Giữ hồn dệt thổ cẩm - nét đẹp lao động của phụ nữ Jrai

(Sóng trẻ) - Dù là những ngày nắng chói chang hay những hôm mưa bất chợt ở đất rừng Tây Nguyên, có những những người phụ nữ Jrai vẫn ngày ngày miệt mài ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Chuyện làm nghề

Nếu như người Kinh có áo dài là trang phục truyền thống thì trong các cộng đồng dân tộc, những bộ quần áo được dệt bằng thổ cẩm cũng được coi là sản phẩm thể hiện nét văn hóa riêng. Tuy nhiên, nếp sống của người dân nơi đây đang dần thay đổi, sản phẩm thổ cẩm giờ chỉ thấy xuất hiện chủ yếu trong các các dịp lễ quan trọng của người đồng bào dân tộc thiểu số.


Đến với gia đình chị H'Boi tại làng Choét, P.Thắng Lợi, TP. Pleiku, thứ đầu tiên chào đón tôi là nụ cười hiền dịu của người phụ nữ đã gần 20 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. "Nghề dệt là nghề tay trái, mình làm thêm những lúc rảnh rỗi, kiếm thêm thu nhập hằng ngày để trang trải cho cuộc sống." - Chị H'Bloi chia sẻ, tay vẫn không rời khung dệt.

anh-1-1.jpg
Chị H’Bloi năm nay ngoài 40 tuổi vẫn đang miệt mài dệt thổ cẩm


Nhìn đôi tay kéo sợi dệt thoăn thoắt của chị, tôi thấy được tình yêu của chị đối với nghề dệt thổ cẩm. Đôi mắt chị nhìn xa xăm nghĩ về những năm tháng trước: “Mình biết dệt cũng được gần 20 năm rồi, mình chủ yếu học dệt từ bà nội rồi bắt chước làm theo. Mới nhìn qua tưởng chừng dễ nhưng quá trình chuẩn bị dệt là vô cùng công phu từ nguyên liệu dệt, khung dệt đến máy may… Ngày trước, người dân trong làng thường trồng bông, xe sợi, rồi nhuộm sợi. Nhưng bây giờ dệt thổ cẩm chủ yếu bằng sợi chỉ, sợi len để cho nhanh và tiện.”

Khi được hỏi về khó khăn lớn nhất của nghề dệt, chị bộc bạch: “Công đoạn khó nhất vẫn là bắt chỉ dệt hoa văn. Để có hoa văn đẹp, mình phải nhìn các mẫu trước do ông bà để lại từ đó hình dung ra từng loại hoa văn trong đầu và thể hiện nó qua việc bắt từng sợi chỉ. Sau đó người dệt cứ thế mà dệt theo. Để đánh giá một tấm dệt thổ cẩm đẹp, ngoài tiêu chí sợi chỉ mịn màng được dệt đều tay thì các hoa văn cần có sự tương xứng, hài hòa… trên nền vải hay không.”

Hoa văn được ví như là linh hồn của những sản phẩm thổ cẩm bởi vì nó chứa đựng nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh của mỗi dân tộc. Khi có dịp quan sát kĩ các hoa văn và sắc màu trên sản phẩm thổ cẩm, tôi mới nhận thấy được sự cầu kỳ của nó. Tuy màu sắc không sặc sỡ nhưng lại tinh tế và đa dạng với nhiều hình dáng khác nhau như hoa văn hình vuông, thoi, hình chữ nhật, tam giác, úp móc nhau, cô gái đang múa… Màu sắc trên các hoa văn thường là đỏ, vàng, xanh, tím, trắng, xem lẫn 1 chút kim tuyết làm nổi bật trên nền vải màu xanh đen, xanh thẫm. 

anh-2-1.jpg
Những bộ quần áo thổ cẩm do chị H’Bloi dệt


Chị Bloi chia sẻ thêm: “Hoa văn cần nhiều sự tỉ mỉ và sáng tạo của mỗi người. Nhiều người biết làm nhưng đến công đoạn xếp chỉ dệt hoa văn thì cũng không kiên nhẫn được. Bên cạnh đó, để làm xong một bộ quần áo hoàn chỉnh phải mất đến hơn 1 tháng hay 2 tháng tùy vào độ công phu của hoa văn trên từng bộ. Giá bán một bộ quần áo thổ cẩm dao động khoảng từ 1,4 triệu một bộ nhưng so với tiền chuẩn bị nguyên liệu và công làm thì mình cũng không lãi được bao nhiêu. Vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào thu nhập từ nghề dệt thì cuộc sống sẽ rất khó khăn. Thế nên nhiều người đành đi làm thuê để được trả công nhiều hơn. Còn mình rất sợ mất đi văn hoá của dân tộc nên vẫn cố gắng bám víu với nghề dệt này để truyền cho đời con, đời cháu."

Trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa phát triển mạnh mẽ, có không ít những sản phẩm thổ cẩm được dệt bằng máy, nhanh gọn mà vẫn đạt chất lượng. Nhưng những người thực sự yêu vẻ đẹp tự nhiên, họ sẽ lựa chọn những sản phẩm được dệt bằng tay, cái mà chứa đựng giá trị văn hóa, tâm hồn người dệt, một vẻ đẹp riêng biệt không thể thay thế ở những sản phẩm khác. 

Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có rất ít cửa hàng trưng bày các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc. Đây là một nhược điểm lớn cho đầu ra của sản phẩm dệt thổ cẩm. Người dệt xong cũng không biết bán cho ai, người mua cũng không biết ở đâu bán. 

“Người đến đặt mình dệt chủ yếu là do được nghe kể, có người đặt ít hay nhiều tùy thuộc vào nhu cầu của họ. Có lúc người ta đặt nhiều dệt không kịp nhưng có lúc lại chả có ai đặt cả. Gần hai năm nay do dịch Covid - 19 nên người tới đặt đã thưa nay còn ít hơn nhiều nữa.” Chị ngậm ngùi nói. 

Nỗ lực gìn giữ

Nghề dệt thổ cẩm vốn có lịch sử hình thành lâu đời trong đời sống của các dân tộc. Thời đó, nam nữ, già trẻ, gái trai trong làng ai cũng đều biết dệt. Ngày nay, nền kinh tế thị trường thay đổi đã tác động sâu sắc đến các hoạt động làm nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng và những nơi khác nói chung. Vì thế, trong các làng, số lượng người vẫn tiếp tục nghề dệt chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số đều là các chị em. 

Do ảnh hưởng của lối sống hiện đại, ngày càng có nhiều mẫu mã quần áo đẹp và rẻ được bày bán khắp nơi ở các chợ, cửa hàng… Còn các sản phẩm dệt có giá thành mắc hơn nên không được ưa chuộng nhiều. Những trang phục thổ cẩm giờ đây được các dân tộc mặc vào các dịp lễ hội truyền thống như là cách để dân làng kết nối với nhau, củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Vì thế mà thói quen dệt của chị em trong làng cũng ít đi, chỉ còn những người thật sự yêu nghề như chị H’Bloi vẫn cố gắng gắn bó để duy trì nét văn hóa của dân tộc mình. 

Chị Bloi trầm tư một lúc: “Mình bây giờ cũng lớn tuổi rồi, mình lo không biết sau này con cháu có kế tục dệt thổ cẩm hay không? Mình cũng thường xuyên khuyên các con cùng dệt nhưng chúng chưa thực sự thích và quan tâm nhiều.”

Nỗi lo thất truyền nghề dệt thổ cẩm của bà con đồng bào ngày một lớn. Vì vậy, để giữ gìn nghề dệt truyền thống tại địa phương, cấp ủy và chính quyền đang nỗ lực đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả, có những chính sách cụ thể  nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ, động viên, khuyến khích các các nghệ nhân truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, nhất là con cháu trong gia đình.'' Theo bà Nguyễn Thị Đàm, chủ tịch Hội chữ thập Đỏ tại P. Thắng Lợi cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi đã liên hệ với các chị em trong làng nhằm mở các lớp học dạy và làm nghề dệt thổ cẩm cho ai quan tâm nhằm giúp duy trì những nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn nên kế hoạch này vẫn còn bỏ ngỏ.”

anh-3-1.jpg
Nhà Rông - nơi tổ chức các lễ hội quan trọng của đồng bào dân tộc Jrai

Theo thời gian và quá trình phát triển, có những nghề nối tiếp nghề và đi lên, nhưng sẽ có những nghề bị mai một. Đây là quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, vẻ đẹp tự nhiên của đồng bào dân tộc vẫn sẽ mãi sáng trong những tà áo thổ cẩm truyền thống, và sự mòn mỏi cố gắng níu nghề, giữ nghề của những người phụ nữ dân tộc Jrai vẫn còn đó. Bên cạnh là cả sự đồng lòng, giúp đỡ từ các cấp chính quyền địa phương trong việc gắn hoạt động làng nghề với du lịch địa phương. Có thể thấy, tương lai của thổ cẩm sẽ có điều kiện phát triển bền vững, góp phần nâng cao và bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN