Hà Nội: Nhìn lại phố đi bộ sau một năm hoạt động
(Sóng Trẻ) - Được chính thức triển khai từ 1/9/2016, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã thu hút được nhiều sự chú ý của người dân thủ đô, mang đến những tín hiệu tốt trong công tác truyền thông, quảng bá văn hóa.
Phố đi bộ - điểm đến cuối tuần
Bắt đầu mở từ 19h đến 24h trong 3 ngày cuối tuần, phố đi bộ đã và đang là lựa chọn của một lượng lớn người dân thủ đô và khách du lịch. Theo anh Thành (quận Đống Đa) cho ý kiến: “ Nếu như không quá bận, cuối tuần tôi đều đưa các cháu lên đây chơi. Ở đây rộng rãi, trẻ con có thể chơi đùa thoải mái, gia đình tôi cũng cảm thấy vui với không khí náo nhiệt ở đây”.
Nhiều người dân chọn phố đi bộ như một điểm đến thư giãn cuối tuần
Người dân và du khách không chỉ cảm thấy thích thú với một không gian thoáng đãng, mát mẻ tản bộ bên hồ, không có xe cộ lưu thông mà đây còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật đường phố, tổ chức các trò chơi dân gian Việt Nam. Phố đi bộ còn giúp con người gợi nhớ những giá trị truyền thống. Hơn thế nữa, phố đi bộ đã trở thành cách truyền thông đơn giản mà hiệu quả đối với bạn bè quốc tế về những nét đẹp của mảnh đất Hà Thành nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Câu lạc bộ MyHanoi trong hoạt động trải nghiệm các trò chơi- đồ chơi dân gian tại phố đi bộ
Nài ra, để phục vụ người dân đến và vui chơi, không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm còn được cài đặt wifi miễn phí, có địa điểm đặt máy bán hàng tự động, những triển lãm, ca nhạc đường phố không mất phí khi tham gia…
Phố đi bộ - vẫn còn vấn đề cần giải quyết
Trong thời gian triển khai hoạt động không gian phố đi bộ, thực tế đã có một số vấn đề bất cập tồn tại và cần có sự giải quyết kịp thời của các cơ quan chính quyền quản lí.
“Người đi không nổi, người gửi chẳng xong” là lời một người dân sống ở phố Hàng Trống miêu tả cảnh giao thông mỗi khi cấm đường cho phố đi bộ. Vì đây là thời gian cuối tuần nên lượng người và phương tiện đổ về các tuyến phố dẫn lên hồ Gươm đông hơn bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng tắc đường và kẹt xe, khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc điều tiết giao thông. Còn đối với những người muốn đi vào phố đi bộ, việc tìm thấy một bãi đỗ xe cũng không hề dễ dàng. Đôi khi, họ chấp nhận gửi vào các bãi đỗ xe tư nhân tự phát với giá vé 20.000-30.000/ 1 xe còn hơn là việc phải đi tìm 4-5 bãi đỗ của thành phố vì lí do… hết chỗ không nhận xe.
Hiện tượng “chặt chém” giá gửi xe ở phố đi bộ vẫn còn tồn tại
Trong khu vực phố đi bộ, phần lòng đường rộng rãi không còn chỉ dành riêng cho hoạt động đi bộ, mà nó dần trở thành nơi kinh doanh dưới hình thức thuê xe điện, xe giữ thăng bằng, ô tô điện…Nài ra, không khó để bắt gặp những xe bán hàng rong dọc theo vỉa hè. Như vậy, diện tích dành cho người đi bộ phần nào đã bị chiếm dụng cho những mục đích tư lợi cá nhân.
Đối với những người sinh sống trong không gian phố đi bộ thì vấn đề sử dụng các phương tiện cũng bị hạn chế khi người dân phải dắt xe đi bộ khá xa từ nài vào đến nhà mình. Hay với các hộ kinh doanh, do phố đi bộ mở cả ban ngày vào thứ bảy chủ nhật nên việc khách hàng ghé tới vào thời gian này gần như là không có.
Các vấn đề về an ninh như nhiều gánh hàng rong chèo kéo khách hàng, tình trạng mất cắp đồ khi tham gia các hoạt động giao lưu, vấn đề về mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường …cũng là một bài toán khó cho chính quyền địa phương bởi nếu không giải quyết kịp thời, rất có thể đây là nguy cơ khiến hình ảnh phố đi bộ xấu đi trong thời gian tới.
Hình ảnh rác trên phố đi bộ vào một ngày mưa
Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là một điểm nhấn du lịch mới của thủ đô với những kết quả tích cực của hình thức này trong việc quảng bá văn hóa, đưa Hà Nội đến gần hơn với du khách quốc tế. Tuy nhiên, muốn giữ vững và phát triển hình thức này thì cần hơn nữa sự phối hợp giữa người dân và các cơ quan quản lí để khắc phục những bất cập trước mắt.
Lê Thanh Hằng
Báo in K35A1
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận