Giới trẻ với thuần phong ngày Tết
(Sóng Trẻ) - Tết Nguyên Đán là ngày lễ tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc ta. Các phong tục: đưa ông táo về trời, gói bánh chưng, đón giao thừa, khai bút, đi chùa, hái lộc, du xuân… đều được ông cha ta truyền lại cho các thế hệ trẻ mai sau.
Những phong tục tập quán ngày Tết đã gắn bó và in sâu trong lòng mỗi người con đất Việt. Các trò chơi ngày Tết, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, hành tươi, câu đối đỏ, bao lì xì…. tất cả đều thiêng liêng. Và cho đến Tết năm nay (Tết Quý Tỵ), các thuần phong mỹ tục ấy vẫn được thế hệ trẻ phát huy và noi theo.
Cuộc hành hương về với cội nguồn
Những ngày cuối năm là quãng thời gian để cả gia đình đoàn tụ, sum vầy. Dù bất cứ ai, đi đến bất kể phương trời nào thì ngày Tết đều trở về bên gia đình, nơi ta đã từng sinh ra và lớn lên.
Đa số các bạn trẻ ngày nay đều đi học, đi làm xa quê nên những ngày cuối năm, bạn nào cũng háo hức chuẩn bị hành trang mau chóng về quê ăn Tết. Bạn Trần Thị Lệ (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tâm sự: “Những ngày cuối năm ai cũng mong muốn được về quê ăn Tết. Chỉ nghĩ đến giây phút về bên gia đình là mình thấy hạnh phúc lắm rồi”.
Về quê đối với các bạn không chỉ đơn thuần là chuyện đi hay về, mà nó như là một chuyến hành hương với mong muốn cháy bỏng trở về nơi chôn nhau cắt rốn, trở về cội nguồn.

Các bạn trẻ háo hức trở về quê ăn Tết sau những ngày tháng xa nhà.
Giới trẻ bận rộn chuẩn bị Tết
Cứ mỗi dịp cuối năm là cả nhà lại cùng nhau chuẩn bị cho ngày Tết và giới trẻ lại có cơ hội trổ tài “nữ công gia chánh”, “nam công chăm chỉ”. Các bạn có hàng dãy danh sách những công việc cần chuẩn bị để chào năm mới. Nào là việc đi chợ mua sắm quần áo, bánh kẹo, hoa quả; dọn dẹp, lau chùi nhà cửa; trang trí bàn thờ, mâm ngũ quả, cắm hoa...
Đặc biệt, đi chợ Tết luôn là sở thích của các bạn trẻ. Nguyễn Quỳnh Liên (ĐH Xây dựng) hồ hởi: “Mình thích đi chợ hoa ngày Tết nhất, nó đẹp mà lại có không khí của ngày Tết”.
Đi chợ tết không đơn thuần là mua sắm, ngắm cảnh mà các bạn trẻ còn có cơ hội gặp gỡ người thân, bạn bè sau quãng thời gian đi học xa nhà. Và chắc chắn trong giỏ hàng đầy ụ của các bạn sẽ không thể thiếu những cành hoa tươi, đẹp nhất về trang trí ngôi nhà của mình.
Sau “cuộc diễu hành” ở chợ xuân, các bạn trẻ lại tất bật với công việc lau chùi, dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Cụ Vũ Đình Liểu (chùa Liên Hoa, Thái Bình) cho biết: “Cuối năm quét dọn sạch sẽ, vứt bỏ những thứ rác rưởi quanh nhà, nài ngõ sẽ mang lại luồng sinh khí mới, sự may mắn, tài lộc cho năm mới. Nhất là các bạn trẻ, những công việc như thế sẽ giúp cho con người thư giãn, và trí tuệ cao hơn”.
Không chỉ là những việc trang hoàng nhà cửa, mà vào những ngày cuối năm, các bạn trẻ còn năng nổ giúp bố mẹ chuẩn bị gói bánh chưng: vo gạo, lau lá, cắt lá bánh, nấu đỗ xanh…. Và chắc chắn không thể thiếu những gương mặt trẻ chung, tươi sáng ngồi quây quần bên gia đình nói chuyện bên nồi bánh chưng.
Cùng đón giao thừa và chúc năm mới bên gia đình
Trước đêm giao thừa, các bạn trẻ sẽ vô cùng tất bật trong khâu chuẩn bị mâm cỗ cho bữa ăn tất niên. Đây là mâm cơm đoàn tụ, các thành viên bên gia đình sum họp ăn bữa cơm cuối năm, kể cho nhau nghe những chuyện đã qua. Bạn có vô vàn câu chuyện nơi xa xứ để tâm sự với mọi người, và chắc chắn các bạn sẽ không quên thông báo bảng thành tích học tập tốt của mình trong năm vừa qua.
Đêm cuối năm, các bạn có đi chơi ở đâu thì đúng giờ khắc giao thừa phải có mặt ở nhà để cùng gia đình chờ đón năm mới sang. Giờ khắc giao thừa đồng nghĩa với năm mới sang, cả nhà ngồi quây quần bên nhau giành cho nhau những lời chúc năm mới an lành. Và các bạn trẻ sẽ không quên chúc bố mẹ, ông bà những lời chúc tốt đẹp nhất.
Bữa tiệc đêm giao thừa luôn luôn là những khoảnh khắc đẹp nhất, ý nghĩa nhất, nó để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi chúng ta.
Lễ chùa, hái lộc, xông nhà, lì xì
Sau khi lễ giao thừa xong các bạn nô nức rủ nhau đi chùa, đền, miếu, đình,…. hái lộc, cầu cúng điều may mắn cho các thành viên trong gia đình. Và đây cũng là dịp để các bạn trẻ xin quẻ thẻ đầu năm, cầu cúng những điều may sẽ đến với mình, đẻ học tập tiến tới, công thành danh toại.
Ở một số nơi, các bạn trẻ còn có truyền thống đi chùa hái lộc, chân nhang. Bạn Thanh Tâm (Hải Hậu, Nam Định ) chia sẻ: “Đêm giao thừa năm nào mĩnh cũng đến chùa cầu sức khỏe, hạnh phúc, an bình về cho gia đình mình. Sau đó hái những lộc non hoặc xin chân hương về nhà để cầu lộc, cầu tài”.
Việc xông nhà đầu năm cũng là phong tục rất đáng quý, đáng trân trọng ngày Tết. Nhiều gia đình thường chọn những bạn trẻ sáng dạ, học hành tấn tới, có vía tốt để chọn người xông nhà, mang lại những điều may mắn đến cho gia đình. Vì thế, các bạn trẻ sẽ phải chuẩn bị trước những lời chúc tốt đẹp, ý nghĩa nhất khi mình được “chọn mặt gửi vàng”.
Không chỉ những thế, các bạn trẻ phải luôn chuẩn bị những bao lì xì xinh xắn để mừng tuổi ông bà, cha mẹ và các em nhỏ, để đem lại may mắn cho mọi người. Bao lì xì tượng trưng cho quà tặng ngày Tết, là tấm lòng của người mừng. Bên trong đó không phải đo bằng giá trị mà đo bằng sức nặng tinh thần và tấm lòng chân thành của người mừng. Với ông bà thì các bạn mừng tuổi thọ, với bố mẹ là mừng sức khỏe, mừng hạnh phúc; còn mừng các em nhỏ mau ăn chóng lớn.

Những chiếc phong bao lì xì xinh xắn luôn là niềm háo hức của trẻ em mỗi khi Tết vể
Sắp đến Tết rồi, hi vọng các bạn trẻ vẫn giữ cho mình vốn kiến thức rộng lớn về văn hóa, phong tục ngày Tết truyền thống ở nước ta. Các bạn trẻ hãy trân trọng những giá trị truyền thống dân tộc để cùng hưởng những giây phút ấm áp của một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Bùi Nhung
Báo mạng K30
Báo mạng K30
Cùng chuyên mục
Bình luận