Làng lụa Vạn Phúc - cái nôi gấm lụa

(Sóng trẻ) - Nghề dệt lụa tơ tằm ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng gần xa bởi nét đẹp tinh xảo trên vải, hoa văn đa dạng, sặc sỡ sắc màu.

Nghề dệt lụa tơ tằm ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng gần xa bởi nét đẹp tinh xảo trên vải, hoa văn đa dạng, sặc sỡ sắc màu. Trải qua nhiều thế hệ, cho tới nay, nơi đây vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và phát triển theo xu hướng hiện đại trong ngành dệt. 

Gìn giữ văn hóa, chất liệu làng nghề

Không quá nổi bật như những khu đô thị đắt đỏ ở trung tâm hay giản dị như những vùng quê nông thôn, làng lụa Vạn Phúc lại mang một vẻ đẹp dung hòa giữa hiện đại và mang nhiều màu sắc truyền thống của văn hóa Việt Nam. Tới đây, du khách sẽ được nhìn ngắm những biểu tượng của một thời vàng son như cây đa, giếng nước, sân đình và những phiên chợ của làng nghề có tuổi đời hơn 1000 năm. 

Cổng làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội (Ảnh: Hà Trang).
Cổng làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội (Ảnh: Hà Trang).

Lụa Vạn Phúc luôn được đánh giá là đẹp và bền. Chất liệu chủ yếu là tơ tằm nhưng để phong phú hơn thì người thợ kết hợp với nhiều chất liệu vải khác để cho ra các dòng sản phẩm mới, có sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Hơn nữa, họ còn sáng tạo thêm hàng trăm kiểu mẫu khác như khăn quàng, túi, chăn, nón, áo dài,… với đa dạng mẫu mã cho du khách lựa chọn.

Đặc biệt nhất trong số các loại lụa là lụa Vân, loại lụa này có hoa nổi thì bóng mịn trên mặt lụa, hoa chìm thì chỉ thấy khi ra ánh sáng. Nét đặc biệt của lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là người mặc sẽ cảm thấy ấm áp hơn vào mùa đông và thoáng mát hơn vào mùa hè. 

Các sản phẩm đa màu sắc được sản xuất thủ công (Ảnh: Hà Trang)
Các sản phẩm đa màu sắc được sản xuất thủ công (Ảnh: Hà Trang)

Hiện nay, làng Vạn Phúc có khoảng 800 hộ làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống nơi đây. Để tạo ra những sản phẩm tơ lụa hoàn hảo, những người thợ Vạn Phúc đã tiến hành những quy trình phức tạp, nhiều công sức và trí tuệ. Nhưng dù ở bất kỳ công đoạn nào, người nghệ nhân cũng đều hết sức cẩn thận, túc trực theo dõi ngay cả khi công đoạn cần đến máy móc thực hiện.

Hơi thở hiện đại trong công nghệ - kỹ thuật

Khi khoa học kỹ thuật phát triển, máy móc hiện đại được đưa vào đã giúp họ giảm bớt sức lao động nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng giữ nguyên, thậm chí còn cao hơn nhiều. Công nghệ ươm tơ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế giúp thợ thủ công không phải phân biệt bằng tay như xưa, thay vào đó là phân biệt bằng điện tử.

Thợ dệt lụa tại làng Vạn Phúc đang làm việc bên máy dệt tơ (Ảnh: Hà Trang)
Thợ dệt lụa tại làng Vạn Phúc đang làm việc bên máy dệt tơ (Ảnh: Hà Trang)

Đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại

Để lưu giữ và phát triển làng nghề, các nghệ nhân thạo nghề và lớp thế hệ nghệ nhân trẻ đã quảng bá, khôi phục lại một số mặt hàng cổ truyền và đưa làng nghề hòa nhập với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, gắn kết làng nghề với phát triển du lịch bền vững. Nhiều công ty, cửa hàng, mô hình kinh doanh, hợp tác xã mới được ra đời và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa: đón tiếp đoàn khách lớn trong và ngoài nước, hoạt động tham quan và trải nghiệm mô phỏng làm lụa… đã đóng góp to lớn vào sự phát triển của làng.

Bà Hoàng Thị Phương, nghệ nhân lâu năm của làng nghề chia sẻ: “Với những người thợ lụa như chúng tôi, tình yêu với lụa đã thấm vào máu. Vì vậy, để nghề dệt lụa truyền thống không bị mai một, chúng tôi luôn nỗ lực gìn giữ những giá trị vốn có và học hỏi, nghiên cứu để thương hiệu Vạn Phúc mãi trường tồn với thời gian”. 

Trải nghiệm phơi lụa của các bé trường mầm non Bee Garden tại làng lụa Vạn Phúc (Ảnh: Internet)
Trải nghiệm phơi lụa của các bé trường mầm non Bee Garden tại làng lụa Vạn Phúc (Ảnh: Internet)

Cùng với việc lưu giữ và phát triển làng nghề dệt lụa truyền thống, làng Vạn Phúc dần đổi mới, trở thành điểm du lịch để bắt nhịp với nhu cầu thị trường về sản phẩm cũng như nhu cầu khám phá, tham quan, tìm hiểu về làng nghề của du khách. Những gian hàng nằm san sát nhau bày bán các loại từ quần áo, áo dài, khăn quàng, túi xách làm bằng tơ tằm, lụa sa tanh hoa, đũi, sa, quế... đủ màu sắc và hoa văn tinh tế.

Đặc biệt, một trong những sản phẩm được bà con tiểu thương giới thiệu cho du khách là những sản phẩm gắn liền với Tết như áo dài, khăn choàng… luôn được trang trọng đặt tại những vị trí thuận tiện, dễ dàng cuốn hút.

Đến làng lụa Vạn Phúc, du khách sẽ được ngắm con đường ô Vạn Phúc đa sắc màu. Chính sự trang trí bắt mắt, độc đáo từ những chiếc ô nhiều màu sắc đã mang đến khung cảnh ấn tượng, giúp du khách tha hồ được check-in những bức hình đẹp mắt khi đến nơi đây.Không dừng lại ở đó, du khách còn có thể đến thăm quan tại các điểm như: Bức tường bích họa, Chùa Vạn Phúc, đền thờ tổ nghề, miếu Vạn Phúc, trung tâm bảo tồn lụa Vạn Phúc, xưởng dệt, nhuộm vải nằm phía sau khu chợ lụa Vạn Phúc. Đến với làng, du khách còn có cơ hội được trải nghiệm làm tranh từ vải vụn tại Hợp tác xã VỤN Art – nơi có những con người khuyết tật đang làm việc tại đây.

Đường ô tại Làng Vạn Phúc (Ảnh: Hà Trang).
Đường ô tại Làng Vạn Phúc (Ảnh: Hà Trang).

Về việc xuất khẩu các sản phẩm lụa ra thị trường quốc tế, bà Nguyễn Thị Hồng Dung, Đại diện Công ty Cổ phần Phát triển lụa Vạn Phúc cho biết: “Hiện nay, hầu hết các sản phẩm của làng Vạn Phúc đều xuất khẩu tiểu ngạch do điều kiện xuất khẩu quốc tế khá chặt chẽ, nhiều điều kiện làng chưa đáp ứng được hoàn toàn. Ví dụ như nguyên liệu phải nhập từ nhiều vùng, quy trình chưa cải tiến được nhiều, màu tự nhiên còn ít... Tuy nhiên, nắm bắt được sở thích người tiêu dùng, công ty sẽ cố gắng dốc sức nghiên cứu thêm để khắc phục những điểm này”.

Trải qua thời gian, lụa Vạn Phúc vẫn tồn tại và tỏa sáng, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường may mặc trong và ngoài nước. Với sự cố gắng không ngừng nghỉ của những thợ thủ công, những nghệ nhân luôn miệt mài với nghề thì họ vẫn sẽ có đất sống, vẫn có những người khách luôn trân trọng và yêu quý, nâng niu những sản phẩm mà họ làm ra. Và, làng nghề sẽ sống mãi như những gì nó cống hiến.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN