Giữ lấy lồng đèn truyền thống giữa thị trường đồ chơi hiện đại

(Sóng trẻ) - Đèn kéo quân (đèn cù) được xem là món đồ chơi truyền thống mang đậm bản sắc dân gian của người Việt cùng câu chuyện ý nghĩa về lòng hiếu thảo, nhưng thú vui ấy đang dần bị lãng quên giữa thị trường đồ chơi hiện đại.

Đèn kéo quân hay còn gọi là đèn cù gắn liền với một câu chuyện dân gian về lòng hiếu thảo. Chuyện kể về một chàng trai trẻ tên là Lục Thức, mồ côi cha từ nhỏ. Ông ở với mẹ già, vừa đi học, vừa phải đi làm kiếm sống. Thương mẹ già ốm yếu nằm ở nhà một mình cô quạnh, Lục Thức nghĩ đến việc làm ra cái đèn có gắn các con vật, đốt nến bên trong cho các con vật quay xung quanh, như vậy trong nhà lúc nào cũng có rối bóng chạy, để mẹ ông đỡ buồn. Khi chiếc đèn làm xong, mẹ ông rất vui, trẻ con trong xóm thấy vậy cũng thường đến nhà ông ngắm đèn, nên nhà ông lúc nào cũng đông vui.

Lồng đèn có chiều cao 40cm, bên trong lồng đèn là các linh vật hoặc nhân vật, có thể thay thế theo sở thích cá nhân. (Ảnh: Viết Học)
Lồng đèn có chiều cao 40cm, bên trong lồng đèn là các nhân vật có thể thay thế theo sở thích cá nhân. Luồng không khí đối lưu của nến sẽ làm cho những nhân vật này trong đèn xoay liên tục. (Ảnh: Viết Học)

Dù là một nét văn hóa ý nghĩa của dân tộc, chiếc đèn kéo quân mỗi dịp Trung thu đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một. Hiểu được điều đó, ông Nguyễn Văn Quyền (sinh năm 1939, thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) luôn mong muốn đưa chiếc đèn kéo quân cũng như giá trị dân gian tới gần hơn với các bạn trẻ. 

\Sở dĩ có tên gọi là đèn kéo quân vì trước đây các cụ làm đèn cho trẻ con chơi, còn mong muốn truyền dạy về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Chính vì thế, những hình dán lên vòng tròn thường có hình ảnh các đoàn quân lính, ngựa xe, hành quân, xung trận. (Ảnh: Viết Học)
Cùng với sự đam mê, nhiệt huyết với nghề làm đèn cù, ông Quyền đã gắn bó với công việc này hơn 70 năm, tuổi thơ nghệ nhân được nghe kể và gắn bó với chiếc đèn ấy mỗi dịp Trung thu.(Ảnh: Viết Học)

Gắn bó hơn 70 năm với nghề làm đèn cù, suốt nhiều năm, người nghệ nhân ưu tú ấy vẫn luôn nặng lòng với tuổi thơ và mong muốn giữ lấy nghề làm đèn cho thế hệ mai sau. Đến nay đã hơn 85 tuổi, ông vẫn luôn kiên trì bên những thanh tre, những tờ giấy gió, tỉ mỉ làm ra từng thành phẩm độc đáo. Chiếc đèn kéo quân không chỉ là hồn cốt của dân tộc mà đó còn là tâm hồn của một nghệ nhân. 

Để làm một chiếc đèn, ngày trước ông Quyền phải mất tới cả một ngày vì tự uốn thép rất khó cố định khung tre, còn hiện tại chỉ mất nửa ngày để hoàn thiện, mỗi chiếc có giá 150 nghìn đồng nhưng không dễ bán. Ông Quyền tâm sự: “Người ta nhìn, dừng lại nhìn kỹ, khen đẹp thì nhiều nhưng người mua thì rất ít”, vì vậy mà nghề làm đèn không đủ để ông trang trải cuộc sống hằng ngày. Được biết, dân trong làng hầu hết đều bỏ đèn để kiếm nghề khác mưu sinh, cho đến nay trong làng chỉ còn ông Quyền giữ lại nghề. 

Ông Quyền trải lòng:
Dịp gần Trung thu chỉ lác đác vài khách, bình thường cũng không có ai mua, hầu hết là bạn bè muốn thì ông Quyền làm tặng. (Ảnh: Viết Học)

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thị trường đồ chơi Tết Trung thu tại Việt Nam có rất nhiều mẫu mã đa dạng kiểu dáng, màu sắc. Đôi khi, cũng chạnh lòng nhưng không vì thế mà ông lại đánh mất đi gốc gác của truyền thống.

Vài năm trở lại đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền được nhiều báo đài quan tâm, đó là một niềm hạnh phúc của ông, vì những cố gắng bao năm để đưa cây đèn tới với công chúng đã thành hiện thực. Ông chia sẻ điều làm ông hạnh phúc nhất là khi được nhiều bạn trẻ tuổi tới nhà và xin được ông hướng dẫn làm đèn. Nghệ nhân cũng có thêm những học trò yêu quý, say mê với nghề truyền thống dân tộc ông kể: “Học trò đam mê lắm, mấy hôm trước vừa khoe tôi là bán được mấy cái đèn rồi, mà đèn của trò có sự sáng tạo hơn cái truyền thống nên được nhiều bạn trẻ quan tâm”. 

Khi được hỏi về lý do tại sao ông không thay đổi năng lượng điện thay cho nến để theo kịp với các dòng đồ chơi hiện đại, nghệ nhân thẳng thắn bày tỏ: "Truyền thống thì vẫn là truyền thống, chỉ cần mình thay đổi nó đi thì nó sẽ không còn là truyền thống nữa, nhiệm vụ tốt nhất bấy giờ của tôi là giữ gìn nó và trao truyền cho thế hệ mai sau". 

Trong suốt nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Quyền luôn cố gắng phát triển đồ chơi thủ công làm đèn kéo quân, một biểu tượng văn hóa độc đáo trong dịp Tết Đoàn viên. Qua bàn tay khéo léo của ông, những chiếc đèn kéo quân không chỉ thắp sáng đêm rằm Trung thu mà còn truyền tải những giá trị văn hóa dân gian quý báu đến với các thế hệ tương lai.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Trung thu trong đôi mắt ngàn sao

Trung thu trong đôi mắt ngàn sao

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Tết Trung thu trong tín ngưỡng người Việt được xem là Tết của trẻ em. Nhưng, tại nhà X1, ngõ 17 Hoàng Ngọc Phách, phóng viên được chứng kiến một cái Tết Trung thu đặc biệt. Tết Trung thu của những đứa trẻ mang hình hài “trưởng thành”.

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN