Khi CSGT và người dân đều chưa làm tròn ý thức trách nhiệm

(Sóng Trẻ) - Lâu nay, ý thức tham gia giao thông của người dân luôn là một vấn đề lớn tốn không ít giấy mực của báo giới. Chuyện xe máy, xe đạp hàng ngày “dùng chung” vỉa hè của người đi bộ diễn ra như “cơm bữa”. Lên tiếng từ lâu, cảnh phạt cũng nhiều song nó vẫn chưa mang lại những hiệu quả đáng kể cũng bởi những tiêu cực trong quá trình làm nhiệm vụ của CSGT.

Ngựa sắt ung dung “phi” trên vỉa hè, sai nhưng to còi

“Tránh dịch ra con bé kia, chắn hết đường rồi!” Người phụ nữ bịt mặt kín mít đang cố chen xe lên vỉa hè, vừa còi vừa quát em học sinh mới tan trường đang đứng đợi xe buýt ở cổng trường Sư phạm. Vốn cứ nghĩ sai nhưng trong suy nghĩ một số người thì đây là điều hiển nhiên. Người điều khiển phương tiện không một chút mảy may, chỉ muốn tìm chỗ trống để chen chân mặc cho đó là lòng đường hay vỉa hè. Có đôi khi va chạm vì chen lấn, ánh mắt khó chịu lườm nhau, lầm nhầm bực tức.

Giờ cao điểm đúng là nỗi ám ảnh diễn ra hằng ngày bởi nó là lúc người ta không còn nhớ đến luật lệ, thậm chí không đủ tỉnh táo để phân biệt đâu là đường dành cho mình và đâu là đường cấm. Nhiều lần lên ga, nhấn số để phóng lên vỉa hè dường như ngày càng nhiều hơn và nó dần trở thành thói quen của một bộ phận người dân khi đường có dấu hiệu “ùn”. Hỏi vội chị Lường Thị Hà (24 tuổi – Cổ Nhuế - Hà Nội) đang đi lên vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt, chị cho biết: “Ngày nào mình cũng đi làm qua đoạn này, tắc đường lắm, tầm sáng gần 8h với 6h chiều về là tắc không nhích nổi, xe máy người ta đi bớt lên trên (vỉa hè) cho đỡ tắc chứ cũng không ảnh hưởng gì đến ai.”

Điều này thường xảy ra ở một số khu vực đang thi công, mật độ xe cộ di chuyển lớn hoặc thậm chí nhiều phố lòng đường bị ô tô chiếm hết, các phương tiện khác di chuyển khó khăn. Nêu tạm một số lý do cũng đủ khiến người ta hiểu tại sao nhiều người tham gia giao thông phải đi “ké” lên khu vực không dành cho mình. Chỉ có ở Việt Nam, chúng ta mới thấy người đi bộ cẩn trọng đi nép vào mép hè, tránh xe cộ, ngang ngược hơn khi những người xâm phạm bấm còi inh ỏi để người trên vỉa hè đi đứng dẹp gọn vào, sẵn sàng lớn tiếng nếu không được sự hợp tác của người dân. 

be0b3a980_xemaydilenviahe71490202049107.jpg
Khung cảnh người xe “ung dung” đi trên vỉa hè của người đi bộ giờ tắc đường (Nguồn: Internet)

Những con phố như Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt, Cầu Diễn, Hầm Kim Liên - ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, Tây Sơn,… luôn được đem ra bàn luận đầu tiên nếu nói về mức độ ùn tắc khiến người tham gia giao thông lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ. Tại các khu vực này luôn được bố trí đội ngũ cảnh sát giao thông đông và đủ để có thể điều tiết các phương tiện một cách hiệu quả nhất song vấn nạn vỉa hè thì từ ngày này sang ngày khác cũng chưa có biến chuyển.

“Ngựa quen đường cũ”

 “Điếc không sợ súng” đúng là câu thành ngữ phù hợp nhất với nhiều người tham gia giao thông vi phạm luật. Chưa bị phạt hoặc thậm chí đã từng bị nhắc nhở và phạt vẫn không biết sợ. Vào giờ cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông thường chú ý đến việc điều khiển đường tránh tình trạng ách tắc mà hạn chế bắt lỗi người vi phạm, vậy nên tình trạng hỗn loạn với mọi người như chuyện đương nhiên.

Phần lớn người điều khiển phương tiện nếu bị cảnh sát bắt đều có chung một cách giải quyết là “xin xỏ” với nhiều lý do khác nhau: có việc gấp, bận đón con, muộn giờ làm, không biết luật, thậm chí là không để ý nên mới đi sai. Song dù biện minh như thế nào thì chuyện bị phạt cảnh cáo cũng là lẽ thường tình. Xin không được nhiều dân quay ra bực tức, lớn tiếng đôi khi là sẵn sàng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” chẳng do dự với người thi hành pháp luật. 

Xin được lần một ắt hẳn sẽ có lần hai, nhiều bài ca “xin” lặp lại đến nỗi được các anh đứng chốt “thuộc lòng”. Vài ngày sau bị bắt vẫn tiếp tục xin, chưa thấy biểu hiện sửa chữa lỗi sai nhưng cố tình lạm dụng vào các mối quan hệ cá nhân để can thiệp tránh bị mất tiền phạt lại xuất hiện. 

CSGT làm nhiệm vụ còn nhiều mặt trái

Ở một góc khác, dạo gần đây nổ lên hàng loạt các bài báo CSGT bị dân lăng mạ, tấn công  giữa đường phố đến phải nhập viện nhưng không ai đến can ngăn mà chỉ lăm lăm điện thoại quay chụp để tung lên mạng. Điều đáng nói là lực lượng CSGT thành lập để trực tiếp phục vụ nhân dân nhưng khi gặp chuyện lại bị thờ ơ đến đáng sợ. Từ nhiều vụ việc này đã phần nào chứng tỏ cộng đồng vẫn chưa thực sự coi trọng những người làm nhiệm vụ, ở đâu đó vẫn còn tồn đọng tiêu cực chưa lấy được lòng tin của mọi người.

be0b3a980_collage_photocat.jpg
Hình ảnh được cắt ra từ clip một vụ cãi cọ, xô xát giữa dân và CSGT khiến nhiều người tỏ ra bức xúc (Nguồn: Facebook)

Dẫn theo VNExpress, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh (Phó Cục trưởng CSGT, Bộ Công an) từng chia sẻ: "Khi xử phạt, cảnh sát làm thiệt hại kinh tế của người vi phạm, nếu chúng ta có tác phong và lời nói thực sự chuẩn mực, nhã nhặn, thuyết phục thì có mất tiền người ta cũng phải phục".

Đây đúng là điều đáng lo ngại trong ngành bởi lực lượng chính làm nhiệm vụ điều tiết, chỉ dẫn người tham gia giao thông đánh mất niềm tin của nhân dân thì khó khiến người ta nghe và phục. Vấn đề này cần phải nhanh chóng  tìm cách giải quyết đồng thời khắc phục kịp trước khi vai trò, quyền hạn của CSGT dần bị coi nhẹ.

Kiều Trang
Báo in K35A1

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN