Hầu đồng 'làm giàu' đời sống tín ngưỡng người Việt

(Sóng trẻ) - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trong đó có nghi lễ hầu đồng là nét văn hóa tâm linh đặc sắc, trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Hầu đồng hay còn gọi là hầu bóng, là một nghi thức trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ. Đây là một nét văn hóa tâm linh, một tín ngưỡng dân gian có lịch sử lâu đời của người Việt, được biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu là nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước. Người Việt tin rằng Mẫu là mẹ của mọi người nên luôn che chở phù hộ độ trì cho con người gặp nhiều thuận lợi, có sức mạnh và niềm tin để vượt qua tai ương, đem đến cuộc sống bình yên, sung túc.

Giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ nằm ở tập quán, tục thờ Nữ thần. Những nhân vật nữ được tôn thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là các nhân vật trong truyền thuyết, lịch sử, được cộng đồng sáng tạo và trao truyền qua nhiều thế hệ; thể hiện quan điểm về ứng xử giữa con người với con người, con người và thiên nhiên, trong đó đề cao vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong gia đình. 

1.jpg
Sự kết hợp của Chầu văn trong Hầu đồng khiến văn hóa này trở nên ấn tượng. (Ảnh: Minh Trang)

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một nghệ thuật trình diễn tổng hợp có âm nhạc, lời hát, điệu múa, trang phục, có các đạo cụ, lề lối trong trình diễn cùng những thực hành văn hóa như ăn trầu, uống rượu, dâng hương, phát lộc hoặc lắng nghe lời thỉnh cầu, giao tiếp với cộng đồng,… Tất cả những yếu tố đó được hội nhập, tích hợp và sáng tạo để tạo thành giá trị văn hóa đặc sắc – Lên Đồng (Hầu Đồng).

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng là nghi lễ chính mang tính nghệ thuật sân khấu. Những người lên đồng hóa thân thành các vị Thánh Mẫu, thể hiện sắc diện và động thái đặc trưng trong không gian văn hóa linh thiêng. Đặc biệt, tiết mục diễn xướng nghi lễ Chầu văn của thờ Mẫu là một hình thức sân khấu tâm linh, là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc,…

Giá trị văn hóa của nghệ thuật này còn thể hiện qua yếu tố điêu khắc, hội họa, trang trí, thêu may trong điện thờ, trang phục và đồ lễ. Trang phục trong nghi thức hầu đồng thường rực rỡ và đa dạng, với những bộ áo dài hoa văn tinh xảo, những chiếc mũ cao cách điệu và chi tiết trang sức lấp lánh. Mỗi loại trang phục lại mang một ý nghĩa riêng, từ việc biểu hiện vai trò của từng linh hồn trong buổi lễ cho đến việc diễn tả các khía cạnh của cuộc sống con người.

2.jpg
Trang phục hầu đồng được may tinh xảo và bắt mắt. (Ảnh: Khánh Ly)

Giá trị văn hóa của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc trình diễn với thể hiện quy tắc ứng xử trong văn hóa tâm linh. Các bước thực hành nghi thức như một vở kịch có lớp lang, được trình diễn theo thứ tự bởi ý niệm, bởi sự thay đổi trong âm nhạc, ca từ, nghi lễ, khăn áo, đạo cụ và cách thức trình diễn.

Trong quá trình hầu đồng, thanh đồng thực hiện những nghi thức, hành động diễn tả lại các điển tích, công trạng của các Mẫu, đức Thánh. Bên cạnh đó còn có hoạt động thưởng thức trà, rượu, thuốc, tranh, nhạc, thơ phú, hát xướng, lời khen nịnh của con nhang đệ tử, thân bằng quyến thuộc. Trong mỗi vấn hầu đồng, thanh đồng nếu hợp căn hợp cốt với vị Thánh nào thì đến giá của Thánh đó sẽ thường được Thánh nhập (phủ).

Thanh đồng Nguyễn Hải Thanh (54 tuổi) chia sẻ: “Một thời, tín ngưỡng này bị xem là mê tín dị đoan nên cấm tiệt, người theo Mẫu chính cũng có, tà cũng đầy, lũ lượt ra trình đồng, mở phủ. Thế nhưng đấy chỉ là một số ít thành phần 'con sâu làm rầu nồi canh'. Cốt lõi của văn hóa hầu đồng mang mục đích hướng thiện, răn dạy đạo đức con người hướng tới những điều tốt đẹp”.

3.jpg
Hầu đồng là hoạt động văn hóa được nhà nước công nhận. (Ảnh: Khánh Ly)

“Hầu đồng là văn hóa tín ngưỡng được thế giới công nhận, những hoạt động liên quan đến tín ngưỡng hầu đồng đều phải được nhà nước cấp phép và dưới sự quản lý của các bộ, ban ngành, các cơ quan văn hóa chứ không thể là hoạt động tự phát”, thanh đồng cho biết thêm. 

Chị Chu Thảo My (Đống Đa, Hà Nội), một khán giả trung thành của nghi lễ chia sẻ: “Mình thường xuyên có dịp được theo dõi các vấn hầu và nhận ra đây không chỉ là một nét văn hóa tín ngưỡng mà qua đó còn thể hiện quan niệm về lịch sử và bản sắc dân tộc của Người Việt. Thông qua việc kết hợp các yếu tố dân gian, thực hành thờ Mẫu Tam Phủ như một 'bảo tàng sống' lưu giữ di sản và bản sắc văn hóa của người Việt”.

Năm 2016, Hầu đồng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể với tên gọi chính thức “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Đây chính là "quả ngọt" cho những sáng tạo văn hóa của cộng đồng đã không ngừng được tiếp nối và bảo vệ, giữ gìn. Nét văn hoá này vẫn tiếp tục được khẳng định và phát triển, trở thành một tín ngưỡng lành mạnh, một chỗ dựa tâm linh của người Việt.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN