Lay lắt trong những căn nhà “tí hon” giữa lòng thành phố

(Sóng trẻ) - Đi không được, ở không xong, nhiều hộ dân tại phố cổ phải chấp nhận cảnh “giật gấu vá vai”, sống ám ảnh trong chính căn nhà của mình.

Phố “cổ” hay phố “khổ”

Trái ngược với vẻ hào nhoáng của Thủ đô, hàng trăm hộ dân tại Phố cổ vẫn ngày ngày phải sống chật vật trong những căn nhà lụp xụp, nằm sâu hun hút trong ngõ tối. Nhìn qua, nhiều người còn nhầm là đường đi thông giữa các ngõ, không ai tưởng tượng được rằng nơi đây lại là “nơi trú ngụ” của hàng trăm hộ dân.

Nằm lưng chừng ở góc cua cầu thang, không gian sống của gia đình bà Mão (trú tại ngõ 44 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tổng diện tích chưa tới 13m2. Căn gác xép “tí hon” đến mức chỉ đủ kê một chiếc tủ lạnh mini, giường ngủ và ban thờ gia tiên, còn việc nấu ăn, phơi quần áo, chỗ để xe bà phải tận dụng lối đi chung để sinh hoạt.

anh-1.JPG
Ngõ 44 Hàng Buồm sở hữu bề ngang khiêm tốn, ai muốn ra vào đều phải lom khom luồn lách, cúi đầu mới có thể di chuyển được. (Ảnh: Minh Thảo)

Nghe rất khó tin nhưng đây là nơi cả 3 thế hệ nhà bà Mão đã gắn bó trong suốt 50 năm qua. "Gọi là nhà, nhưng thực chất đó chỉ là nơi ngả lưng khi đêm về. Diện tích chật chội, không gian bí bách nên sáng tôi phải ra ngõ ngồi, chiều tối mới về nghỉ ngơi", bà Mão chia sẻ.

Cùng chung số phận với bà Mão, ông Cù Đăng Hạnh (65 tuổi, trú tại ngõ 56 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn đau đầu nghĩ cách “nới” diện tích, sửa sang căn nhà rộng 15m2. Ông Hạnh cho biết, thỉnh thoảng, đường thoát nước tắc, nước thải đen ngòm ngập quá mắt cá chân. Cứ trời mưa to là dột, nước chảy vào nhà như thác, mùi hôi thối bốc lên ám cả ngõ. Ngôi nhà xuống cấp đến mức ông Hạnh không đếm nổi đã phải sửa chữa, trùng tu bao nhiêu lần.

Ngày mưa vật lộn với ngập úng, ngày nắng khổ cực vì ngột ngạt, ẩm mốc nhưng ông Nguyễn Sơn Phúc (73 tuổi), người đã sống hơn 48 năm tại ngõ 56 Hàng Buồm cho biết “Đã sống ở đây thì chết cũng ở đây. Ba đứa con gái của tôi đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Giờ tôi với bà nhà cứ túc tắc mà sống, bám víu lấy quán trà đá trước ngõ để kiếm cơm qua ngày, không muốn làm phiền đến con cháu”. Nghĩ là vậy nhưng việc tổ chức ma chay tại đây dường như là điều không thể. Con ngõ một người đi còn phải khom lưng luồn lách thì việc đưa quan tài vào là điều bất khả thi. Theo lời kể của ông Cù Đăng Hạnh, nhà nào có người sắp mất thì phải đưa ra nhà tang lễ ngay, còn trong trường hợp xấu số “lìa đời” trong nhà thì người thân phải cõng xác ra ngoài đầu ngõ.

Sống không được, chết không xong nhưng nhiều gia đình vẫn cố bám trụ tại những căn gác xép “tí hon” vì không đủ điều kiện kinh tế. Họ chỉ còn cách bấu víu vào “mảnh đất hứa” Phố cổ để kiếm kế sinh nhai qua ngày. 

“Lực bất tòng tâm” vì miếng cơm manh áo

Năm 1998, Thành phố Hà Nội đã lên ý tưởng di dân phố cổ nhưng phải đến năm 2013, đề án mới chính thức được phê duyệt. Mục tiêu của đề án là giảm mật độ dân số từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu, toàn bộ khu vực phố cổ sẽ phải di dời nơi sống của 6.500 hộ dân tương đương trên 27.000 người. Thế nhưng cho đến nay, đây vẫn chỉ là những con số trên giấy tờ vì đề án không nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân.

"Thực tế, người dân trong ngõ đều ở tầm trung niên và cao niên, chủ yếu mưu sinh nhờ kinh doanh vỉa hè, từ quán nước, hàng ăn, đến các tiệm may, bơm vá sửa xe… nên giờ bảo giãn dân rất khó. Đi là mất nghề, mất miếng cơm manh áo”, ông Cù Đăng Hạnh tâm sự. 

Cũng theo ông Hạnh, người dân ngõ 56 Hàng Buồm nói riêng và Phố cổ nói chung, ai nấy đều hiểu rằng chủ trương của đề án là muốn giúp bà con có chỗ ở khang trang, cải thiện chất lượng cuộc sống. “Nhưng khi người ta có cái chân đau thì việc đầu tiên là phải giải quyết vết thương ấy đã. Bụng đang đói thì việc quan trọng là ăn cái gì cho no, chứ không thể giải quyết bằng một nơi ở rộng rãi, sạch sẽ được”.

anh-2.jpg
Nhiều hộ dân quyết bám trụ tại Phố cổ vì miếng cơm manh áo. (Ảnh: Quốc Huy)

Hàng loạt vướng mắc trong chính sách đền bù, tái định cư,... khiến dự án “ngủ đông” ngày này qua tháng khác. Mâu thuẫn ngày càng lớn khi người dân thuộc diện giãn dân không chịu rời xa phố cổ, trong khi hàng loạt khu chung cư tái định cư phục vụ cho việc giãn dân rơi vào cảnh hoang tàn, xuống cấp.

Giãn dân là bài toán khó, vì ai cũng hiểu rằng đất phố cổ là “tấc đất tấc vàng”, là “gà đẻ trứng vàng” cho từng hộ dân. Thế nên khi người dân chưa nhận được những lợi ích thật sự thỏa đáng thì rất khó để tuyên truyền, vận động di dân. 

Theo GS-TS-KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị, để làm được điều này cần cả ba bên: chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng hợp tác và chia sẻ lợi ích. Theo đó, doanh nghiệp thỏa thuận đưa người dân đến ở tại một địa điểm có điều kiện sống tốt hơn nhưng vẫn dành lại một phần diện tích nhỏ để người dân có thể thuê lại buôn bán, kinh doanh. “Ở trường hợp này, chính quyền sẽ đứng ra đảm bảo về mặt cơ sở pháp lý, với các chính sách đền bù, hỗ trợ phù hợp về việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, mặt bằng kinh doanh tạm thời cho người dân và doanh nghiệp,... Đền bù phải đi đôi với hỗ trợ như vậy thì người dân mới phát triển bền vững được" - ông Khôi đề xuất.

Trong khi đó, PGS.TS-KTS Nguyễn Quang Minh quay lại bản chất vấn đề rằng, để đáp ứng được tối đa nhu cầu của dân cư phố cổ, những người làm công tác hoạch định chính sách cần phải khảo sát tại các khu vực có chất lượng cuộc sống ổn định và biết cách lắng nghe, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người dân một cách thoả đáng.

Để giải quyết bài toán di dời dân cư khỏi phố cổ, nhiều phương án đã được đề xuất. Tuy nhiên, tính phức tạp của vấn đề đòi hỏi chính quyền phải có những cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và sự phát triển bền vững của đô thị. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN