Người ‘canh giấc’ những ‘linh hồn bất tử’ – Bài 4: Món nợ ân tình chưa được trả

(Sóng trẻ) - Đến nay, chế độ phụ cấp cho các thương-bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong làm công tác quản trang vẫn chưa phản ánh đầy đủ sự tận tụy và đóng góp của họ. Cần điều chỉnh chính sách để xứng đáng với những hy sinh thầm lặng này.

Không để người làm công tác quản trang liệt sỹ thiệt thòi

Đa số các thương-bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… làm công tác quản trang ở các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn Hà Nội mà PV gặp gỡ và trò chuyện đều có chung một tâm sự: họ chưa bao giờ nghĩ đến các khoản tiền phụ cấp công tác quản trang. Thành phố, quận, huyện, xã, phường chi trả như thế nào thì họ nhận như thế, chưa bao giờ đòi hỏi gì thêm. Điều quan trọng với họ là được trả "món nợ ân tình" với đồng đội đã ngã xuống. Thậm chí, nhiều năm về trước, họ còn không được nhận một đồng phụ cấp nào vẫn vui vẻ làm công việc tình nghĩa này.

Thực tế, qua tìm hiểu, rất ít địa phương ở Hà Nội có các cơ chế khen thưởng, biểu dương trong các dịp lễ lớn như ngày Thương binh – Liệt sỹ, chẳng hạn như UBND huyện Ba Vì.

z6063227007324_ac9fc653d2dba23f08097fa89f9346ee.jpg
Cựu chiến binh Phạm Song Toàn làm quản trang nghĩa trang liệt sỹ xã Nhị Khê, hiện được hưởng phụ cấp 300 nghìn/tháng. Ảnh: Phạm Thứ.

 

Trao đổi với, phía Hội Cựu chiến binh Hà Nội cho rằng các thương-bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… là những người trở về từ cuộc chiến, họ đã chịu rất nhiều thiệt thòi trong đời sống. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn sống trọn nghĩa tình với đồng đội. Phần lớn cựu chiến binh làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sỹ ở Hà Nội hiện nay đều đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm". Dù vậy, họ vẫn rất tận tụy và hết mình với công việc, không đòi hỏi các chế độ phụ cấp hay khen thưởng. Tuy nhiên, sự cống hiến và đóng góp của họ không thể bị bỏ qua, và do đó, cần có chính sách trả công xứng đáng. Cần phải nghiên cứu lại các chính sách để sát hợp hơn với tình hình thực tế, không nên để người làm công tác quản trang thiệt thòi.

Theo Điều 136 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, nghĩa trang liệt sỹ an táng từ 500 mộ liệt sỹ trở lên mới có bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sỹ.

Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sỹ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và số người làm việc do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ quy định. Riêng nghĩa trang liệt sỹ an táng dưới 500 mộ liệt sỹ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định số người chăm sóc.

z6063228379949_d198bfd3ba51946e9e0bcde761b23064.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn - quản trang nghĩa trang nghĩa trang liệt sỹ Phú Xuyên. Ảnh: Phạm Thứ.

 

Theo Điều 137 của Nghị định này, người làm việc tại bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sỹ sẽ được hưởng chế độ tiền lương theo vị trí công việc và các phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật. Tiền công đối với người được thuê làm công tác chăm sóc nghĩa trang sẽ theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, các nghĩa trang liệt sỹ cấp quận, huyện, xã, phường trên địa bàn Hà Nội không có nghĩa trang nào trên 500 phần mộ. Do đó, các địa phương phải linh hoạt trong việc sử dụng ngân sách để chi trả phụ cấp cho những người làm công tác quản trang. Điều này khiến nhiều thương-bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… dù rất tận tụy trong công việc vẫn chưa nhận được mức phụ cấp xứng đáng. Mức phụ cấp cho công tác quản trang ở các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn Hà Nội hiện nay chỉ dao động từ 300 đến 500 nghìn đồng/tháng.

Chế độ phụ cấp cho quản trang liệt sỹ sẽ được xem xét lại


Ông Bùi Văn Chanh – Phó Trưởng phòng LĐTBXH quận Hà Đông cho biết, trên địa bàn quận có 10 nghĩa trang liệt sỹ với 1.439 phần mộ liệt sỹ. Hai nghĩa trang liệt sỹ cấp quận giao cho phường Vạn Phúc và Quang Trung quản lý, trông nom, chăm sóc. Các nghĩa trang đều được các Ủy ban nhân dân phường thuê người trông nom và dọn dẹp theo hình thức dịch vụ. Thường là các cựu chiến binh, người hưởng chính sách, người có công với cách mạng, mỗi nghĩa trang một đến hai người. Kinh phí chi trả cho công tác quản trang được trích từ nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa và quỹ xã hội hóa.

z6063239070743_a215a985e41a2a1deef2a967390a8383.jpg
Cựu chiến binh Hoàng Thị Ánh - quản trang nghĩa trang liệt sỹ xã Hồng Vân, Thường Tín. Ảnh: Phạm Thứ.

 

Ông Bùi Văn Chanh chia sẻ: "Hiện chưa có chính sách cụ thể đối với người làm công tác quản trang nghĩa trang liệt sỹ nên rất khó thực hiện việc hỗ trợ, chi trả chế độ. Tôi nghĩ rằng việc chăm sóc và quản lý nghĩa trang liệt sỹ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác "đền ơn đáp nghĩa", vì vậy Nhà nước cần có các chính sách sát hơn với thực tế để các địa phương có cơ sở đầu tư lâu dài về nhân lực và vật chất hỗ trợ công tác này".

Ông Nguyễn Đình Nghĩa – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Chương Mỹ chia sẻ thêm: "Hiện huyện Chương Mỹ có 33 nghĩa trang, nhưng công tác quản trang vẫn chưa thường xuyên. Ở mỗi nghĩa trang vẫn có một người trông nom theo hình thức tự nguyện mà không có chế độ phụ cấp. Chỉ có một người làm công tác quản trang ở Đài tưởng niệm liệt sỹ của huyện được trả một năm 3,5 triệu đồng, trích từ quỹ đền ơn đáp nghĩa".

z6063240026143_861df2235bbf909d85183aa8e87eb96f.jpg
Bệnh binh Nguyễn Văn Lịch đã có 33 năm làm công tác quản trang Nghĩa trang liệt sỹ Châu Sơn, Ba Vì. Ảnh: Phạm Thứ.

 

Ông cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề chi ngân sách cho công tác này: "Ngân sách để tôn tạo, tu bổ và chăm sóc nghĩa trang chủ yếu trích từ quỹ 'đền ơn đáp nghĩa' hoặc huy động quỹ xã hội hóa. Ngân sách địa phương rất hạn chế và không đủ để duy trì công việc này lâu dài".

Ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) cho biết: "Việc chi trả tiền lương cho người làm công tác quản trang hiện nay do UBND tỉnh và Bộ Nội vụ quản lý. Tuy nhiên, mức thu nhập của đối tượng quản trang không thường xuyên cấp xã còn thấp. Tới đây, vấn đề thu nhập của họ sẽ được xem xét lại để đảm bảo chế độ cho người lao động".

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN