Biểu diễn Chèo xưa: Đơn giản từ trong cách tổ chức
(Sóng trẻ) - Chèo được biết tới như một trong những loại hình văn hoá dân gian đặc sắc của Việt Nam, gần gũi với đời sống tinh thần của những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Cũng bởi thế, một buổi biểu diễn Chèo xưa hay Chèo Sân đình luôn đơn giản trong cách thức tổ chức, có sự kết nối rất gần giữa những nghệ nhân và người thưởng Chèo.
Đó chính là chủ đề của buổi Talkshow do Tôi xê dịch tổ chức vào ngày 30/11 tại Manzi Art Space (số 24, Phan Huy Ích, Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội) nhằm gây quỹ cho tour biểu diễn “Tiếng trống Chèo” tới các vùng miền của đất nước. Tham dự buổi nói chuyện có Chị Nguyễn Thị Thu Hà – người sáng lập Tôi xê dịch, các thành viên, cộng tác viên của Tôi xê dịch và đông đảo các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật Chèo truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ tại buổi Talkshow
Chia sẻ với khán giả, chị Hà cho biết việc tìm kiếm các tài liệu liên quan tới loại hình nghệ thuật này gặp nhiều khó khăn, ngay đến các luận án Thạc sỹ, Tiến Sỹ cũng không có thông tin về Chèo. Trong khả năng của mình, chị Hà cùng các thành viên của Tôi xê dịch đã tổ chức các hoạt động với mong muốn mang đến cho các nghệ nhân Chèo ngày càng nhiều hơn nữa cơ hội được biểu diễn trên những sân khấu truyền thống dành cho nghệ thuật Chèo; đáp ứng những mong mỏi, nguyện vọng của các ông, các bà, các mẹ, của những người yêu thích Chèo và đồng thời gìn giữ những giá trị tinh thần vô giá của loại hình nghệ thuật này.
Mọi hoạt động tổ chức buổi biểu diễn Chèo được gói gọn trong một tính từ miêu tả: đơn giản. Sân khấu Chèo Sân đình không yêu cầu những sàn gỗ, ánh sáng màu sắc, dàn âm thanh, loa đài. Một sân khấu Chèo truyền thống chỉ cần tới một chiếc chiếu rộng khổ, đèn dầu, các loại nhạc cụ thô sơ. Trong Chèo, một cây chèo thuyền cũng khiến người xem cảm nhận có chiếc thuyền đang trôi trên mặt nước; một chiếc quạt vừa là ống tay áo che mặt, cũng có khi là cuốn sách; một chiếc mõ và chú tiểu cũng dựng nên cảnh chùa… Chính vì thế, tính ước lệ, tượng trưng trong Chèo cũng góp phần làm giảm “gánh nặng” cho công tác và chi phí chuẩn bị.
Đông đảo bạn trẻ tới tham dự
Nhân lực được huy động cho một buổi biểu diễn Chèo cũng không cần nhiều. Trong Chèo, có năm nhân vật chính là Đào, Kép, Lão, Mụ, Hề. Các nhân vật đều tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cho buổi biểu diễn. Trong phần mở đầu, hai Hề áo ngắn và Hề áo dài sẽ ra trước và làm nhiệm vụ “Dẹp đám”, tiếp đó tất cả các nghệ nhân sẽ ra và hát những câu nài tích. Việc làm đó còn giúp họ làm nhiệm vụ “khai thanh” để lấy giọng chuẩn khi hát chính thức. “Lão” thường là ông Trùm – người quản lý toàn bộ đoàn, hay bác Thơ – người thuộc hết các tích Chèo đóng vai trò như một “MC”, sẽ ra nói lời giới thiệu đồng thời để thông báo với bà con là ở đây đang có Chèo, kêu gọi sự chú ý của mọi người. Và người lo chuẩn bị các dụng cụ trên sân khấu chính là các Hề mồi và Hề gậy.
Tranh vẻ toàn cảnh sân khấu Chèo sân đình
Một đặc điểm nổi bật khác mà cách thức tổ chức trong Chèo sân đình mang lại đó là nó giúp tạo ra tính tương tác cao và sự gần gũi giữa các nghệ nhân và người xem. Người xem sẽ ngồi kín ba mặt của sân khấu. Họ được nói đế theo lời của người nghệ nhân. Nài sự đánh giá của người cầm Chầu bằng cách cắc thưởng vào trống, mỗi cắc là một lần đánh giá người nghệ nhân diễn hay, hoặc cắc liên tục chứng tỏ người diễn không tốt, thì những người xem khác cũng được tham gia vào quá trình đánh giá trực tiếp những người đang biểu diễn.
Bên cạnh những chia sẻ tâm huyết của người sáng lập dự án Tôi xê dịch còn có những câu hỏi, đóng góp của những người tham dự buổi Talkshow liên quan tới những nhân vật trong Chèo, các loại nhạc cụ được sử dụng, việc diễn Chèo trong sân khấu hộp… Điều đó cho thấy diễn Chèo vẫn nhận được sự quan tâm từ công chúng.
Với mong muốn gìn giữ và phát huy những giá trị nguyên bản của Chèo xưa, Tôi xê dịch với dự án “Tiếng trống Chèo” vẫn đang nỗ lực dựng lại những buổi biểu diễn mang không khí ngày xưa, phục vụ nhiều công chúng ở các vùng quê Việt Nam… Tất cả đều vì một nghệ thuật biểu diễn truyền thống dân dã nhưng cũng rất độc đáo – Chèo Sân đình.
Lê Loan
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận