Hệ quả của “nội dung nhanh” trên mạng xã hội với bạn trẻ
(Sóng trẻ) - Những nội dung nhanh trên mạng xã hội thường chỉ kéo dài từ 15-60 giây nhưng lại khiến giới trẻ tiêu tốn hàng giờ đồng hồ để “thưởng thức”.
“Mình chỉ định lướt clip để giải trí, mải mê một hồi đã thấy mất cả tiếng”
Đó là câu chuyện chung của nhiều bạn trẻ khi xem các clip có nội dung nhanh. Các nội dung này thường xuất hiện dưới hình thức clip Tiktok hoặc story, reels thuộc các nền tảng mạng xã hội. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội dung nhanh của bạn trẻ, các trang mạng xã hội đều đã cập nhật tính năng reels với nội dung được quay khổ dọc và độ dài dưới một phút.
Bạn Nguyễn Khánh Vy (sinh viên Học viện Tài chính) chia sẻ: “Mình thường xuyên lướt Tiktok để giải trí sau giờ học vì các nội dung trên đó mang tính giải trí cao và rất cuốn hút. Mình chọn xem Tiktok vì thời lượng các clip khá là ngắn nên mình nghĩ sẽ mất ít thời gian, nhưng mải mê một hồi đã mất cả tiếng”.
Câu chuyện của Khánh Vy cũng giống với rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Nhiều người chọn xem “nội dung nhanh” nhưng lại mất nhiều thời gian để tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Bạn Thu Hà (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) không phải là ngoại lệ.
“Mình chỉ định xem 2 - 3 clip để giải trí giữa giờ học, nhưng nhiều lần mình lướt đến hàng giờ đồng hồ. Có những công việc nếu tập trung thì chỉ mất một tiếng để xử lý, nhưng vì mình mải lướt Tiktok nên thành ra mất cả buổi”, Thu Hà chia sẻ
Lý giải cho tình trạng trên, chuyên gia tâm lý Uông Việt Hà cho biết: “Khi bắt gặp một clip ngắn mà chúng ta cảm thấy thích thú, cơ thể sẽ tiết ra một lượng dopamine khiến chúng ta cảm thấy hào hứng và có thêm động lực để xem tiếp các clip ngắn khác. Dopamine là loại hormon tạo nên cảm giác hứng khởi mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ hay đạt được một mục tiêu”.
Nội dung nhanh - hậu quả khó lường
Theo chuyên gia Uông Việt Hà, việc tiêu thụ các nội dung nhanh một cách mất kiểm soát có thể mang đến nhiều hệ quả khó lường. Với các thế hệ trước, việc thu thập thông tin qua sách báo, video dài... yêu cầu sự tập trung mới có thể nắm bắt được những thông tin cần thiết. Còn đối với giới trẻ hiện nay, do thói quen xem các clip ngắn nên khi dành thời gian cho một nội dung nào đó từ 3 phút trở lên, các bạn đã cảm thấy mất kiên nhẫn và không thể tập trung được.
Từ đó, khả năng đào sâu kiến thức cũng dần suy giảm. Bạn trẻ chỉ cần lướt clip trên mạng xã hội là đã có thể nắm bắt lượng thông tin khổng lồ. Tuy nhiên những kiến thức đó phần lớn là kiến thức bề mặt, không có sự đào sâu nghiên cứu hay hiểu rõ bản chất vấn đề. Từ đó dẫn đến tâm lý phụ thuộc, chỉ tìm đến nội dung nhanh để tìm kiếm thông tin chứ không qua các nguồn chính thống như sách, báo…
Bên cạnh đó, hành động này cũng góp phần dẫn đến sự hình thành một thế hệ với xu hướng “instant gratification” (thoả mãn tức thời): Thoả mãn tức thời ở đây là phải đạt được niềm vui và phần thưởng ngay lập tức. Việc tiếp cận thông tin quá dễ dàng sẽ hình thành nên một thế hệ muốn gì là phải có ngay lập tức, kể cả trong việc đạt những thành tựu, trong khi thực tế là mọi phần thưởng và kết quả đều cần trải qua quá trình học hỏi, rèn luyện và tích luỹ thì mới đạt được.
Đặc biệt, điều này còn làm tăng nguy cơ trầm cảm và các dạng rối loạn lo âu. Trên mạng xã hội có rất nhiều nội dung không lành mạnh khiến người xem lo lắng, sợ hãi, hoặc so sánh mình với người khác, từ đó dẫn đến mặc cảm, chưa kể những bình luận độc hại. Nếu bắt gặp những tin như vậy trong nhiều tháng, tức là các bạn đang nạp vào những nội dung bào mòn tâm trí của mình.
Chính vì vậy, việc tiêu thụ nội dung nhanh một cách lành mạnh là vô cùng cần thiết. Chuyên gia Uông Việt Hà cho lời khuyên: “Người trẻ chỉ nên dành 1-2 tiếng mỗi ngày cho các nội dung nhanh. Thời gian còn lại nên dành cho các hoạt động như thể thao, hít thở không khí trong lành, đọc sách… Ngoài ra, các bạn cũng cần biết chọn lọc thông tin, biết phân biệt đâu là những nội dung lành mạnh và đâu là những nội dung độc hại”.