Làng nghề mì gạo Hùng Lô bận rộn những ngày cuối năm

(Sóng trẻ) - Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Quý Mão 2023, những ngày này, người dân làng nghề mì gạo Hùng Lô đang tất bật sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán.

Làng cổ Hùng Lô nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, cách trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ khoảng 5km. Bên cạnh không gian văn hóa mang đậm dấu ấn bản sắc của người Việt cùng những điệu hát Xoan đầy lôi cuốn, ngôi làng tọa lạc nơi đất Tổ này còn sở hữu kỹ thuật làm mì gạo truyền thống mang hương vị đặc trưng. 

Năm 2004, làng cổ Hùng Lô được công nhận là làng nghề truyền thống. Để chủ động trong sản xuất cũng như nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm, tháng 7/2016, hợp tác xã mì gạo Hùng Lô được thành lập, đồng thời quyền thương hiệu cho sản phẩm mì, bún sạch của làng cũng được đăng ký. Hiện nay, trên địa bàn xã Hùng Lô có khoảng 27 hộ gia đình đang phát triển nghề làm mì gạo này.

Dịp tết Quý Mão 2023 đến gần, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm mì gạo tăng cao, làng nghề Hùng Lô vì vậy bận rộn hơn so với ngày thường. 

Tiến độ khẩn trương trong những giáp Tết

anh-1-logo-a.png
Tổ trưởng Nguyễn Thị Hoa cùng các công nhân tại xưởng bận rộn chuẩn bị cho những đơn hàng mới trong dịp cận Tết Nguyên Đán. (Ảnh: Gia Linh).

Năm năm gắn bó với công việc, cô Hoa - tổ trưởng sản xuất tại HTX Mì gạo Hùng Lô chia sẻ về công việc trong những ngày giáp Tết: “Năm nào cũng thế, đến Tết thì làm không xuể, làm cả ngày lẫn đêm để kịp hàng giao cho khách. Ngày thường, các cô chỉ làm 8 tiếng nhưng tới Tết vì sợ không kịp hàng nên phải làm từ lúc 3 – 4 giờ sáng, trưa nghỉ tầm 1 tiếng, tiếp tục làm tới tối, có hôm 7 giờ tối mới được nghỉ. Bởi lẽ, dịp Tết hay kể cả ngày thường, sản phẩm cũng được xuất đi liên tục, từ Bắc vào Nam, trong nước ra ngoài nước”.

anh-2-logo-2.png
Dù phải nhanh chóng chuẩn bị đơn hàng nhưng các công nhân tại xưởng làm mì gạo vẫn tỉ mỉ trong từng công đoạn nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ trọn hương vị đặc trưng lâu đời. (Ảnh: Gia Linh).

Giáp Tết công việc càng bận rộn hơn, thường ngày làm 10 phần thì gần Tết phải làm 15 – 17 phần mới kịp hàng giao cho khách. Hiện tại vẫn còn rất nhiều đơn chưa làm kịp, chẳng hạn ở Thái Nguyên, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc,... đặt đơn nhưng xưởng chưa thể hoàn thành bởi một số lý do. 

Để cho ra lò những sợi mì, sợi bún sạch, đảm bảo hương vị phải trải qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng, đòi hỏi sự tỉ mẩn của người công nhân, từ chọn gạo sạch, đến ngâm gạo, xay xát gạo thành bột gạo khô. Từ bột gạo khô, người ta đem trộn với tỉ lệ nước phù hợp rồi mới đổ vào máy. 

Sau đó, người thợ sẽ cắt mì thành từng đoạn ước chừng khoảng 1 cân và đặt lên giá phơi, công việc này thường được thực hiện trong khoảng thời gian sáng sớm, như vậy sẽ đảm bảo mì được phơi khô trong ngày.

anh-3-logo-2.png
Ghé thăm làng nghề truyền thống Hùng Lô, khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng, ấn tượng với những “cánh đồng” mì gạo trắng ngần đặc trưng. (Ảnh: Gia Linh).
anh-4-logo-2.png
Công việc pha trộn bột gạo khô và nước cần sự tỉ mỉ, kinh nghiệm của người làm nghề để cho ra thành phẩm mì dai, dẻo mà không bị nát. (Ảnh: Gia Linh).

Dù lượng đơn đặt Tết nhiều hơn ngày thường nhưng việc sản xuất vẫn không thể nhanh hơn vì còn phụ thuộc vào các yếu tố nhân lực, thời tiết. 

Phần lớn công nhân làm việc tại xưởng là các cô, các bác đã đứng tuổi. Công việc nhiều nhưng cả xưởng chỉ có khoảng 30 nhân công. “Sáng ra có 7 – 8 người đi giũ miến, 5 người cắt, cắt xong lại mang đi ủ, đến 1 – 2 giờ sáng người ta đi giũ, phải giũ kịp mới có thể phơi. Tất cả xưởng có 30 người làm nhưng vẫn không xuể vì làm mì, miến phải trải qua nhiều công đoạn.”- Cô Hoa chia sẻ. 

Bên cạnh nhân lực, thời tiết cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất mì gạo. Khi trời mưa, ẩm ướt thì mì gạo lâu khô hơn, không phơi được tự nhiên mà phải sử dụng công nghệ sấy. Công đoạn phơi sấy mì gạo chỉ từ sáng tới chiều là xong, tuy nhiên, để cho ra 1 lô sản phẩm thì cần tới 3 ngày.

Ngôi làng nhỏ, thành công lớn

Dù trải qua nhiều năm, chuyển đổi lớn trong việc sản xuất, từ thủ công sang sử dụng trang thiết bị máy móc, vươn tới nhiều thị trường mới nhưng hương vị của mì gạo Hùng Lô vẫn giữ nguyên, không hề thay đổi cho tới nay, thậm chí còn ngon hơn. 

Bởi lẽ, ngày trước khi làm miến, các cụ thái miến bằng tay, sợi thường to và cứng, hiện nay sợi đã nhỏ hơn nhưng vẫn không bị nát nhờ sử dụng máy móc, thiết bị, hơn nữa, khi thưởng thức còn nếm được vị giòn, hơi ngọt.

anh-5-logo-2.png
Bên cạnh các sản phẩm mì gạo truyền thống, làng nghề Hùng Lô còn phát triển thêm một số sản phẩm khác từ gạo như bún khô, miến khô, bún dưa hấu,....(Ảnh: Gia Linh).

Việc sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất mì gạo cũng giúp làng nghề Hùng Lô nâng cao tổng sản lượng, đi đôi với chất lượng sản phẩm. Hiện tại, xưởng có thể sản xuất 1.5 – 2 tấn/ngày, giúp gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, đồng thời tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho người dân tại địa phương.

anh-6-logo-2.png
Mì gạo của hợp tác xã Hùng Lô được sản xuất và bán hết trong tháng, không có sản phẩm tồn kho. (Ảnh: Gia Linh).

Hợp tác xã đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, hướng mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 1.000 tấn/năm. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ để nâng hạng sao các sản phẩm của cơ sở lên tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Bên cạnh đó, hợp tác xã còn ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh như: Công ty Golden scorpio, Công ty TNHH nông nghiệp Phú Nam, siêu thị Vinmart, Big C,… Đối với các tỉnh trong cả nước, hợp tác xã thực hiện liên kết xây dựng đầu mối bán buôn.

anh-7-logo.png
Mì gạo Hùng Lô xây dựng một trang web riêng để bán hàng trực tuyến cũng như cập nhật thông tin liên quan. (Ảnh chụp màn hình).

Khát vọng vươn ra “biển lớn” 

Trước đây, sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, tuy nhiên, đến cuối năm 2022 đã phát triển sang các thị trường quốc tế như Nhật Bản, sắp tới sẽ là Nga và một số quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, hiện tại quá trình xuất khẩu vẫn đang trong giai đoạn làm việc với các bên đối tác về những vấn đề liên quan đến chính sách, tiêu chuẩn xuất khẩu,...

Một trong số những rào cản của sản phẩm Việt Nam khi xuất khẩu nói chung là vấn đề kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, đối với mì gạo Hùng Lô, ngay từ khi sản xuất ra, hợp tác xã đã tự thực hiện các khâu kiểm định để đảm bảo sản phẩm cung cấp ra thị trường đủ an toàn, ổn định và phát triển lâu dài.

Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ và tâm huyết phát huy nghề truyền thống ông cha để lại, hợp tác xã mì gạo Hùng Lô đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường, đưa sản phẩm vươn xa, được nhiều người tiêu dùng đón nhận, thậm chí chinh phục cả những thị trường “khó tính” như Nhật Bản.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN