Chàng trai trẻ với đam mê sách “già”

(Sóng trẻ) “Là người thích sách cũ nên mình muốn tìm lại những gi quý giá mà các thế hệ trước đã để lại, tìm lại những bản dịch hay mà nhiều khi bây giờ thế hệ trẻ không biết tới. Đó là cái thú đam mê, mình để làm thỏa mãn nó. Mình không ngại bị cho là “già”, miễn là tự mình thấy vui vẻ, hạnh phúc là được”, anh Lê Văn Hợp – chủ nhân của hơn 6000 cuốn sách cũ chia sẻ về đam mê của mình.

Mê sách cũ vì…hoài cổ

Sinh năm 1984, chưa đầy 30 tuổi và mới làm bạn với những cuốn sách cũ được hơn 2 năm nay nhưng anh Lê Văn Hợp đã sở hữu được số sách cũ đáng kể so với một dân sưu tập sách – hơn 6000 cuốn sách hàng chục năm tuổi ở mọi thể loại, từ sách văn học, nghệ thuật đến sách nghiên cứu, chính trị; thậm chí anh còn kiếm được những cuốn sách gần như “tuyệt chủng”, đó là những cuốn được xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975. 

Vốn là một sinh viên Đại Học Bách Khoa, nhưng bén duyên với thú sưu tập sách cũ vì yêu thích những cuốn sách được viết hay dịch được xuất bản từ thời bao cấp. Theo anh Hợp, những cuốn sách này được các dịch giả, tác giả trau chuốt câu chữ, dàn trang cẩn thận, nói chung là chất lượng dịch tốt hơn, mà hiện tại không được tái bản lại. Anh tự nhận mình là một người hoài cổ, thích những cái cũ kỹ, những kỷ niệm ấu thơ trong trang sách nên rất hứng thú với những cuốn sách ố vàng, sờn mốc. 

Dẫn tôi xem các giá sách của mình, anh tâm sự anh là  “fan” ruột của học giả Nguyễn Hiến Lê nên anh đã sưu tầm được gần 100 tựa sách của ông và đặt vào một chỗ trang trọng trong tủ sách của mình. Nói về điều này, anh chia sẻ: “Đọc sách của cụ Lê mình thấy hợp với tâm hồn mình nhất, đọc cuốn nào của cụ cũng thấy tâm hồn mình đẹp ra, giúp ta tin tưởng vào tương lai phía trước hơn”, rồi anh khoe tôi cuốn “Lịch sử văn minh Ả rập” có chữ ký của dịch giả Nguyễn Hiến Lê hiếm hoi mà anh may mắn sở hữu.
 
8a66ec5ad_22.jpg

Cuốn “Lịch sử văn minh Ả rập” có chữ ký của dịch giả Nguyễn Hiến Lê

Anh Hợp tâm sự rằng khi mới bắt đầu chập chững sưu tập sách, anh rất hoang mang vì không biết tìm sách ở đâu, hơn nữa, tìm sách khá mất thời gian, phải mất vài tháng có khi vài năm mới tìm được cuốn sách mình cần, nhưng đôi khi cũng chỉ là một dịp tình cờ mà tìm được “của hiếm”. Anh kể một lần anh tình cờ tìm được cuốn “Vượt Côn Đảo” của tác giả Phùng Quán, nhưng bất ngờ hơn là nó lại có cả chữ ký của tác giả, đây thực sự là một niềm vui lớn với anh. Nhưng với anh dù có mất bao lâu để tìm kiếm một cuốn sách thì “cảm giác đó thật sự rất khó tả”, và cũng chính cảm giác này đã thôi thúc anh tiếp tục với niềm đam mê của mình.

Cái duyên kinh doanh từ sách cũ

Không chỉ tìm lại cho mình những cuốn sách từ thưở thơ ấu, anh Hợp còn giúp những người muốn tìm lại những cuốn sách xưa cũ được thỏa mong ước bằng cách lập nên trang “Sách cũ Hà Thành” trên Facebook, vừa kinh doanh sách cũ, vừa là nơi nhận yêu cầu tìm sách của mọi người. Sạp sách online này của anh đã thu hút hơn 1200 người thích, chứng tỏ rất nhiều độc giả quan tâm và muốn tìm lại những cuốn sách xuất xuất bản từ lâu. 
 
8a66ec5ad_33.jpg

Trang Sách Cũ Hà Thành của anh Lê Văn Hợp

Nói về cái duyên kinh doanh của mình, anh cho biết ban đầu sưu tập sách chỉ là tự phát, nhưng sau này khi biết nhiều người cũng có chung sở thích thì anh tiến hành song song vừa tìm sách cho mình, vừa tìm sách cho khách hàng. Với anh, công việc này không chỉ đơn thuần là việc làm ăn kiếm lời, mà còn là công việc mang lại niềm vui cho người khác bởi “khi tìm được sách, dĩ nhiên mình là người hạnh phúc nhất vì mình mang lại niềm vui cho bản thân và người khác. Còn gì vui hơn khi được cầm trên tay cuốn sách mình mong muốn bấy lâu! ”.

Khi được hỏi rằng hiện nay trên thị trường có rất nhiều sách được xuất bản với nội dung và hình thức được chăm chút kỹ lưỡng, vì sao anh lại chọn sách cũ để kinh doanh, anh chia sẻ rằng đó một phần là do tính cách của mình, hơn nữa, sách cũ là 1 thị trường ngách nhưng nếu biết chọn lọc và đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc thì sẽ luôn tồn tại, kiếm được sách cho mọi người là ta có thêm nguồn sống để duy trì nó. Có lẽ anh đã đúng khi trên fanpage của anh có rất nhiều lời yêu cầu tìm sách, cũng như rất nhiều người “tranh nhau” những tựa sách mà anh đăng lên. 

Mặc dù kinh doanh trên mạng xã hội nhưng khách hàng của anh Hợp lại có độ tuổi rất đa dạng, chứ không chỉ toàn người trẻ. Anh cho biết: “Chiếm 1 số lượng lớn nữa là những người tầm 30-40 tuổi thích tìm những cuốn sách để hồi tưởng lại thời thơ ấu của mình đã say mê đọc và mong muốn truyền lại niềm đam mê cho con cái mình. Còn có 1 bộ phận các bác trên 50 tuổi cũng đam mê sách không kém”. Khi tôi hỏi anh ấn tượng với khách hàng nào nhất, anh trả lời ngay: “Có bác bị bại liệt nhưng so về tình yêu với sách thì các bạn trẻ còn phải học hỏi nhiều, trí nhớ của bác khá tốt, có thể kể vanh vách những gì bác đọc được”.

Không chỉ kinh doanh trực tuyến mà anh Hợp cũng tích cực tham gia những hội sách và kết quả thu được rất khả quan khi rất nhiều khách hàng đến ủng hộ. Lại nói về cuốn “Vượt Công Đảo” mà anh tình cờ tìm được, trong một lần tham gia hội sách do Trung tâm văn hóa Đông Tây tổ chức, anh đã “hi sinh” cuốn này để tham gia đấu giá làm từ thiện.
 
8a66ec5ad_44.jpg
Anh Lê Văn Hợp (trái) trao cuốn Vượt Côn Đảo cho chủ nhân mới
tại buổi đấu giá

Tin tưởng vào “văn hóa đọc” của giới trẻ

Hiện nay khi các phương tiện thông tin đại chúng đang nói nhiều về văn hóa đọc của giới trẻ đang rất đáng lo ngại, tôi hỏi anh thấy sao về ý kiến này, thì anh tỏ thái độ rất lạc quan. Anh không phủ nhận rằng đúng là một bộ phận thế hệ trẻ không thích đọc sách, “thậm chí còn ghét đọc sách”, nhưng thông qua những khách hàng trẻ của mình trên Facebook, anh cho rằng dù khoa học, Internet có phát triển đến đâu, có cả máy đọc, e-book đầy đủ trên mạng thì vẫn không thể thay thế sách giấy được, hay thói quen “sách gối đầu giường” của nhiều độc giả. “Mình vẫn tin tưởng rằng còn rất nhiều bạn trẻ tâm huyết với sách và mãi mãi vậy”, anh nói.
 

Trên fanpage của anh cũng có không hiếm lời chia sẻ của các khách hàng trẻ về sở thích đọc sách, đặc biệt là sách cũ, sau khi biết đến “Sách cũ Hà Thành”. Một thành viên có nick Tao Biet Het Roi chia sẻ: “Ôi trang này hay quá,mình cũng đọc và sưu tầm nhiều. Sách bây giờ được in lại rất nhiều nhưng sao K (không) có cảm giác say mê như khi cầm những quyển sách cũ? Chúc bạn vui vẻ và có nhiều sách quý cho những người mê sách như mình nhé”.

Thành viên Huong Bui viết: “Bị mắc bệnh người già rồi! Chỉ thích những quyển truyện cổ mối mọt, giấy vàng mùi mốc mốc, gáy sờn sờn, những quyển truyện xếp đầy giá sách của ông nại”.

Đọc những dòng chia sẻ này, tôi hiểu rằng chàng thanh niên trẻ Lê Văn Hợp đẫ gieo vào lòng nhiều bạn trẻ tình yêu với những cuốn sách cũ, sờn mốc nhưng ẩn chứa giá trị của thời gian, giá trị của một thời vang bóng mà đôi khi những cuốn sách đẹp đẽ, thơm tho hiện nay không có được, đúng như lời anh Hợp chia sẻ: “Niềm vui khi ta một mình với sách thì khó diễn tả lắm. Đó là lúc ta đối thoại với tác giả, với các nhân vật trong sách… Đó còn là hương thơm của từng trang sách, là những kỷ niệm, những lời hay, ý đẹp có ích trong sách mà ta có thể áp dụng vào thực tế bản thân”. 

Lan Anh
Báo mạng điện tử K30.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Trao tặng 10.000 bộ trang phục giữ nhiệt cho trẻ em và người dân khó khăn tại miền núi phía Bắc

Trao tặng 10.000 bộ trang phục giữ nhiệt cho trẻ em và người dân khó khăn tại miền núi phía Bắc

Tin nổi bật4 giờ trước

(Sóng trẻ) - UNIQLO Việt Nam vừa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng 10.000 bộ trang phục giữ nhiệt cho trẻ em và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Sơn La, Yên Bái và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tọa đàm "Hộp ký ức 4.0": Lưu trữ những mảnh ghép lịch sử

Tọa đàm "Hộp ký ức 4.0": Lưu trữ những mảnh ghép lịch sử

Tin nổi bật4 giờ trước

(Sóng trẻ) - Chiều 15/11, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã tổ chức thành công toạ đàm "Hộp ký ức 4.0" nhằm hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11).

Triển lãm sự kiện Đồng ta khơi gợi ký ức "Hình đồng đất Việt"

Triển lãm sự kiện Đồng ta khơi gợi ký ức "Hình đồng đất Việt"

Tin nổi bật4 giờ trước

(Sóng trẻ) - Chiều 15/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chính thức khai mạc triển lãm đặc biệt với tên gọi “Đồng ta” nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 100 sự kiện khảo cổ học.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN