì liệu có đáng không?

Chính vì vậy, mình mong mọi người hãy dũng cảm thay đổi thói quen của mình, nếu bạn muốn bản thân mình, gia đình và bạn bè mình được sống trong bầu không khí, môi trường trong sạch. Hãy nghĩ môi trường như một ngôi nhà chung. Ngôi nhà của chính mình mà nếu không biết yêu quý nó thì dù người khác có phá hoại nó hay không, ta cũng chẳng làm gì được. Chỉ khi ta có ý thức chăm sóc, bảo vệ nó thì ta mới làm cho những người khác cũng quan tâm đến nó được. Vì thế hãy đừng ngại trở thành người bắt đầu, người tiên phong trong nhóm bạn hay gia đình, cộng đồng của bạn. 

3171850a3_anh2.jpg
Hoàng Thảo (giữa) trong buổi workshop chia sẻ cách làm túi vải bền, đẹp để đi chợ từ áo cũ

PV: Dự định tiếp theo mà “Nói không với túi nylon” hướng đến, thưa chị? 

Hoàng Thảo: Kế hoạch tiếp theo của nhóm là tìm cách tác động đến các cơ sở bán hàng, các công ty vì đây chính là nguồn túi nylon. Nếu chúng ta có thể có một mạng lưới các cửa hàng, công ty có quan tâm đến môi trường và quyết tâm nói không với đồ nhựa dùng một lần cũng như túi nylon và nhận được sự ủng hộ của mọi người, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi. Nài ra mình cũng rất mong các cơ quan chức năng hãy thắt chặt hơn nữa việc quản lý thu thuế môi trường hay sản xuất, mua bán túi nylon trên thị trường.

PV: Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện. Chúc cho dự án sẽ mang lại những thay đổi tích cực hơn nữa tới cộng đồng!

Thông tin cơ bản về Nguyễn Hoàng Thảo
- Sinh ngày 15/09/1985
- Tốt nghiệp thạc sỹ Hành chính công, Đại học Meiji – Nhật Bản
- Tốt nghiệp loại giỏi khoa tiếng Nhật, Đại học Hà Nội
- Dự án đang thực hiện: Ấm Từ thiện, Nói không với túi nylon. Nói không với túi nylon được quản lý bởi 3 thành viên: Nguyễn Hoàng Thảo, Nguyễn Thị Hương Giang (hiện đang học tại Italia) và Mai Thị Minh Anh (hiện học chuyên ngành xử lý nước tại Việt Nam). Hiện dự án trên facebook đã được hơn 9000 lượt thích, nài việc đưa ra tác hại của túi nylon và cách tái chế chúng,  page còn là nơi chia sẻ, bày tỏ quan điểm về các vấn đề môi trường đang diễn ra tại Việt Nam và thế giới.
Nguyễn Hằng

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN