Hình tượng Gà sống cùng Văn hóa dân tộc (Phần 1)

(Sóng Trẻ) - Phần 1: Hình tượng Gà trong kiến trúc và đồ thủ công mỹ nghệ: Nài ý nghĩa tả thực Gà được chạm khắc, tạo tác trên các công trình kiến trúc, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ sinh hoạt gia đình... Gà trở thành hình tượng thân thuộc, gần gũi với đời sống con người Việt Nam từ bậc vua chúa đến giới thường dân xuyên suốt tiến trình văn hóa dân tộc.

Văn hóa tiền sử và Văn hóa Văn Lang – Âu Lạc (từ cổ đại đến khoảng năm 208 TCN)

Tại Hang Con Moong (Thanh Hóa) từ lớp 1 đến lớp 6 (độ sâu 1-6 m), các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể - trong đó có xương gà rừng. Hang Con Moong có niên đại từ 40.000- 60.000 năm trước, có địa tầng dày trung bình 9,5 m với 10 lớp có cấu trúc khác nhau và trải qua các giai đoạn của tiến trình văn hóa như trước Sơn Vi, Sơn Vi, Hòa Bình - Bắc Sơn và Đa Bút (hậu thời đại đá cũ và thời đại đá mới).

Đến văn hóa Phùng Nguyên (thời đại đồng đá), con người mới bắt đầu nuôi gà, trong khi chó và lợn đã được nuôi trong thời đại đá mới. Ở di chỉ Xóm Rền (Phú Thọ) phát hiện tượng đầu gà bằng đất nung với hình dáng nhỏ – được xem là tượng gà sớm nhất của Việt Nam. 

Đến văn hóa Đồng Đậu và Gò Mun (thời đại đồ đồng) tìm thấy một số tượng gà đất nung tại di tích Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) và di tích Thành Dền (Mê Linh). Đặc biệt, tại di tích Đồng Đậu gồm: 1 tượng hình gà trống cao 2,5 cm, bị mất phần mào và mỏ, cổ dài vươn cao như đang gáy, thân hình đẩy đà, sống lưng gồ cao, đuôi tròn to dày và cụp xuống, chân là một khối tròn như cái đế. 1 tượng hình gà mái cao 3,7 cm, có thân hình mảnh mai, đuôi vễnh cao như đuôi chim, cổ tương đối ngắn. 

Văn hóa Đông Sơn (thời đại đồ sắt) với nhà nước Văn Lang trải qua 18 đời vua Hùng và vương quốc Âu Lạc của An Dương Vương để lại những dấu tích đậm nét về hình tượng Gà trên hoa văn trống đồng, thạp đồng, tượng đồng. Tại di tích Gò Chùa Thông (Thanh Trì) phát hiện một tượng gà bị gãy mất phần thân, chỉ còn phần đầu và cổ. Đầu gà được mô tả khá rõ nét: mắt lồi hình bán cầu, có mào hơi nhỏ, cổ dài mỏ nhọn. Mặt cắt ngang cổ gà có hình thấu kính. Tại di tích Vinh Quang (Hoài Đức) phát hiện một tượng gà bằng đồng được đúc bằng khuôn một mang (khuôn hở).Gà có một bên thân phẳng, một bên thân có sống nổi ở giữa. Gà có mắt, mỏ và mào. Chân gà được miêu tả là một đoạn thẳng gần như vuông góc với thân. Đuôi gà xòe rộng gồm 3 đoạn thẳng song song với nhau (di tích Vinh Quang)

b5dd1884a_ga_van_hoa_dong_son.jpg
Gà trên thân thạp đồng Hợp Minh (trên cùng), gà trên mặt trống đồng Hoàng Hạ (bên trái), tượng gà bằng đồng (bên phải) đều thuộc văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đại Việt (từ năm 938 – năm 1802)

Thời Lý – Trần – Lê, hình tượng Gà được vẽ trên các sản phẩm gốm phong phú các nước men như men trắng, men nâu, men đỏ, men rạn… Nổi bật nhất là hình tượng gà trong gốm Chu Đậu (Hải Dương) trong lần trục vớt thuyền đắm cổ ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam)

b5dd1884a_ga_chu_dau.jpg
Đồ gốm Chu Đậu có hình gà được tìm thấy trên tàu đắm cổ (Cù Lao Chàm)

Chiếc lọ có tượng gà ấp con, ấp trứng với chi tiết trang trí chân gà như đang khuỵ xuống ép sát vào thân. Gà gần như đầy đủ bộ phận và phần miệng gà có một lỗ tròn nhỏ, phía trên lưng gà có gắn một hũ nhỏ, vành miệng loe. Đây là một chiếc ấm, chất lỏng sẽ được đổ vào chiếc lọ nhỏ trên lưng gà và được rót ra từ miệng gà (ảnh bên phải phía trên cùng).

Chiếc hũ hai đầu gà là loại hũ trung với chiều cao khoảng 10cm với hai đầu gà nhỏ và đuôi nhỏ gắn song song đối xứng ở phía trên gần miệng hủ. Thân hũ là cánh gà hình elip với những hình sóng mép vỏ sò và chấm tròn nhỏ trang trí bên trong, phía bên dưới là những nét chấm phá cách điệu thể hiện lông gà và dưới cùng là chân gà (ảnh bên phải phía dưới cùng). 

Chiếc ấm vẽ bằng men tam thái (ba màu đỏ, lam, lục) với một con gà đứng, đầu gà có một lỗ tròn để rót chất lỏng vào, thân giữa phình to và thon dần về phía đáy. Mỏ gà hơi cong và mào gà khá nhỏ - có lẽ đây là gà mái (ảnh bên trái)

b5dd1884a_ga_dia_chu_dau.jpg
Hai đĩa có hình vẽ gà

Hai đĩa thể hiện hình ảnh gà kiếm mồi và tham gia trò chọi gà – thân thuộc với cuộc sống ta vẫn thường thấy. Đây đều là hai đĩa quý hiếm với vành miệng đĩa có chia thuỳ và được vẽ bằng men tam thái, vành đĩa trang trí dãi cánh hoa sen cách điệu. 

Chiếc đĩa thứ nhất có đường kính khoảng 15cm, là một chiếc đĩa nhỏ với con gà cần mẫn kiếm mồi cạnh nét vẽ cách điệu của nhánh tre trúc (ảnh bên trái). Chiếc đĩa thứ hai có đường kính khoảng 24cm với hai con gà trống chọi nhau trong khí thế quyết liệt, khỏe khoắn bên cạnh nét vẽ cây tùng tượng trưng cho người quân tử. Đây là trò chơi phổ biến của nhân dân ta từ nông dân tới vua chúa, vừa là tiêu khiển, vừa là thể hiện khí phách và khuyến khích nền nông nghiệp vững mạnh (ảnh bên phải).

Văn hóa Đại Nam (từ năm 1802 – năm 1858)

Đến thời Nguyễn, hình ảnh Gà xuất hiện trong kiến trúc cung đình Huế với nhiều ý nghĩa thực đan xen hình tượng: Gà như chiếc đồng hồ báo thức nhắc nhở đại diện cho vòng tuần hoàn thời gian, ánh sáng sẽ xua tan bóng tối. Gà cũng là đại diện cho khí tiết người quân tử với nhiều phẩm chất quý giá.

b5dd1884a_ga_hue.jpg
Gà đúc nổi trên Chương Đỉnh với bố cục hài hòa, nổi bật hình tượng gà uy dũng, uyển chuyển trong không gian hoa lá cành đại diện cho sức sống của thiên nhiên.

Trong khuôn viên Đại Nội còn có hình gà đắp nổi, tô màu ngay trước cổng Hưng Miếu. Tại điện Ngưng Hy (Lăng Đồng Khánh) lại có đôi gà trống mái trên nền men nâu dung dị mà sống động. 

Văn hóa Việt Nam hiện đại

Sang thời hiện đại, do ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây và quan niệm tâm linh của phương Đông, các công trình kiến trúc và thiết kế phong thủy đều có một phần liên quan đến hình tượng Gà. Một số nhà thờ vẫn được xây theo lối kiến trúc có cột thu lôi gắn tượng con gà làm bằng hợp kim để xác định hướng gió hoặc tượng gà lớn gắn trên tháp chuông dựa trên sự tích trong Kinh thánh răn dạy con người sống chân thật và đề phòng dối trá. 

b5dd1884a_da_nang.jpg
Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng với kiến trúc độc đáo

Dùng tượng gà, chùm đèn có hình gà… trong gia đình là hợp với phong thủy. Theo quan niệm ngũ hành, gà là thuộc hành Kim nên bài trí ở hướng Tây của căn phòng và đặt ở hướng Nam để thu hút may mắn. Bài trí gà trống trong phòng ăn để bảo vệ gia đình khỏi năng lượng không tốt từ ống thoát khí bởi các ống này giống hình dáng con rắn biểu tượng cho điềm xấu. Đặt hình tượng gà trống trước cửa nhà có thể ngăn chặn được sự không chung thủy của người bạn đời. Trong kinh doanh, bài trí gà trống ở khu vực đối diện với các dãy phòng để ngăn chặn sự bất đồng. Gà trống với tư thế vương giả phù hợp cho các nhà lãnh đạo. Chất liệu gà trống linh hoạt với ước vọng mà gia chủ hướng tới: chất liệu đồng để chấn hưng sự sống, thu hút sinh khí và chất liệu sứ là vật hóa sát. Lưu ý không sử dụng chất liệu cao su vì không có linh khí.

cfcc1353e_ga_trong_phong_thuy.jpg
Tượng gà bằng đồng được dùng nhiều trong kiến trúc nhà ở với ý nghĩa phong thủy

Với tiến trình văn hóa rộng dài, đa dạng và đặc trưng, hình tượng Gà trong các công trình kiến trúc, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ dùng sinh hoạt… vẫn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống nhân dân với nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau – tất cả đều dựa trên đặc tính của loài gà và những giá trị tượng trưng vô cùng thú vị mang sắc thái dân tộc.

Đỗ Diễm Hằng Minh
Báo in K35A1



Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN