Lốp cốp gò nhôm
(Sóng Trẻ) - “Lốp cốp, lốp cốp…”, đó là âm thanh quen thuộc nơi làng nghề gò nhôm đã gần 40 năm tuổi. Với đôi bàn tay khéo léo của người thợ, những tấm nhôm bình thường trở thành dụng cụ nhà bếp được ưa chuộng ở khắp các tỉnh miền Tây.
Làng nghề gò nhôm nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám, phường Hiệp Ninh, thị xã Tây Ninh có từ sau năm 1975 và được duy trì cho đến nay. Ở đây, người ta chuyên tạo ra những dụng cụ sử dụng trong nhà bếp như: nồi, chảo, giá, sạn, muỗng… rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại và kích cỡ.
Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh chỉ cần một số dụng cụ đơn giản như: giấy viết, dũa, kéo, khuôn, búa, đục và phải trải qua 8 công đoạn: vẽ mẫu, cắt, đốt làm mềm nhôm, vào khuôn dùng búa gò, cắt lại, ngâm vào axit pha nước loãng, chùi rửa cho sản phẩm sáng bóng, đem phơi khô.
Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến việc tạo ra sản phẩm mới thấy hết được sự công phu, vất vả của người thợ gò nhôm. Công việc đòi hỏi người thợ phải có sức khoẻ tốt, có đôi tay khéo léo, có sự kiên nhẫn, tập trung cao. Nếu thiếu một trong những yếu tố này, sẽ khó có thể tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh, đạt chất lượng.
Thiết kế mẫu
Gò chảo
Sản phẩm chảo nhôm
Anh Nguyễn Văn Hiền, 49 tuổi, làm nghề gò nhôm trên 30 năm cho biết: “Nguồn nguyên liệu được lấy tận thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày làm ra khoảng 400 - 500 sản phẩm. Hút hàng nhiều nhất là vào dịp Tết, bỏ mối cho các tỉnh miền Tây, riêng Tây Ninh tiêu thụ rất ít, chủ yếu bán lẻ”.
Làm công cho gia đình anh Hiền có từ 6 - 7 người. Mỗi người một công đoạn khác nhau, nên lương cũng có sự chênh lệch, từ 4 triệu - 10 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Văn An, 39 tuổi, thợ gò nhôm chính, có kinh nghiệm hơn 20 năm đã cho chúng tôi biết: “Đối với những thợ lâu năm, nếu làm chảo lớn trung bình mỗi ngày được 140 - 150 cái, chảo nhỏ khoảng 200 cái, lương 330.000 đồng/ngày”.
Theo anh Trần Đức Trung, Phó chủ tịch UBND phường Hiệp Ninh cho biết: “Làng nghề gò nhôm có trên 30 năm, với khoảng 25 - 30 hộ làm nghề, giải quyết được khoảng 300 lao động của địa phương. Sắp tới chúng tôi sẽ tạo điều kiện để làng nghề thêm phát triển”.
Nhóm 1, lớp báo chí K31B Tây Ninh:
Lương Kim Anh (Tổng Biên Tập)
Trần Hoàng Hải (Thư ký)
Dương Đại Dương,Vũ Đức Hải (Biên tập viên)
Nguyễn Thị Bích Đào, Lê Thị Thu Hồng (Phóng viên)
Cùng chuyên mục
Bình luận