Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: "Giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách"
(Sóng trẻ) - Sách được coi là kho tàng tri thức của nhân loại thế nhưng, đã xa rồi cái thời mỗi người có một, hai cuốn sách “gối đầu giường”. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, văn hóa nghe, nhìn “lấn át” văn hóa đọc đã làm cho giới trẻ ngày nay xa dần với thói quen đọc sách mỗi ngày. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ngắn với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về vấn đề này.
Không gian làm việc của GS. Nguyễn Lân Dũng được bao quanh bởi sách
PV: Ngày nay sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ. Liệu các thông tin trên internet có thể thay thế được sách không, thưa ông?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, khoa học kỹ thuật khiến người đọc có ít thời gian dành cho việc đọc sách. Quỹ thời gian eo hẹp cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe, nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc sách. Người Việt Nam đọc sách nhanh hơn, sách mỏng hơn và “đọc lướt” hơn. Khi đọc, họ có xu hướng đọc trên mạng internet, điện thoại di động; còn việc đọc trên sách in thì ngày càng giảm.
Nhưng các bạn nên biết rằng, trước khi có các phương tiện nghe nhìn đó thì sách là con đường lớn nhất để con người chúng ta tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Bản thân hình ảnh thì chỉ thoáng qua, từ ngữ mới đọng lại được lâu bền. Với các phương tiện thông tin internet hiện nay, người ta chỉ quan tâm tin tức đang diễn ra, còn những gì để lưu lại trong trí óc mình, dạy cuộc đời mình thì nhất định phải đọc. Thế nhưng giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách.
Tôi khẳng định với các bạn rằng, các phương tiện truyền thông mạng hiện nay không thể nào thay thế được sách. Sách là trí tuệ của cả nhân loại, là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn mình mỗi ngày. Thế nên, văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn.
GS. Nguyễn Lân Dũng rất tự hào và yêu quý những cuốn sách do ông viết
PV: Thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Vậy thì theo ông, giới trẻ đang lười đọc sách hay họ không biết chọn sách để đọc?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Có nhiều bạn trẻ đọc không chọn lọc, đọc hời hợt, đọc theo phong trào và đọc không ứng dụng. Những loại sách về văn hóa, nghệ thuật có tác dụng giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ hiện nay đang bị các loại truyện tranh có nội dung đơn giản, hay những tiểu thuyết ngôn tình ủy mị, thậm chí thiếu lành mạnh lấn át. Rồi có những bạn trẻ lại cho rằng đọc sách là lạc hậu. Vì đây là thời đại của công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém.
Thói quen đọc, kỹ năng đọc của các bạn chưa được định hướng một cách cụ thể, bài bản. Ngày nay, các bạn có xu hướng “chạy theo” tâm lý đám đông, “chạy” theo nhu cầu của thị trường, theo các chiêu PR, quảng bá từ các đơn vị xuất bản sách; “chạy theo” những cuốn sách bị “cấm” để giải quyết sự tò mò, giải trí hơn là đọc để trau dồi về tri thức. Tâm lý đọc này đã tạo ra sự thay đổi thói quen đọc sách, và phương thức đọc sách của người đọc.
Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách xuất bản với những giá trị nội dung chưa thực sự sâu sắc, lành mạnh, hoặc chủ yếu sưu tầm, tập hợp của nhiều sách khác làm thị trường sách trở nên hỗn độn, phức tạp. Tình trạng sách lậu, kém chất lượng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến văn hóa đọc của giới trẻ. Thị trường sách tại tỉnh cũng chưa thực sự phong phú, nhiều đầu sách hay, có giá trị nhưng rất khó để tìm đọc, tìm mua.
"Tôi rất mê sách" - GS. Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh
PV: Vậy ông có lời khuyên gì để giúp cho các bạn trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Với thị trường sách "hỗn độn" như hiện nay, việc tìm được những cuốn sách mà mình thích là không dễ. Vì vậy, tôi khuyên các bạn trẻ nếu tìm được cuốn sách hay thì hãy mua bằng được. Có những cuốn sách hay, dù biết rằng mình không đủ thời gian để đọc nhưng vẫn phải mua. Bởi vì, nếu mình không mua, sau này sẽ không còn mua được nữa và biết đâu đến một lúc nào đó mình cần đến nó.
Thực tế, tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn là một biện pháp để hoàn thiện con người, rèn luyện cho người đọc những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Với ý nghĩa này, các loại sách văn hóa học, văn chương, lịch sử, triết học không chỉ là những loại sách thuần chuyên môn mà đã trở thành sách chung cho mọi người, cho xã hội.
Đọc là thứ cần của mỗi con người. Nó cần thiết vì nó không có giới hạn, càng đam mê nó thì thành công càng lớn. Đọc để đầu óc được xán lạn, đọc để nói chuyện với người khác, đọc để viết, đọc để tăng độ hiểu biết, đọc để nhanh nhạy hơn, thông minh hơn mỗi ngày.
Công Nghĩa Tùng