Làng thêu Quất Động một thời vang danh
(Sóng trẻ) - Làng Quất Động nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội (cách trung tâm thành phố 20km), thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín. Đây là một ngôi làng cổ được coi là nơi khởi thủy của nghệ thuật thêu tay truyền thống.
Vàng son một thuở nghề thêu
Tạm rời xa chốn xô bồ đông đúc tại trung tâm Hà Nội, chúng tôi tìm đến nhà của nghệ nhân Hoàng Thị Khương - một trong những nghệ nhân gắn bó lâu năm tại làng quê nổi tiếng nhất nhì huyện Thường Tín. Nơi được coi là đất tổ của nghề thêu và được dân gian truyền tai nhau câu ca hàng mấy trăm năm nay:
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Quất Động với anh thì về
Quất Động làng anh có nghề
Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành"
Đó là những câu ca đầy giản dị về làng thêu Quất Động - nơi đã từng nổi tiếng về chuyên thêu trang phục cung đình thời phong kiến. Làng Quất động nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, được khai sinh bởi ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. Nghề thêu đã có từ rất lâu đời, bắt nguồn cùng với sự hình thành và phát triển của làng từ xưa đến nay.
Rót tách trà ấm cho chúng tôi, chị Khương chia sẻ, ngược dòng thời gian về Thời Nguyễn, xã Quất Động là một trong chín xã thuộc Tổng Bình Lăng Phú, Thường Tín trấn, Sơn Nam Thượng. Xã Quất Động có nhiều thôn, xóm làm nghề thêu nhưng được coi là gốc của nghề người ta thường nhắc đến làng Quất Động. Bởi theo ghi chép ở đình Ngũ Xã, Quất Động và đền Tú Thị, Hà Nội, ông tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của 3 miền Bắc Trung Nam là tiến sĩ Lê Công Hành.
Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành tên khai sinh là Trần Quốc Khái. Ông sinh năm Bính Ngọ (1606) tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm Bính Tuất (1646), ông được cử đi sứ nhà Minh. Trong lần đi sứ này vô tình ông đã học được nghề thêu và ông đem nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động rồi sau đó phát triển rộng ra các tỉnh khác như Bắc Ninh, Hưng Yên... Để ghi nhớ công ơn ông, sau khi Lê Công Hành mất (năm 1661), nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu.
“Ban đầu, làng Quất Động chỉ thêu chủ yếu phục vụ cung đình và tầng lớp quý tộc cũng như các sản phẩm trang trí trong đền chùa và phường tuồng. Người thợ thêu ren thường làm những mặt hàng nghi lễ hay phục vụ cung đình như thêu câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình, chùa cùng các loại khăn chầu, áo ngự cho vua chúa” - chị Khương tâm sự. Thời điểm này, kỹ thuật thêu chỉ dừng ở mức đơn giản, chỉ có năm màu vàng, đỏ, tím, xanh, lục. Các loại hình thêu và kỹ thuật thêu lúc này còn thô sơ. Theo thời gian, nghề thêu càng phát triển và kỹ thuật thêu được cải thiện. Trong hơn nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, nghề thêu tay tại Quất Động đã tạo nên những kỹ thuật thêu riêng biệt mà chỉ có người làng tại đây mới hiểu biết được.
Nghệ nhân làng thêu Quất Động đã và đang thừa kế làng nghề truyền thống và cho ra mắt nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Những nét tinh hoa của nghề thêu từ nhiều đời trước được áp dụng vào tranh thêu một cách triệt để. Từ các nhóm hàng truyền thống, các nghệ nhân còn thêu được những tác phẩm nghệ thuật, các bức thêu chân dung truyền thần và sáng tạo.
Thế nhưng một vài năm gần đây, nghề thêu của làng Quất Động dường như lại lắng xuống, không phát triển như những năm trước đó. Một trong những nghệ nhân có tay nghề cao là chị Hoàng Thị Khương vẫn đang giữ vững nghề truyền thống thêu tay. Đặc biệt hơn, nhờ niềm đam mê với nghề thêu truyền thống của quê hương, người phụ nữ làm việc cần mẫn, đào tạo nghề thêu cho hàng trăm trẻ em và những người khuyết tật, giúp họ thoát nghèo thành công.
Như bàn tay của người hoạ sĩ
Người làm tranh thêu tại làng Quất Động được ví như một họa sĩ. Bởi lẽ trước khi thêu, từng sợi chỉ mũi kim đều được các nghệ nhân tính toán cẩn thận. Họ phải vẽ phôi lên vải thêu, phối màu chỉ, từ đó tạo ra hiệu ứng về mảng màu, ánh sáng cho bức tranh thêu.
Kỹ thuật thêu tay truyền thống bao gồm 9 kỹ thuật cơ bản: Nối đầu, lướt vặn, đâm xô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn - sa hạt kép, khoắn vảy đơn - khoắn vảy kép và chăng chặn. Các kỹ thuật thêu đòi hỏi sợi chỉ phải kín, thẳng; đường lượn mềm mại, hình khối rõ nét; hình thức phải cân đối, sáng tươi, gần gũi với cuộc sống…Tùy vào nội dung bức tranh mà người làm nghề sử dụng nhiều hay ít màu chỉ. “Một sản phẩm thêu hoàn thành là sự kết hợp hoàn hảo giữa đôi bàn tay khéo léo và đôi mắt tinh tường, sự cảm nhận tinh tế và chăm chỉ, cần mẫn. Tùy vào độ khó và kích thước mà một sản phẩm có thời gian hoàn thiện từ vài ngày đến vài tháng” - chị Khương cho biết.
Khi ngắm những bức tranh của nghệ nhân Hoàng Thị Khương, điều đặc sắc nhất chúng tôi thấy được là cái “thần” và cái “hồn” trong tác phẩm. Ngoài tranh phong cảnh và những bức thêu được đặt hàng, chị Khương chia sẻ, bản thân chị có cơ duyên đặc biệt với những bức tranh thêu về Bác Hồ. Thêu hình Bác, khi bản thân thấy mệt mỏi, chị dường như lại được tiếp thêm động lực để phấn đấu.
Tranh thêu của chị Khương nói riêng và làng Quất Động nói chung mang đậm màu sắc truyền thống. Có thể kể đến như cây cỏ, phong cảnh dân dã, cây đa, bến nước con thuyền, người làm đồng, đánh cá, dệt vải hay những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Nhìn vào mỗi bức tranh thêu là thấy cả hồn quê hiện hữu, khơi gợi tình yêu với non sông đất nước. Có lẽ vì thế mà các sản phẩm thêu của Quất Động nổi tiếng gần xa, không những phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất sang nước ngoài.
Ngọn lửa nghị lực đau đáu giữ nghề…
Được trò chuyện cùng nghệ nhân Hoàng Thị Khương, chúng tôi càng quý trọng tấm gương khuyết tật điển hình không khuất phục trước số phận này. Mới chỉ 3 tháng tuổi, cơn sốt cao kéo dài ập tới khiến đôi chân chị tàn tật vĩnh viễn. Tuy đôi chân không lành lặn nhưng bù lại, chị Khương có đôi bàn tay vô cùng khéo léo. Chính tình yêu với nghề đã giúp chị vượt qua nhiều khó khăn, mặc cảm của bản thân để tiếp tục với niềm đam mê.
Với hơn 40 năm gắn bó với nghề, chị đã cho ra đời nhiều bức tranh thêu tay đoạt giải cao, vươn tầm ra thế giới. Không thể đi du lịch đó đây như bao người, chị Khương vẫn tạo nên những tác phẩm đó chỉ qua tranh ảnh và trí tưởng tượng phong phú của mình. Nhưng thật lạ lùng, chi tiết nào cũng chân thật, rất có hồn, khiến người xem không thể rời mắt.
Dạo quanh ngôi nhà nhỏ, chúng tôi choáng ngợp trước những bức tranh của chị. Từ bức tranh thêu “Hồn quê” đạt giải Nhì cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội (2019), bức “Chùa Thầy” đạt giải Nhì cuộc thi sáng tạo sản phẩm bền vững làng nghề Việt Nam (2020), hay bức “Sơn thủy hữu tình” ở triển lãm tại Hoàng thành Thăng Long (2010) được trả giá cả trăm triệu, đến chiếc cúp danh giá khi các tác phẩm của chị có cơ hội vươn ra thế giới thông qua hội thảo quốc tế về nghệ thuật hòa nhập Sambhav 2019 dành cho người khuyết tật tại Ấn Độ...
Chỉ vào những bức tranh, chị Khương nói với giọng đầy tự hào: “Với tôi, mỗi bức tranh thêu không thể tính công bằng ngày, bằng tháng hay bằng bao nhiêu tiền. Nhiều bức tôi tháo ra, gỡ vào nhiều lần, chỉ đến khi tôi thật sự ưng mới được gọi là xong. Chính vì thế, có những bức tranh khách trả đến cả trăm triệu đồng, nhưng tôi vẫn không bán cho dù cơ sở vẫn còn rất thiếu vốn”.
Có lẽ, để đạt được những thành tựu như vậy đối với một người “kém may mắn” như chị là không hề dễ dàng. Vì vậy chị muốn lưu giữ những bức tranh thêu ấy như một thứ tài sản quý giá. “Ước mơ cả đời của chị là có thể mở cho riêng mình một phòng tranh để trưng bày chúng như một báu vật đặc biệt của một người đặc biệt” - chị Khương bộc bạch.
Bên cạnh những ấp ủ còn dang dở của mình, nghệ nhân Hoàng Thị Khương còn mong muốn tìm được những người tiếp nối gìn giữ truyền thống của ông cha. Vì vậy, chị đã mở lớp dạy nghề, tạo điều kiện cho những người yêu thích nghề thêu. Đặc biệt là những người khiếm khuyết giống như chị.
Với chị Khương, tiếp cận nghệ thuật đối với người bình thường đã khó thì đối với những người khiếm khuyết như chị còn khó hơn bội phần. Hiểu được cảm giác đó, chị mong muốn truyền dạy nghề thêu truyền thống sẽ giúp họ có cuộc sống nhẹ nhàng hơn để không một ai bị bỏ lại phía sau. Không ngại tuổi tác hay khoảng cách, nhiều người đã tìm tới chị Khương với mong muốn được chị chỉ dạy. Chị dạy tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ, từ điều đơn giản như cách cầm kim, phối màu cho tới những khâu phức tạp như thêu bỏ, thêu bạt,... một cách nhẹ nhàng, cẩn thận. Chị luôn coi mình như người bạn đồng hành cùng những người yêu nghề, vừa chỉ bảo vừa thấu hiểu họ để có thể làm ra những tác phẩm đẹp nhất. Tính tới hiện tại, chị Khương đã dạy nghề cho hơn 500 người trong thôn và cả những người từ khắp các tỉnh thành.
Theo thời gian, cũng giống như bao làng nghề truyền thống khác, nghề thêu tay ở xã Quất Động đang dần bị mai một vì cơ chế thị trường. “Thêu tay bây giờ còn rất ít, hầu hết ở các hộ gia đình nhỏ vì việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất tranh thêu chiếm ưu thế hơn hẳn vì đã được lập trình sẵn. Nhưng để truyền đạt đủ cái hồn của phong cảnh, con người thì chỉ có bàn tay uốn lượn từng đường kim mũi chỉ mới có thể truyền tải hết được” - Chị Khương tâm sự.
Với những đóng góp to lớn cho xã hội, chị Khương được bầu làm Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thường Tín (Hà Nội) và được Chủ tịch UBND Thành phố trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Hơn nữa, chị vinh dự được Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân và cho tới nay chị cũng là nghệ nhân duy nhất của làng thêu tay Quất Động.
Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt, miệt mài bên khung thêu, chúng tôi tin rằng không chỉ nghệ nhân Hoàng Thị Khương mà những con người say mê với nghề thêu tay vẫn đang tiếp tục gìn giữ nghề cổ truyền này. Có lẽ dù thời gian có trôi đi nhưng vùng “đất tổ nghề thêu” vẫn mãi vang danh, cùng những con người yêu nghề tạo nên những kiệt tác vô giá.