Giữ gìn văn hóa là sứ mệnh của cả dân tộc
(Sóng trẻ) - Chiều 16/11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia (Tràng Tiền, Hà Nội) diễn ra Talkshow “Gen Z kể chuyện văn hóa dân gian”, khai thác nhiều khía cạnh thú vị trong việc sáng tạo các nội dung, sản phẩm từ văn hóa dân gian Việt Nam.
Được dẫn dắt bởi Giám đốc sáng tạo Đỗ Minh Trâm (Co-Founder/CEO Công ty Direction), talkshow có sự tham gia của Giao Cùn (nhà sáng tạo nội dung về văn hóa, lịch sử); Vũ Đức (nhà nghiên cứu cổ phục đồng thời là người sáng lập Bách Khoa Bộ Hành và Great Vietnam); và Phan Lê Anh Tú (đồng sáng lập nhà hàng Ngoặm, chủ nhân của 3 giải thưởng tại Flavors Vietnam - Lễ trao giải Nhà hàng & Quán Bar Việt Nam 2023).
Với dòng chảy tiếp biến không ngừng của văn hóa cùng với cách tiếp cận vô cùng sáng tạo của Gen Z, việc ứng dụng văn hoá dân gian vào đời sống, vào các lĩnh vực ngành nghề đã có nhiều khác biệt so với những thế hệ đi trước.
Bày tỏ quan điểm về nguyên nhân mạng xã hội đang trở thành cầu nối quan trọng cho việc truyền tải văn hóa dân gian, nhà sáng tạo nội dung Giao Cùn chia sẻ: “Văn hóa gắn liền với đời sống con người, mà người trẻ lại đang ưu tiên sử dụng mạng xã hội và tiếp xúc hằng ngày với các nền tảng này. Do đó, mạng xã hội hiện tại là một con đường thuận lợi được nhiều người lựa chọn để làm quen và tiêu thụ các kiến thức về văn hóa, lịch sử”.
“Ngoài tính mới và tính hiện đại, mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, đề cao tính tương tác hai chiều và giao diện dễ dàng thích nghi với thiết bị, do đó đang là cách tiếp nhận được ưa chuộng”, nhà nghiên cứu cổ phục Vũ Đức lý giải về sự nổi lên của TikTok trong việc lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, talkshow còn đề cập đến một số vấn đề liên quan đến cách truyền tải những sản phẩm sáng tạo có lồng ghép yếu tố văn hóa, lịch sử.
Hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, Phan Lê Anh Tú bộc bạch từng gặp nhiều trăn trở trong việc dung hòa nguyên bản của văn hóa dân gian với tính cá nhân hóa của người sáng tạo. “Lĩnh vực ẩm thực đề cao tính cá nhân hóa. Tạo ra được hương vị chuẩn của món ăn gốc đã khó, nhưng việc đáp ứng khẩu vị của tất cả thực khách chỉ với cách chế biến đó thì còn khó hơn”, Anh Tú tâm sự.
Với trang phục truyền thống, Vũ Đức nhận định có nhiều cách tiếp cận khác nhau khi nói về sự nguyên bản: “Những người nghiên cứu lịch sử luôn muốn trang phục được làm ra nguyên bản nhất, nhưng người mặc lại quan tâm đến việc bản thân trông như thế nào khi khoác chúng lên”.
Trước những ý kiến cho rằng nội dung truyền tải trên mạng trên mạng xã hội rất ngắn, trong khi lịch sử đòi hỏi chiều sâu cùng nhiều suy ngẫm, Giao Cùn nhấn mạnh: “Những điều mình đúc rút trong quá trình học không thể làm thước đo chuẩn mực cho kiến thức. Mình chỉ là một người truyền cảm hứng. Thông qua những video, nhiều người xem sẽ tò mò, mong muốn hiểu rõ những nội dung mình truyền tải nên sẽ tự tìm hiểu kiến thức. Đây cũng là một cách để lan tỏa văn hóa nước nhà”.
Phần cuối talkshow xoay quanh câu hỏi: Đứng từ góc độ bảo tồn, các nội dung về văn hoá dân gian trên mạng xã hội có thể được khai thác sâu hơn như thế nào?
Giao Cùn khẳng định: “Các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội cần biết tìm và chọn lọc nguồn thông tin tốt nhất cho các sản phẩm của mình. Thêm nữa, họ cần nhận thức rằng sự sáng tạo của họ không chỉ phục vụ cho kinh tế, danh tiếng của bản thân, mà còn góp phần níu giữ giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Chính vì điều này, mỗi người cần đầu tư nhiều thời gian và công sức”.
Các khách mời đều đồng ý với một “công thức” sáng tạo nội dung: cần xác định điểm cốt lõi của yếu tố văn hóa dân gian được lựa chọn để khai thác, thật cẩn trọng để không mắc sai phạm với điểm cốt lõi đó, còn các khía cạnh khác có thể linh hoạt sáng tạo.
Talkshow “Gen Z kể chuyện văn hoá dân gian” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024, là cơ hội để thế hệ Gen Z - nhóm thế hệ sinh ra trong thời đại công nghệ, tiếp cận và khai thác giá trị của văn hóa dân gian qua lăng kính hiện đại. Sự kiện được tổ chức bởi công ty Direction (thành lập năm 2017) nổi tiếng với việc kết hợp các yếu tố văn hóa vào thiết kế thương hiệu. |