Hà Nội: Người đàn ông tự "cõng gạch" xây 9 tầng nhà trong 9 năm

(Sóng trẻ) – Ở Hà Nội có 2 ngôi nhà: một 3 tầng, một 6 tầng tự xây do người đàn ông 47 tuổi “cõng gạch” xây nhà trong 9 năm ròng rã. Người đàn ông đó tên là Trần Hữu Tiền, hiện trú tại xóm Hạnh Phúc, phường Vạn Phúc, Hà Đông.

Năm 1998, chị Lê Thị Thảo (sinh năm 1975) kết duyên cùng anh Trần Hữu Tiền (sinh năm 1967). Tám năm sau ngày cưới, năm 2006, vì điều kiện kinh tế khó khăn cùng với thích mày mò, tự làm mọi thứ, anh Tiền nảy sinh ý tưởng tự xây nhà, tất cả các khâu đều do anh làm từ A-Z. 

9 năm sau ngày bắt đầu đặt viên gạch đầu tiên, không ai ngờ từ hai bàn tay trắng và sự kiên trì, hai căn nhà với 9 tầng được hoàn thành chỉ do một mình anh làm. Tính ra, chi phí cho toàn bộ hai căn nhà trên mảnh đất 400m2 vào khoảng gần 1,5 tỷ VNĐ ( gồm cả công sức, chi phí mua vật liệu xây dựng, …).  Trong đó, do tự làm, mỗi m2 anh chị giảm được 1 triệu đồng; chỉ cần chi ra 2,5 triệu để mua vật liệu và tiết kiệm được gần nửa tỷ đồng thuê nhân công.

Vì không có tiền nên anh… phải tự làm!

Theo lời chỉ dẫn của người dân trong xóm, chúng tôi tìm đến ngôi nhà 6 tầng, giờ đây đã được sơn xanh chỉnh chu mặt nài, sáu tầng nhà có chữ “Canh Dần 2010” nổi bật. Bước chân vào ngôi nhà 6 tầng sơn xanh, người vợ của anh Nguyễn Hữu Tiền nở nụ cười tươi tắn chào đón tôi. Anh Nguyễn Hữu Tiền năm nay đã 47 tuổi, dáng người cương nghị với nước da ngăm đen nói chuyện với vẻ rất chân thật. Còn chị Lê Thị Thảo, ở độ tuổi 39 vẫn còn tươi trẻ, khuôn mặt mang nét hồn hậu khó tả.

Căn nhà không quá lộng lẫy nhưng nhìn rất gọn gàng, mà nhìn từ trên tầng 6 nhìn xuống độ cao cũng không kém cạnh những căn nhà cao tầng khác. Vậy mà với một người chưa học qua chuyên ngành xây dựng nào lại có thể “mạo hiểm” kéo sắt, “cõng gạch” lên xây dựng một mình quả là điều khó tin! Hỏi về lý do một mình xây nhà anh hóm hỉnh chia sẻ: “Không có tiền nên tôi phải tự làm, nếu có tiền mình sẽ thuê ngay trong vòng một năm với tốp thợ 9, 10 người là xong”. Nhờ có chút ít vốn liếng, cộng với tính kiên trì tự làm của anh, anh chị vừa không mất tiền công thuê thợ vừa có thể chủ động cân nhắc để chi trả các khoản.

ea40b8270_a1.jpg

Ngôi nhà 6 tầng một thời được anh Tiền một mình mang sắt lên

Ngày xưa ngôi nhà 6 tầng là một ngôi nhà cấp 4, cứ xây nhà sau thì anh ở nhà trước, đến khi nhà sau xong thì anh lại đập nhà cũ trước để xây lại thành 6 tầng. Nay nhìn lại thành quả đạt được, căn nhà chính là nơi tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình nhờ việc cho “thuê trọ”. Tầng một, hai anh chị cùng con ở, tầng sáu thờ cúng ông bà tổ tiên; còn lại 3 tầng giữa và căn nhà 3 tầng sau anh chị đều cho thuê hết. Tính ra mỗi tháng thu về được gần hai chục triệu. Nhớ lại quá khứ, đôi vợ chồng này cũng có lúc phải nếm “gừng cay, muối mặn”!

Trước khi xây nhà, anh Tiền yêu chị Thảo và đang đạp xích lô chuyển sắt cho các nhà xây dựng. Sau đó vì quá vất vả anh chuyển qua nghề xe ôm, thời gian đầu làm ăn cũng tốt nhưng rồi khi xe Tàu ồ ạt vào, xe nhà “xấu” quá không cạnh tranh nổi đâm ra ít khách, anh “vật vờ” và cũng đã có lúc chán nản. Rồi anh xin học nghề ở trường Trung cấp dạy nghề Hà Nội. Đợt ấy học xong anh mở cửa hàng luôn dù tay nghề còn non kém, rất may làm ăn có lãi. Bằng sự kiên trì, sáng ra cửa hàng chưa có khách, anh vẫn phải sáng đi xe ôm cho các bà bán thịt, tối chở hàng cho ông anh may đo. Cuộc sống của đôi vợ chồng này từng đã có những lúc “lận đận, bôn ba” như vậy. “Ngày ấy chị may cho anh cái áo cực kỳ dày, cứ hai ba giờ sáng anh lại đi xe ôm, trời rét căm căm. Thế mà, rồi vẫn về uống nước nóng vẫn thấy lạnh” – chị Thảo tâm sự.

Chia sẻ bí quyết để có thể kiên trì xây xong ngôi nhà, anh Tiền cho biết: “Đầu tiên, kể cả làm cái gì anh cũng phải tính toán làm gì trước, làm gì sau. Mình cứ chia ra làm dần từng việc một; bao giờ mệt thì nghỉ, cuối cùng cũng hoàn thành”. Anh cũng quả quyết rằng: “Làm cái này quả thực mình không có cơ hội làm lại lần thứ hai, do đó phải tính toán rất cẩn thận!”. Còn chị Thảo ở vai trò là một người vợ dù không phải lúc nào cũng ở cạnh để giúp đỡ nhưng suốt những năm chung sống chị luôn tin tưởng ở quyết định của chồng và hiểu rằng: “Chỉ cần quyết tâm thì sẽ làm được!”. “Anh ấy luôn tự mình làm mọi thứ, chỉ cần nhìn người ta có gì hay là về mày mò tự làm lại theo cách của mình” – chị Thảo chia sẻ thêm.

Sự sáng tạo của anh không chỉ dừng lại ở việc tự xây nhà mà còn ở cách bài trí từ trần nhà đến tự thiết kế các vật dụng như loa, giường, bàn, … Nhìn bề nài, căn nhà không quá lộng lẫy nhưng vẫn tạo được ấn tượng mạnh khi khám phá vào phần trong. Trần nhà ốp bằng gỗ vằn vàng đan xen hàng chục bóng điện nhỏ rải thành 3 vòng xung quanh trần mà “chỉ duy nhất nhà anh có, không tìm thấy ở nơi nào khác”. Vào đến căn phòng của hai anh chị, ngổn ngang những thiết bị bị tháo tung; có đến 6, 7 chiếc loa đang sửa chữa. Chị Thảo cho biết: Đó là do anh Tiền dùng loa cũ về chế tạo lại thành kết cấu mới.

Chẳng mấy ai đủ “kiên trì” được như anh

Bước chân ra khỏi căn nhà 6 tầng, chúng tôi hỏi thăm hàng xóm, hầu hết  mọi người đều có chung suy nghĩ. Chẳng có ai giống nhà anh Tiền bởi độ kiên trì và sự mày mò, sáng tạo của anh!

Trong bối cảnh Hà Nội “tấc đất, tất vàng” có được mảnh đất cắm dùi đã khó, đủ tiền xây nhà còn khó khăn hơn. Mà dù rằng không có tiền, người ta cũng cố đi vay mượn mà thuê thợ về làm nhà, so với việc anh Tiền cũng là người lao động bình dân, tự mày mò làm mọi thứ (từ xây nhà, sơn tường, bắt hệ thống điện nước, … đến bài trí nội thất một cách sáng tạo) thì quả là đáng ngưỡng mộ!

ea40b8270_a2.jpg

                                 Nhiều vật dụng do anh thiết kế rất sáng tạo đặc biệt là trần nhà!

Năm 2006, sau khi có “bản thiết kế trong đầu”, mặc dù không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình, vợ chồng anh Tiền vẫn bắt tay xây ngôi nhà 3 tầng trên mảnh đất hơn 100m2 được bố mẹ chia cho. Thời gian này, đứa con trai đầu của anh Tiền bắt đầu vào lớp 1. Cả gia đình phải sống trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ. Khoảng một năm cặm cụi làm ngày làm đêm, cuối cùng ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng anh Tiền cũng hoàn thành. Sau khi xây xong ngôi nhà 3 tầng, anh Tiền biến chúng thành những phòng trọ cho sinh viên, người đi làm thuê, đồng thời lên kế hoạch xây tiếp ngôi nhà thứ hai.

Ông Đỗ Đình Thắng (60 tuổi), hàng xóm nhà anh Tiền than thở: “Nhà nó làm cả ngày lẫn đêm. Xây xong một cái lại xây cái nữa. Nhiều hôm tôi đi ngủ rồi mà nó vẫn làm, nhiều tiếng động mạnh phát ra khiến bà con hàng xóm mất ngủ. Nhưng cũng ít người như hai vợ chồng nó. Tự lực xây được hai cái nhà to thế”.

Sau khi ngôi nhà 3 tầng hoàn thiện và cho thuê, anh Tiền bắt đầu có nguồn thu nên càng cố gắng để xây ngôi nhà thứ hai. Ngôi nhà 6 tầng được vợ chồng anh Tiền khởi công năm 2009 và đến cuối năm 2013 thì hoàn thành.

Anh khẳng định trong 9 năm đó mình cũng chưa bao giờ thấy nản, “cứ làm mà mệt thì nghỉ thôi”. Anh cười bảo: “Đằng đẵng như vậy 8 năm trời, có lẽ hàng xóm láng giềng cũng không nghĩ được anh sẽ có ngày hôm nay”. 

Chia sẻ với chúng tôi anh chị cho biết khó khăn lớn nhất là độ vất vả, nguy hiểm rất cao từ các khâu bắc giàn giáo, dựng cột, kéo sắt, …, chị Thảo lại không hỗ trợ được anh thường xuyên vì còn con cái, chợ búa, công việc, ... “Đưa một số lượng sắt như thế lên tầng 6, tôi cũng cảm thấy thực sự rất sợ vì nhỡ rơi xuống có người. Hầu như trong quá trình xây chỉ có mình anh, anh em cũng chưa bao giờ nhờ vả ngày nào”  – chị Thảo, vợ anh Tiền chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa, sự chăm chỉ, kiên trì của anh đã khiến nhiều người trong, nài xóm biết đến. Gia đình anh Tiền hiện đang cho thuê phòng trọ. Tính ra có hơn chục phòng trọ bên cạnh tiền lương của chị Thảo (mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng), khoảng hơn 20 triệu mỗi tháng anh chị có đủ trang trải cuộc sống sau những tháng ngày “cõng gạch”, góp tiền xây 9 tầng nhà. 

Chị Thu Trang, một người hàng xóm làm nghề buôn bán cạnh nhà anh Tiền hóm hỉnh chia sẻ: “Tối sân để xe nhà anh Tiền chật kín, có 4 camera theo dõi kèm theo chuông báo động. Dù có con chuột to chạy vào cũng có báo động. Tôi ở đây mỗi sáng dậy sớm tôi biết, mấy em chân dài đi ra đi vào ghét nhất là cái chuông cứ báo động inh ỏi (cười). Đảm bảo là không mất trộm! Hai vợ chồng chăm chỉ đi làm đến nỗi không có thời gian chơi bời nhiều”. 

Theo lời vợ trưởng thôn xóm Hạnh Phúc, phường Vạn Phúc, Hà Đông; chị Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1957) cho biết: “Ở đây ai cũng biết nhà anh Tiền về việc tự xây nhà trong 8 năm”.

Trong khi nhiều người phải thuê thợ, thuê người thiết kế để xây nhà thì ở xóm Hạnh Phúc, anh Tiền chưa học qua trường lớp lại có thể tự mày mò xây cho mình được 2 căn nhà khang trang. “Mình cứ chia ra làm dần từng việc một. Bao giờ mệt thì nghỉ nhưng quan trọng là không được nản chí. Việc có khó đến đâu thì cuối cùng cũng hoàn thành” - anh Tiền khẳng định, đó cũng là bài học về ý chí kiên trì không bỏ cuộc cho nhiều người; biết chia việc, mệt thì nghỉ nhưng quyết không được từ bỏ!

Dung Nguyễn

Báo mạng điện tử K.31

Học viện Báo chí và Tuyên truyền.















 

 

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN