Hồi ức về một người thầy lớn của báo chí Cách mạng Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ngày thật dài. Cơn mưa rớt đâu đó đã đem đến những đợt không khí mát mẻ và dễ chịu trên thành phố. Trong cái thời tiết oi ả của buổi sáng thứ sáu, có điều gì đó đến một cách đột ngột và bàng hoàng. Sự buồn tẻ thật khủng khiếp. Bạn bè bây giờ mỗi đứa mỗi nơi. Nhưng trong giây phút này, trước sự ra đi quá bất ngờ của nhà báo lão thành Hữu Thọ, dù muốn nói một điều gì những rồi không thể nói. Ngôn ngữ bỗng trở nên sáo rỗng vô vị. Những sách vở, bàn phím không với tôi. Những hụt hẫng, đau đớn, quặn thắt. Tôi chỉ muốn nhớ lại.
Đó là một buổi tối hạnh ngộ đầy xúc động kỉ niệm 86 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2011) trong chương trình “Thắp sáng ước mơ nghề báo lần thứ I” được tổ chức tại Hội trường lớn Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa đến một sự tương tác và giao lưu giữa sinh viên báo chí với với thế hệ nhà báo đi trước. Nghe vậy, ai cũng hăm hở, khuôn mặt tươi vui, nào sách, nào bút đem theo may chăng học “lỏm” để sau mà “sáng nghề”.
Nhà báo Hữu Thọ và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trò chuyện cùng sinh viên.
Tôi ngồi ở phía dưới với đám bạn, trong lòng rạo rực một niềm vui phấn chấn. Có tiếng ai đó khẽ reo lên: “Ồ, đúng là nhà bão Hữu Thọ rồi. Lại có cả nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nữa. Hôm nay, lại được một bữa no kinh nghiệm nghề, một lưng kiến thức, tha hồ mà vẫy vùng tứ xứ”. Cả hội trường bỗng ồ lên khi cô MC xinh xắn lần lượt giới thiệu: Đến dự với buổi giao lưu với chúng ta hôm nay có sự góp mặt của hai nhà báo uy tín và kì cựu trong làng báo Việt Nam: nhà báo Hữu Thọ và cây phóng sự Đỗ Doãn Hoàng với chủ đề chính: “Nghề báo và dấu mốc thế hệ” và “Nghề báo và người trẻ”.
Nhà báo Hữu Thọ tuổi 80, mái tóc bạc như mây, vầng trán rộng, nom ông còn khỏe lắm. Đối với lớp thế hệ chúng tôi, cả hai nhà báo đã trở thành một “biểu tượng báo chí” mà dường như cái bóng của họ đã chiếm chọn một phần đời sống báo chí hôm nay. Nhưng đến tận bây giờ, cuộc gặp gỡ hôm ấy, cùng những chia sẻ kinh nghiệm, những câu chuyện vui thú vị dọc đường tác nghiệp, kèm theo lời khuyên chân thành của họ dành cho sinh viên chúng tôi vẫn luôn được đem theo trong mỗi bước đường nghề nghiệp.
Nhà báo Hữu Thọ tuổi cao nhưng giọng đầy hảo sảng kể chuyện nghiệp nghề, cứ y như ông đang hừng hực tuổi hai mươi dọc đường đi tác nghiệp. Ông nói chuyện hay lắm, rành rọt lắm, câu nào câu nấy cũng thấm đến từng nỗi niềm nghề nghiệp, canh cánh vận nước.
Tôi còn nhớ như in câu nói của ông - rằng, nghề báo là một nghề thực sự, ai cũng có thể thích thú nhưng không phải ai cũng làm được vì nó là nghề của năng khiếu. Năng khiếu đầu tiên của một nhà báo đó là phải thích thú và say mê với cái mới, thích bàn luận về các vấn đề. Người nào tìm sự nhàn hạ trong nghề nghiệp thì xin đừng làm báo. Nếu tìm đến với nghề báo vì thích nổi tiếng hay kiếm được nhiều tiền thì bạn không có cơ hội trở thành nhà báo thực sự. Bạn sẽ bị đào thải.
Mỗi khi được đánh giá về sinh viên, ông đều ân cần đưa ra những lời khuyên chí tình, chí lí mà không bao giờ làm khó người nghe. Đối với tôi, ông như một nhà “sư phạm báo chí kiểu mẫu”, dẫu chưa một ngày tôi được học. “Ngày càng có nhiều em sinh viên xuất sắc. Tuy nhiên các em có quá nhiều vấn đề cần quan tâm nên phân tán lòng yêu nghề báo của các em. Muốn thành công trong nghề các em cần định hướng rõ ràng, phải biết mình có năng lực gì. Phải yêu nghề và hiểu rõ năng lực bản thân. Các em hãy tập nhìn bằng con mắt của người cận thị - nhìn gần nhưng rõ ràng và chắc chắn…”. Đấy, ông ân cần dạy bảo các thế hệ “nhà báo” con cháu tỉ mỉ, chi tiết như chăm chút cho một sự nghiệp “mầm non báo chí” đến độ ấy kia mà.
Không phải vì ông là Chủ nhiệm Khoa báo chí Trường tôi mà tôi khéo đưa đẩy câu chuyện. Nhưng đúng là bất kể ai gặp nhà báo Hữu Thọ cũng phải thầm thán phục, bởi tính cách cởi mở, chân thành, thẳng thắn, am tường như một nhà hiền triết cổ kim. Ông đặt các bút danh: Chính Nhân, Nhân Nghĩa, Nhân Tâm, Người hay cãi…đâu có phải ông cãi vì ông mà ông cãi vì lợi ích chung, cho nhân nghĩa cuộc đời.
Qủa thật, với những cống hiến, nỗ lực và sự làm việc quên mình, tận tình vì một nền báo chí chân chính, nhà báo Hữu Thọ đã quá nổi tiếng trước giới truyền thông. Những ngày kỉ niệm hay trước một vấn đề thời sự lớn của đất nước giới báo chí, truyền hình lại mời ông “lên sóng”. Thế nhưng, hôm ấy, có được nghe ông nói chuyện, mới thấy hết thế nào là một “cây bút sắc sảo trong làng báo chí cách mạng Việt Nam”. Ông bình dị lắm, đôi khi gần gũi và thân thiết. Những câu chuyện về quá trình làm báo trong chiến tranh mà ông chia khiến sinh viên báo chí vô cùng xúc động, thích thú và hào hứng.
Đến “Phiên phỏng vấn giả định” với nhân vật được phỏng vấn là nhà báo Hữu Thọ và Đỗ Doãn Hoàng và người phỏng vấn chính là các bạn sinh viên đã khiến không khí chương trình trở nên sôi động. Nhiều sinh viên đã thể hiện được khả năng phỏng vấn và năng khiếu làm báo với các câu hỏi vô cùng thú vị. Một bạn sinh hỏi: “Thưa nhà báo Hữu Thọ, ông có rất nhiều quan điểm khác nhau về nghề báo, nhưng trong đó cháu ấn tượng nhất với câu nói “Khi trong lòng còn hồ nghi thì ngòi bút nên do dự”. Vậy cháu nên hiểu chữ “hồ nghi” ấy như thế nào ạ ?. Nhà báo Hữu Thọ bảo, “Hồ nghi” có nghĩa khi đứng trước một vấn đề mà mình chưa rõ, chưa tường tận thì mình chớ dại mà viết. Hoặc, nếu anh có 10 phần tư liệu thì anh cũng chỉ nên “tung” ra 3 phần thôi, còn 7 phần thì cất đi phòng khi gặp nạn…”
Hôm ấy, tôi không chỉ được lắng nghe ý kiến của các nhà báo lão làng, mà còn được chia sẻ những kinh nghiệm từ chính các bạn đồng môn sớm rèn nghề và có thành tích tốt. Những khó khăn trong quá trình tác nghiệp, những vấp váp đầu tiên mắc phải đều được chia sẻ rất chân thành để cùng nhau rút kinh nghiệm, cùng nhau có được nhiều tác phẩm tốt hơn đáp ứng được yêu cầu mà xã hội đòi hỏi ở báo chí.
Mới đó, chương trình giao lưu đã đi qua một chặng đường hơn 4 năm. Giờ đây, nhà bão Hữu Thọ đã mãi mãi đi xa. Rồi đây trên con đường tôi đã chọn sẽ phải trải qua những khó khăn, gian khổ nhưng tin rằng qua những lời dạy dỗ của ông, sẽ tiếp thêm cho tôi sức mạnh để vững tin vào tương tai phía trước. Xin nhắc lại một câu nói nổi tiếng để thể hiện quyết tâm của những nhà báo trẻ tương lai: “Sống trong nhung lụa chỉ sinh ra âm mưu. Muốn sinh ra bản lĩnh phải đổ mồ hôi, nước mắt”.
Nhớ nhà báo Hữu Thọ, tôi luôn nhớ về những bài học sâu sắc, yêu mãi tấm lòng vì nhân dân của ông, yêu quý những bài báo, những tiểu phẩm nhỏ của ông đã viết. Vĩnh biệt nhà báo Hữu Thọ, nhà báo của nhân dân, nhà báo “hay cãi” vì nhân nghĩa cuộc đời!
Hồ Phương Phúc
K29A1
Cùng chuyên mục
Bình luận