Hiểu biết thêm về Hà Nội thời cận đại qua tọa đàm “Tiếng nói của tư liệu: Hà Nội thời cận đại từ góc nhìn hôm nay”
(Sóng trẻ) – Sáng ngày 11/10, tại Thư viện Quốc Gia Việt Nam (Tràng Thi, Hà Nội), Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã kết hợp cùng tổ chức buổi tọa đàm “Tiếng nói của tư liệu: Hà Nội thời cận đại từ góc nhìn hôm nay”.
Buổi tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Triển lãm sách Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô tập trung thảo luận, gợi mở về những vấn đề xoay quanh cuốn sách “Hà Nội thời cận đại – Từ nhượng địa đến thành phố (1873 – 1945) mới phát hành của TS. Đào Thị Diến. Đặc biệt, buổi trò chuyện còn có sự góp mặt của 3 diễn giả khách mời là nhà báo Trần Trung Chính (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng); nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cùng nhà phê bình Mai Anh Tuấn.
Trong không khí sôi nổi của buổi tọa đàm, các diễn giả không chỉ cùng nhau nói về cuốn sách mà còn bàn luận về một số chủ đề tiêu biểu như: vai trò của tư liệu Hà Nội thời cận đại đối với công tác quy hoạch, xây dựng đô thị hiện nay; cách sử dụng tư liệu cận đại trong việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa nghệ thuật; đồng thời, đặt ra câu hỏi liệu rằng những tư liệu về Hà Nội thời cận đại có được coi là một di sản và nếu có thì cần phải khai thác chúng ra sao.
Mở đầu cho cuộc trò chuyện bằng định nghĩa của “nhượng địa”, nhà báo Trần Trung Chính cho rằng mọi sự thay đổi, quy hoạch cũng như phát triển của đô thị Hà Nội sau này đều bắt đầu từ khái niệm ấy. Từ “nhượng địa” (la concession) xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc vào năm 1874, trong hiệp ước về việc Pháp thỏa thuận rút quân khỏi Hà Nội, trong đó điều 9 của hiệp ước quy định chính phủ An Nam sẽ nhường một khoảng đất có diện tích 2,5ha cho thương nhân Pháp đến mở cơ sở sau khi ký hiệp ước. Tuy nhiên sau đó Pháp làm đủ mọi cách để bành trướng, khu nhượng địa từ 2,5ha tăng lên thành 18ha – con số đủ điều kiện để thực dân Pháp thực hiện xây dựng thuộc địa. Ở thời kỳ này, qua những tư liệu Hà Nội thời cận đại cho thấy, thực dân Pháp có xu hướng quy hoạch và phát triển Hà Nội theo hướng Đông, dẫn tới sau này từ những năm 90 đổ đi, chính quyền nước ta phải quy hoạch thủ đô về hướng Tây.
Chỉ bằng một lát cắt nhỏ, vai trò của tư liệu cận đại đối với sự phát triển, xây dựng đô thị đã được biểu hiện rất rõ ràng, các diễn giả khẳng định, những tư liệu Hà Nội cận đại không chỉ cung cấp thông tin lịch sử mà còn định hình được các nguyên tắc quy hoạch để từ đó các nhà quy hoạch có thể nắm bắt và áp dụng vào thực tiễn hiện đại. Những tư liệu ấy vừa giúp tối ưu hóa quy trình quy hoạch đô thị, vừa chỉ ra những sai phạm để thế hệ sau rút ra kinh nghiệm, tránh lặp lại sai lầm.
Tiếp tục buổi tọa đàm, nhà phê bình Mai Anh Tuấn đã đưa ra ý kiến của mình về việc áp dụng tư liệu thời kỳ cận đại vào việc sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Theo anh, các tác giả khi sáng tạo nghệ thuật phải có sự tưởng tượng, tuy nhiên sự tưởng tượng đó cần có điểm tựa là những tư liệu có thật, nếu không sự tưởng tượng ấy sẽ gây nên hiểu nhầm, sai sót về lịch sử, về quá khứ, từ đó dẫn tới những kết quả không hay.
Kết thúc buổi tọa đàm, các khách mời đã ra câu hỏi: những tư liệu về Hà Nội thời cận đại có được coi là một di sản hay không? Và nếu có thì cần phải khai thác chúng như thế nào. Để trả lời cho câu hỏi này, nhà báo Nguyễn Trương Quý khẳng định tư liệu cận đại có thể được coi là một di sản vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi nó có vai trò to lớn trong việc giúp các nhà nghiên cứu xác định được cơ sở vận hành xã hội ở thời kỳ đó. Tuy nhiên, ông cũng cho biết hiện nay, tư duy tiếp cận của mọi người về tư liệu thời cận đại chưa đầy đủ và sâu sắc. Điều này đã khiến cho đối với một bộ phận người thì những tư liệu ở thời kì này chưa thực sự được đề cao bằng những di tích, di sản có niên đại cao hơn.
Buổi tọa đàm cùng sự tham gia cùng các khách mời đã phân tích, làm rõ hơn về tầm quan trọng của tư liệu Hà Nội thời kì cận đại đối với nhiều mặt khác nhau của xã hội hiện đại ngày nay, từ đó đem tới một hướng tiếp cận lịch sử mới về giai đoạn bản lề trong việc định hình nên diện mạo của mảnh đất nghìn năm văn hiến sau này.