Giới trẻ "nghiện" mua trước - trả sau
(Sóng trẻ) - “Mua trước - trả sau” đang trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến đối với người trẻ nhờ vào tính tiện lợi và khả năng sở hữu hàng hóa ngay lập tức. Tuy nhiên, không ít người đã rơi vào “vòng xoáy nợ nần” do thiếu kỹ năng quản lý tài chính.
Bùng nổ “mua trước - trả sau”
Đây là hình thức thanh toán trả góp cho các sản phẩm và dịch vụ với giá trị vừa và nhỏ, cho phép khách hàng mua trước và chia nhỏ khoản thanh toán theo kỳ mà không cần chứng minh thu nhập hay thủ tục rườm rà. Hình thức mua sắm này bắt đầu xuất hiện vào đầu những năm 2000 tại Mỹ và Anh, khi các công ty tài chính cung cấp giải pháp thanh toán cho phép khách hàng tách biệt giữa việc mua hàng và thanh toán.
Những năm gần đây, khi mua hàng trực tuyến được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, các sàn thương mại điện tử đã kết hợp với các công ty tài chính, ngân hàng triển khai dịch vụ “mua trước - trả sau”. Từ thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo… đến xăng dầu hay các món đồ công nghệ có giá trị lớn, người dùng có thể mua sắm dễ dàng bằng hình thức này. Chi phí sẽ được chia nhỏ theo từng tháng, thậm chí từng tuần để trả. Đặc biệt, để thu hút khách hàng sử dụng, nhiều ứng dụng mua sắm sẽ không tính lãi nếu khách hàng thanh toán đúng hạn hay đảm bảo khả năng chi trả trong một thời gian ngắn.
Tháng 4 vừa qua, công ty tài chính số Home Credit và công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab công bố báo cáo “Nâng cao sức khỏe tài chính của người Việt” năm 2024. Báo cáo chỉ ra 16% người dùng chọn mua hàng bằng phương thức mua trước - trả sau (cao thứ 2 chỉ sau thanh toán bằng thẻ tín dụng).
Số liệu báo cáo của Research & Markets cũng chỉ ra, 85% số người trẻ Việt Nam sử dụng dịch vụ mua trước trả sau. Nguyễn Trà My (22 tuổi, Hà Nội) là người dùng tiếp cận ví trả sau của Shopee từ khi mới ra mắt. Trà My chia sẻ: “Shopee Paylater luôn có nhiều ưu đãi, giảm giá hấp dẫn hơn các hình thức thanh toán khác. Hơn nữa, việc sàn cho phép chia nhỏ số tiền để thanh toán tạo cho mình tâm lý thoải mái khi mua sắm”.
Về cơ bản, “mua trước - trả sau” là một hình thức cho vay tiêu dùng ngắn hạn, trong đó, bên cho vay là công ty tài chính hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ, khoản vay chính là giá trị sản phẩm mà người tiêu dùng mua. Lý giải nguyên nhân sức hút của hình thức thanh toán này, ThS Hoàng Hải Xanh (Giảng viên khoa Hệ thống thông tin Kinh tế, Học viện Tài chính) cho rằng: “Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế, xu thế dùng đòn bẩy tài chính và cho vay tiêu dùng tăng cao. Cả người dùng và nhà kinh doanh đều có lợi ích khi tham gia dịch vụ. Cụ thể, các nhà bán lẻ có cơ hội kích cầu doanh số, thu hút nhiều tệp khách hàng khác nhau. Vì mua trước - trả sau là công cụ tài chính ngắn hạn nên các khoản thanh toán thường không tính lãi suất, kèm với nhiều ưu đãi mua sắm, thuận tiện và linh hoạt hơn cho người tiêu dùng”.
Rơi vào nợ nần
Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng mua trước - trả sau cũng là một con dao hai lưỡi. ThS Hoàng Hải Xanh nhận định: “Nếu người dùng thanh toán chậm hoặc bỏ lỡ một lần thanh toán, số tiền phải trả sẽ tăng lên với các khoản phí trả chậm, phí chuyển đổi trả góp, đồng thời ảnh hưởng đến điểm tín dụng của họ”.
Theo Báo cáo Nâng cao sức khỏe tài chính của Người Việt, khoảng 40% trong số những người có khoản vay hoặc nợ thẻ tín dụng trong 12 tháng qua gặp khó khăn trong việc trả nợ. Còn theo khảo sát online về người trẻ sử dụng dịch vụ mua trước trả sau được thực hiện bởi Vietnam Finance, có 90% người biết đến hình thức mua trước - trả sau, 74% số người tham gia đã và đang dùng hình thức này, 35% trong số đó từng quá hạn thanh toán.
Đăng ký sử dụng hình thức mua trước trả sau của nhiều ví điện tử cùng lúc, Phương Linh (21 tuổi, Hà Nội) cho biết bản thân thường bị nhầm lẫn và quên mất hạn thanh toán. “Có nhiều dịp như lễ tết, sinh nhật cần mua sắm nhiều hơn nên mình chi tiêu mạnh tay hơn, mình cũng không để ý nhiều đến ngân sách của mình vì nghĩ những khoản thanh toán đó chia ra trả hằng tháng không đáng kể. Đến lúc mình nhớ ra thì số tiền đó đã nằm ngoài sức tưởng tượng của mình và mình phải đi vay bạn bè, người thân để trả nợ”, Linh nói.
Trên thực tế, nhiều công ty tài chính áp dụng mức phí trả chậm lên đến 3 - 5%/ tháng, phí chuyển đổi trả góp từ 2 - 5%/tháng, cùng với đó là các khoản phí quản lý và phí phạt khác, khiến số nợ tăng lên nhanh chóng theo thời gian. ThS Hoàng Hải Xanh cho rằng, nhiều bạn trẻ chưa có kinh nghiệm, kỹ năng quản lý tài chính nên đã quá lạc quan về khả năng chi trả của mình. Họ không đọc kỹ các điều khoản về phí phạt, lãi suất dẫn đến một khoản nợ nhỏ ban đầu có thể biến thành gánh nặng tài chính không thể kiểm soát. Ngoài ra, thạc sĩ cũng cảnh báo về việc nhiều người trẻ tìm đến các kênh cho vay nặng lãi để giải quyết khoản nợ từ ví điện tử, khiến tình hình tài chính càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Để tránh rơi vào “vòng xoáy nợ nần”, người dùng cần phân biệt rõ giữa nhu cầu thiết yếu và mong muốn nhất thời. ThS Hoàng Hải Xanh đưa ra lời khuyên: “Các bạn trẻ nên đặt câu hỏi liệu món đồ định mua có thực sự cần thiết hay chỉ là ham muốn nhất thời. Nếu không thực sự cần thiết, tốt nhất nên tích lũy đủ số tiền rồi hãy mua, thay vì sử dụng các hình thức trả góp”. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh “Việc dùng nhiều ví trả sau một lúc sẽ khiến cho việc theo dõi và thanh toán trở nên khó khăn, trước khi đăng ký sử dụng dịch vụ cần đọc kỹ các điều khoản về lãi suất, tiền trả chậm và các phí phạt khác”.