Mì gạo Tử Nê: Câu chuyện kể qua từng sợi mì

(Sóng trẻ) - Mảnh đất Tử Nê (xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) vốn nổi tiếng với nghề làm mì gạo từ lâu đời. Mỗi sợi mì là kết tinh của sự khéo léo, bền bỉ từ đôi tay nghệ nhân. Những năm gần đây, mì gạo Tử Nê ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường với hương vị dân dã, riêng biệt.

13h, dưới cái nắng vẫn còn gay gắt của những ngày cuối hạ, trên khoảng sân rộng chỉ nghe thấy tiếng tuốt mì khỏi sào tre, tiếng ken két từ chiếc cân đã cũ, và cả tiếng mồ hôi rơi lã chã. Đó là những thanh âm quen thuộc mỗi ban trưa tại thôn Tử Nê (xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, Bắc Ninh).

Từ những hạt gạo thân thuộc đến tinh hoa ẩm thực Việt

Nghề làm mì gạo ở đây chẳng biết có từ bao giờ, cứ thế được ông cha truyền từ đời này sang đời khác. Đặc trưng của mì gạo Tử Nê là sợi mì nhỏ, trắng, giòn, dai, thoang thoảng mùi thơm của lúa gạo, không có chất phụ gia hay bảo quản. Trước đây, mì được làm hoàn toàn thủ công. Hiện nay, dù đã có máy móc hỗ trợ nhưng phần lớn các hộ vẫn dùng sức người để cho ra thành phẩm là sợi mì dai ngon, đậm chất Tử Nê.

Tính đến hiện tại, thôn có khoảng 30 hộ trực tiếp sản xuất, gần 200 hộ tham gia vào quá trình làm mì. (Ảnh: Ngô Gia Huy)
Tính đến hiện tại, thôn có khoảng 30 hộ trực tiếp sản xuất, gần 200 hộ tham gia vào quá trình làm mì. (Ảnh: Ngô Gia Huy)

Gắn bó với nghề suốt 20 năm, ông Nguyễn Văn Hữu (52 tuổi) chia sẻ: “Quy trình làm mì khá kỳ công, phức tạp. Gia đình tôi thường ngâm gạo khoảng 2 - 3 tiếng, sau đó tiến hành xay, ép từ đêm hôm trước để 3 giờ sáng hôm sau đùn gạo rồi tiến hành ủ. Đến ngày thứ ba mới bắt đầu phơi khô mì dưới nắng”. 

Mỗi sợi mì là kết tinh công sức từ 3 ngày làm việc cần mẫn của người dân Tử Nê. Theo chia sẻ của ông Hữu, công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ càng trong từng công đoạn, đặc biệt là bước lựa chọn nguyên liệu: “Gia đình tôi hay dùng gạo Quảng Tế vì hạt gạo to, mẩy, không kết dính như các loại gạo khác”.

Mì làm xong được phơi trên sào, hong khô dưới nắng. (Ảnh: Ngô Gia Huy)
Mì làm xong được phơi trên sào, hong khô dưới nắng. (Ảnh: Ngô Gia Huy)

Cái nghề phải “chạy trời” suốt ngày

Rải rác cả thôn, hộ nào vốn nhiều thì kinh doanh lớn, hộ có vốn ít hơn thì kinh doanh nhỏ hơn. Với quy mô nhỏ như gia đình ông Hữu, trung bình mỗi ngày các hộ sẽ sản xuất được 3 tạ rưỡi, đều đặn mỗi tháng 15 đến 20 buổi. “Nghề này phụ thuộc 90% vào thời tiết, phải nắng lên tôi mới phơi mì được, còn mưa thì đành nghỉ. Thời tiết không ‘hỏng’ thì người ‘hỏng’, máy hỏng. Thu nhập mỗi người một ngày làm chỉ khoảng 300.000 - 400.000 đồng, giống người đi phụ hồ hay phụ vữa, chẳng thấm vào đâu…”, ông Hữu tâm sự.

“Sớm hôm phải thức dậy đùn gạo, trưa nắng thì lo chạy mì, đôi khi chỉ vội ăn bát cơm hay kịp chợp mắt một chút là việc lại đến tay”. (Ảnh: Ngô Gia Huy)
“Sớm hôm phải thức dậy đùn gạo, trưa nắng thì lo chạy mì, đôi khi chỉ vội ăn bát cơm hay kịp chợp mắt một chút là việc lại đến tay”. (Ảnh: Ngô Gia Huy)

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng chính những sợi mì này đã “nuôi sống” biết bao gia đình tại thôn Tử Nê. Và khoảng thời gian gắn bó đằng đẵng mấy mươi năm trời đã khiến công việc này “ngấm sâu vào da thịt” những con người nơi đây, mà theo ông Hữu là “không làm không chịu được”. 

Bà Nguyễn Thị Đoán (50 tuổi) - vợ ông Hữu bộc bạch: “Công đoạn nào cũng đòi hỏi các bác phải chăm chút, tỉ mỉ nên cũng có khó khăn với người lớn tuổi. Buổi trưa làm được bao nhiêu thì chiều khách đến lấy hết. Bác trai thì có tuổi rồi, ‘dầm sương dãi nắng’ nên đau lưng, mỏi gối. Còn tôi vẫn có sức khỏe để đỡ đần. Hai vợ chồng già nương tựa vào nhau mà cố gắng”.

Bà Đoán tâm sự về cái nghề phải “chạy trời”. (Ảnh: Ngô Gia Huy) 
Bà Đoán tâm sự về cái nghề phải “chạy trời”. (Ảnh: Ngô Gia Huy) 

Nhọc nhằn là vậy song cả hai luôn tự nhủ “phải theo nghề đến cùng”, bởi ngoài tạo nên thu nhập, công việc này còn lưu giữ hết thảy kỉ niệm khó quên về cuộc sống của một gia đình nhỏ, về tuổi trẻ của người làm cha, làm mẹ, và cũng là tuổi thơ của những đứa con. 

“Bố mẹ chịu khổ được nên mới ở mãi với nghề, nhưng các con thì không được chịu khổ. Từ bé, 4 giờ sáng là con tôi đã phải dậy đùn gạo. Trưa đến, con nhà người ta được nghỉ thì con nhà mình vẫn phải phụ giúp. Tôi thương lắm! Nhưng không làm, thì không có tiền đi học. Đi học, để có kiến thức sau này bươn chải, làm những công việc trí óc thu nhập khấm khá hơn”, bà Đoán nghẹn ngào chia sẻ.

Niềm tin vào tương lai

Trái ngược với mẹ, anh Nguyễn Văn Hảo (29 tuổi, giáo viên Tiếng Anh) lại phì cười khi nhắc đến kỉ niệm với công việc làm mì: “Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng sợi mì của bố mẹ. Kỉ niệm đáng nhớ nhất là lúc bé đi làm mì được bố mẹ cho tiền tiêu vặt, cho đi chơi; những khi trời mưa được hàng xóm hỗ trợ chạy mì vào, mưa lạnh mà tình làng nghĩa xóm ấm áp lắm!”.

Từ năm tháng cấp 2, cấp 3, anh Hảo đã được truyền dạy và phụ giúp bố mẹ làm mì. Hiện tại, dù thời gian rảnh không nhiều, anh vẫn cố gắng thu xếp thời gian giúp đỡ gia đình. (Ảnh: Ngô Gia Huy)
Từ năm tháng cấp 2, cấp 3, anh Hảo đã được truyền dạy và phụ giúp bố mẹ làm mì. Hiện tại, dù thời gian rảnh không nhiều, anh vẫn cố gắng thu xếp thời gian giúp đỡ gia đình. (Ảnh: Ngô Gia Huy)

Ngày nay, khi giới trẻ dần xa rời, quên lãng giá trị truyền thống, anh Hảo luôn tin rằng vẫn còn đó những người chọn ở lại quê nhà, phát triển thứ nghề truyền thống này. “Tôi muốn cổ vũ họ hãy trau dồi kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm về máy móc cũng như tay nghề để đưa sợi mì tươi ngon đến tay người tiêu dùng, giúp họ có cái nhìn đẹp về làng nghề truyền thống Tử Nê”, anh Hảo cho hay.

Với những bước phát triển vượt bậc ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu giai đoạn 2019-2020, tháng 1/2024 mì gạo Tử Nê chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận Nhãn hiệu chứng nhận.​​ “Đầu năm nay khi được công nhận Nhãn hiệu, tôi thấy rất vui và tự hào! Có nhãn hiệu rồi, giới thiệu mì đến bạn bè hay khách hàng cũng yên tâm hơn phần nào. Tự hào nữa là vì thức quà truyền thống của gia đình nói riêng, thôn Tử Nê nói chung được công nhận”, anh Hảo nói.

Những công đoạn cuối trước khi vận chuyển từng bó mì thơm ngon đến tay khách hàng.(Ảnh: Ngô Gia Huy)
Những công đoạn cuối trước khi vận chuyển từng bó mì thơm ngon đến tay khách hàng.(Ảnh: Ngô Gia Huy)

Xã hội hiện đại chứng kiến tốc độ phát triển chóng mặt của máy móc. Thế nhưng, sự khéo léo và tình yêu của người nghệ nhân đặt để vào từng sản phẩm truyền thống sẽ mãi còn đó những giá trị lớn lao.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN