Hai lổ hổng về đạo đức cần lấp đầy trong khai thác, xử lý nguồn ti
(Sóng trẻ) - Theo ông Lê Văn Thiềng (Hội Nhà báo Việt Nam), trong khai thác và xử lý nguồn tin hiện đang tồn tại hai lỗ hổng về đạo đức: Thông tin vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và sự yếu kém trong công tác quản lý.
Hiện nay, đã có quá nhiều hệ lụy xảy ra do tình trạng thiếu đạo đức trong khai thác và xử lý nguồn tin. Những hệ lụy đó không chỉ một người, một nhóm người mà cả xã hội, thậm chí cả đất nước, cả dân tộc phải gánh chịu hậu quả. Dẫu sau này, cơ quan khai thác, sử dụng nguồn tin có đính chính; cơ quan quản lý báo chí có xử phạt, điều chỉnh, nhưng mức độ thiệt hại do các thông tin sai lệch đưa ra quá lớn, không thể nào sửa chữa, khắc phục nổi. Qua thực trạng này, tôi thấy có hai lỗ hổng về đạo đức cần lấp đầy trong khai thác, xử lý nguồn tin.
Một là: Thông tin vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm
Hiện tượng này xảy ra phổ biến nhưng rộ nhất, tập trung nhất vào thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng, đoàn thể; bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp có liên quan đến vấn đề cơ cấu, bổ nhiệm cán bộ. Đang yên, đang lành, bỗng dưng một vị lãnh đạo cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố thấy trên báo chí có thông tin về các vụ việc tiêu cực thuộc lĩnh vực mình phụ trách liên quan đến trách nhiệm của bản thân. Có thông tin mang tính ám chỉ. Lại có thông tin nói rõ tên người, chức vụ mắc sai phạm. Về tính chất, các thông tin chỉ đúng một phần, sai nhiều phần, thậm chí mù mờ, phải mất lắm thời gian, công sức để điều tra, kiểm chứng. Có cán bộ đủ tiêu chuẩn dự kiến đưa vào danh sách bầu, nhưng do có thông tin liên quan đến phẩm chất, lối sống, đặc biệt là tham nhũng, tiêu cực mà báo chí nêu chưa được làm rõ, liền bị đưa ra khỏi danh sách hoặc thuyên chuyển công tác, đến khi được làm rõ không có vấn đề gì thì đã qua đại hội hoặc bầu cử xong, thế là hết cơ hội. Ngược lại, có cán bộ uy tín không cao, trình độ nửa vời, bỗng dưng được báo chí ca ngợi như một phát hiện mới về uy tín, trình độ cao, có các phẩm chất của một tài năng mang tầm trí tuệ cao. Đương nhiên không phải tất cả, nhưng một số cán bộ kiểu trân đã được cơ cấu, bổ nhiệm. Điều này dẫn đến hệ lụy là mất cán bộ. Mất cán bộ là mất khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Có anh, chị cán bộ giữ trọng trách lớn, tầm chiến lược, nhưng tác phong, lối sống, cách phát ngôn không bằng cán bộ cấp dưới, tầm cơ sở, thậm chí còn bị công chúng đánh giá thấp về trình độ, thành đề tài bàn cãi nhiều trong dư luận. Có cán bộ khi xuất hiện trên báo hình, chưa nói công chúng đã biết anh nói gì, thậm chí còn biết nói sai chỗ nào, liền tắt tivi không thèm nghe. Cái sai về công tác cán bộ thuộc về nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhưng cũng có phần thuộc về báo chí.
Thứ hai: Yếu kém trong công tác quản lý
Thông tin sai diễn ra nhiều lúc, nhiều nơi, xảy ra như "cơm bữa", nhất là đối với các tờ báo, các trang mạng kiểu "lá cải". Trong các cuộc giao ban báo chí thường kỳ cấp trung ương cũng như cấp địa phương, không cuộc nào không có những vấn đề cần lưu ý, tuần này có vấn đề vừa nhắc xong, tuần sau lại có vấn đề nghiêm trọng hơn. Đáng chú ý là các nguyên tắc thông tin của báo chí vô sản đang bị vi phạm một cách đáng báo động. Một số tờ báo thiên về cái lạ, cái không bản chất nhiều hơn cái mới, cái bản chất, cái thật, cái đúng. Trong cuộc sống, cái chưa đẹp, cái xấu, cái ác diễn ra là sự thật, đáng phê phán, triệt tiêu; nhưng càng phải quan tâm tuyên truyền, giáo dục, phải tổ chức, xây dựng, cổ vũ cho cái mới, cái đẹp, cái tốt, cái thiện, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Phát hiện, tuyên truyền, cổ vũ, động viên cái mới, cái hay, cái thật, cái đúng mới là nhiệm vụ, mục tiêu, là hướng chủ đạo của báo chí, là mục đích hành nghề của người làm báo. Từ diễn đàn này, tôi chính thức phản đối việc một số báo đưa quá nhiều về các thông tin giật gân, câu khách tầm thường mang nội dung mê tín dị đoan, bạo lực, loạn luân, vô văn hóa... như đã từng diễn ra.
Nguyên nhân quan trọng để xảy ra tình trạng trên nằm ở công tác quản lý quá yếu kém của không ít cơ quan báo chí. Nhiều tờ báo thuộc các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương đặt các cơ quan, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú ở địa phương, nài việc nắm bắt, cung cấp thông tin, còn phải quảng cáo, tiếp thị, phát hành thu tiền về cho tòa soạn. Trong điều kiện hiện nay, việc làm trên của các báo là vấn đề "bất khả kháng". Tuy nhiên, có tình trạng đặt mục tiêu tài chính lên hàng đầu, không chỉ có tiền nộp cho tòa soạn, mà còn có tiền nuôi sống bản thân phóng viên thường trú. Do ở xa cơ quan, các phóng viên thường trú rất ít được sinh hoạt chung, thậm chí có người hàng năm chỉ về cơ quan đôi ba lần để nhận chỉ thị, kế hoạch, chỉ tiêu. Do sống ở địa phương nhưng không phải thuộc quyền quản lý của địa phương, mang tâm lý người "ăn gửi, nằm nhờ", cho nên các phóng viên này thường khai thác những mặt trái để đưa tin, viết bài cung cấp về cho tòa soạn. Không ít trường hợp hù dọa các doanh nghiệp nếu không đưa tiền sẽ phanh phui các mặt tiêu cực trên báo. Nhiều doanh nghiệp đón tiếp phóng viên trong tình thế bắt buộc, gương mặt ủ ê, gượng cười, có nơi đút tiền phong bì, mời phóng viên ăn bữa cơm, nói thác rằng giám đốc đi vắng, thế là sau đó, phóng viên cũng đi luôn không trở lại. Có chuyện xảy ra cách đây nhiều năm nhưng vẫn còn tính thời sự. Một cô chuyên làm quảng cáo cho tờ báo xuất bản tại phía Nam (tờ báo nay đã đình bản) về một tỉnh, quen biết rồi quan hệ như vợ chồng với đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, được đồng chí này viết giấy giới thiệu đi tới các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý vừa làm quảng cáo, vừa ra các ấn phẩm chuyên đề lấy rất nhiều tiền, đến mức mua được cả biệt thự tại TP. Hồ Chí Minh. Cao thủ hơn là cô hứa với đồng chí này sau khi về hưu, ông sẽ vào TP. Hồ Chí Minh chung sống với cô. Tưởng thật, sau khi nhận quyết định về hưu, ông này tức tốc làm đơn xin ra khỏi Đảng, đòi li dị bà vợ già rất đỗi chung thủy, rồi xách ca táp bay thẳng vào Sài Gòn. Đến sân bay, ông liền mở điện thoại gọi tình nhân ra đón, nhưng chẳng nghe được gì, nài tiếng tò tí te báo bận. Lập tức ông thuê taxi chạy về theo địa chỉ. Đến nơi, vẫn ngôi nhà xưa, nhưng cửa đóng, then cài, không thấy bóng dáng nàng. Bấm chuông gọi mãi mới thấy một người đàn ông lực lưỡng dẫn con chó ra cổng. Vừa nghe ông hỏi tên tình nhân, anh ta quát lớn: "Mày là thằng nào mà đến đây hỏi vợ tao? Mày có cút đi không thì bảo?". Nói rồi, anh ta suỵt chó, ông cuống quít chạy, suýt nữa bị rách cả mông.
Chính vì vậy, thông tin vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm cùng sự yếu kém trong công tác quản lý là hai lỗ hổng về đạo đức cần lấp đầy trong khai thác, xử lý nguồn tin. Bên cạnh việc thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh hoạt động phóng viên theo đúng các nguyên tắc tác nghiệp, nguyên tắc báo chí vô sản đúng pháp luật, đúng các qui định về đạo đức, các ban biên tập cần phải hết sức tỉnh táo trong việc xem xét, chọn lựa, phát hiện ra những sai sót trong từng bản thảo tác phẩm báo chí để kịp thời thải loại, kiên quyết không sử dụng, không đăng phát. Cần quản lý chặt chẽ phóng viên thường trú, đặc biệt là quản lý quan hệ, quản lý thu nhập, quản lý công việc, không để cho họ lợi dụng danh nghĩa nhà báo, danh nghĩa cơ quan báo chí để đưa tin, viết bài trái quan điểm, trái tôn chỉ, mục đích, trái lương tâm nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Lê Văn Thiềng
Trưởng Ban Công tác hội - Hội Nhà báo Việt Nam
Cùng chuyên mục
Bình luận