“Làng Tuyên”: Nhà văn, nhà báo cũng là chiến sĩ
(Sóng trẻ) - Ba tập “Làng Tuyên” là những kỷ niệm, những hồi ức, những kinh nghiệm hoạt động của ngành Tuyên huấn trong thời chống Mỹ. Là thời kỳ những nhà văn, nhà báo cầm bút ra chiến trường mà đánh trận.
Trong những ngày cả nước cùng ra trận, mỗi xóm làng là một pháo đài đánh Mỹ. Mỗi tấc đất Tổ quốc đều thấm máu các anh hùng liệt sĩ mà ác liệt nhất vẫn là nơi tuyến lửa, nơi giành giật từng tấc đất giữa ta và địch. Bộ hồi ký “Làng Tuyên” là dòng hồi tưởng, những ghi chép được viết nên bằng máu và nước mắt của những người con nơi mảnh đất “Khu V dằng dặc khúc ruột miền Trung” (Tố Hữu). Nhưng trước hết, hồi ký là những thử nghiệm trong công tác tư tưởng, công tác tuyên huấn, là chiến lược sách lược của Đảng ta.
“Làng Tuyên”, đúng như tên gọi, thể hiện sinh động đường lối chiến lược đúng đắn của Đảng: coi trọng công tác tư tưởng, giáo dục quan điểm, lập trường cho mỗi cán bộ chiến sĩ; đồng thời làm tốt công tác quần chúng, dựa vào nhân dân mà tuyên truyền, tổ chức đấu tranh. Các Ban của Làng Tuyên (Ban Văn nghệ, Ban Giáo dục...) như những binh chủng, những mũi xung kích phối hợp tác chiến chặt chẽ, nhất trí cao; nêu bật tinh thần, ý chí chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc và với niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng. Mảnh đất đã từng hứng chịu bao bom đạn kẻ thù trở thành nơi thử thách ý chí, lòng trung kiên của con người, như lời nhà thơ Dương Hương Ly (bút danh của Bùi Minh Quốc): “Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ”. Đến với mảnh đất này là chấp nhận hy sinh như một lẽ thường tình. Đó là sự chấp nhận cao cả, tự nguyện như lý tưởng của thế hệ trẻ một thời: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).
Trong những dòng hồi ký hiện lên hình ảnh những nhà báo, nhà văn với nhân cách và phẩm chất cao quý. Họ “thật sự vào cuộc, làm một chiến sĩ thật sự, tham gia hết mình trong cuộc như bất cứ người chiến sĩ nào, không làm ‘nhà văn’ chuyên ghi chép và quan sát, đứng bên cạnh, đứng nài…”. Chính bản thân họ cũng nhận thức rằng: “Mình sẽ trở lại cầm bút khi nào cầm bút thực sự cần thiết và có ích như cầm súng, hoặc hơn thế nữa…”. Nhưng một khi họ cầm bút chiến đấu thì lại vô cùng quyết tâm: “Không đi cũng chết. Không viết được tức là chết. Sinh nghề tử nghiệp. Không sao đâu, cứ cho chúng tôi đi…” (“Trích Làng Tuyên”).
Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật trong “Làng Tuyên” lại mang tới một cảm giác khác biệt. Độc giả cảm nhận được sự mộc mạc, giản dị, chân thật qua lời tâm sự của một nhà báo trẻ trong “Tôi trở thành nhà báo” (Bằng Tín). Từ một anh bộ đội, một thầy giáo mà qua quá trình rèn luyện, học hỏi từ hai người thầy của mình; nhân vật “tôi” đã trở thành nhà báo: “Để rồi mỗi lần gặp bạn bè, tôi lại bồi hồi xúc động vì lời chào ‘Chào nhà báo’, tôi cứ nhìn vào đôi mắt của người đối diện mình, những bạn bè cùng trang lứa và cả các anh, các chú lớn tuổi, và thấy ở đó ngọn lửa ấm áp của sự tin cậy, mến yêu và cả sự quý trọng”.
Không giống như anh nhà báo trẻ, Nguyên Ngọc bằng sự trải nghiệm, kinh nghiệm trên chiến trường - đặc biệt là chiến trường Tây Nguyên đã mang đến cho độc giả những trải nghiệm mới mẻ về cuộc đời người cầm bút qua “Chiến trường những năm tháng ấy sống và viết”. Nhà văn đã nhận thức được thế nào là văn chương đích thực và lúc nào viết văn thực sự đúng nghĩa nhất: "Toàn bộ chính quyền còn trong tay kẻ thù. Gần như phải bắt đầu từ tay không mà đi tới giành lại tất cả. Tình hình như vậy mà mình về để ‘làm văn chương’ thì vô nghĩa, vô duyên quá chừng! Về trong ấy có lẽ mình sẽ làm tất cả việc gì cần làm cùng với đồng chí, đồng bào, làm gì cũng được, bất cứ việc gì có ích dù nhỏ nhất. Mình sẽ chỉ trở lại cầm bút khi nào cầm bút thật sự cần thiết và có ích như cầm súng, hoặc hơn thế”. Theo Nguyên Ngọc: “Muốn vào cuộc thật, muốn được chịu chung số phận của quần chúng thật, thì anh phải thật sự gánh vác một phần nào đó… Và để gánh vác được như vậy, cũng phải có một trình độ, một năng lực nhất định”. Nhà văn trải lòng với nghệ thuật văn chương mà mình theo đuổi: “Ở chiến trường những năm tháng gian nan mà quyết liệt ấy, tôi có những người bạn cầm bút đã vượt qua được một cách đẹp đẽ sự thử thách mất còn của nghề cầm bút - nếu có thể gọi công việc cầm bút là một cái ‘nghề’. ‘Nghề’ cầm bút trước hết sau cùng là ‘nghề’ làm người”.
Nhiều nhà văn, nhà báo đã vui mừng khi bộ sách này được xuất bản. Họ đã dành những lời khen ngợi, lời cảm ơn đến người đã biên tập bộ hồi ký này. Nhà văn Đỗ Minh Tuấn có nói: “Đọc ‘Làng Tuyên’ hấp dẫn như Tam Quốc Chí vậy! Trang nào cũng hay, trang nào cũng nào hùng, nó như một thiên anh hùng ca trường kỳ, ca ngợi cuộc kháng chiến thần thánh của ta và mãi ngân vang…”. Trích lời Nguyên Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Nguyên Bí thư Khu ủy Khu 5 Võ Chí Công: “Tôi hoan nghênh xuất bản bộ sách này ghi lại những kỉ niệm không thể nào quên của thời kỳ thử thách có một không hai của các đồng chí và giới thiệu với bạn đọc cùng quan tâm đến công tác tư tưởng tại chiến trường”.
Lê Thị Kim Hoa
Báo mạng điện tử K32
Tên sách: Làng Tuyên
Nhiều tác giả Chủ biên: Hồ Quốc Phương, Trương Công HuấnNXB Văn học Bộ sách gồm 3 tậpGiá bìa (1 tập): 90.000 đồng
|
Cùng chuyên mục
Bình luận