Một chuyên khảo thú vị về đạo đức báo chí Việt Nam


(Sóng Trẻ) - Tác phẩm Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo của Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang ra mắt bạn đọc dịp Ngày báo chí Việt Nam vừa qua có lẽ là chuyên khảo dày dặn và trọn vẹn nhất do một tác giả tiến hành về đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo nước ta - gọi tắt là “đạo đức báo chí” - tính đến nay.
 
Chuyên khảo khởi thủy là luận văn tiến sĩ của nhà báo trẻ. Sau khi bảo vệ luận án thành công, chị tiếp thu ý kiến của các Giáo sư trong Hội đồng Khoa học và của nhiều đồng nghiệp, từ đó biên tập, chỉnh sửa, bổ sung nội dung và tổ chức thành sách chuyên khảo. Sách dày 380 trang, gồm 5 chương và phần phụ lục cùng danh mục 135 tài liệu tham khảo, theo tôi là công trình nghiên cứu công phu, cập nhật, rất thú vị và bổ ích về một chủ đề luôn mang tính thời sự trong đời sống báo chí nước nhà vài ba chục năm lại đây.

Ấn tượng mạnh mẽ tác phẩm để lại trong tôi sau khi đọc là sự ngồn ngộn thực tế sống động Việt Nam, nhiều việc nêu trong sách vẫn như là câu chuyện vừa xảy ra, hiện diện trên nhiều trang báo, đang được dư luận sổi nổi luận bàn, có vụ hình như các nhà chức trách cũng chưa khép lại hồ sơ. Là công trình biên khảo chuyên biệt của một nhà giáo chuyên ngành báo chí truyền thông, tác phẩm vẫn không quá nặng tính hàn lâm. Đương nhiên, như mọi công trình nghiên cứu, tác giả đã dành phần đầu của cuốn sách đề cập cơ sở lý luận của chủ đề theo tầm nhìn khoa học, phần này thiết thực, sáng sủa, quan điểm rõ ràng, sát với hoàn cảnh báo chí nước ta, dễ tiếp nhận đối với sinh viên báo chí và những nhà báo bình thường đại thể như tôi.
2329c4c92_6150260649_19e77db1ca.jpg
Tác phẩm Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang.

Tác giả dành hai chương đầu cuốn sách khái quát vấn đề: “Đạo đức nghề nghiệp như một điều tiết trong hoạt động báo chí”, và “Đạo đức nghề nghiệp trong các mối quan hệ của nhà báo”. Hai chương này được xem xét dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát đường lối, chính sách cũng như sự chỉ đạo của Đảng ta đối với báo chí, lực lượng được coi là đi đầu trong công tác chính trị, tư tưởng. Tiếp đó, tác giả khẳng định: “Tính tích cực là khuynh hướng chủ đạo trong đạo đức nghề nghiệp nhà báo Việt Nam” (Chương 3), tuy nhiên không nề hà  ngay sau đó dành cả một chương với dung lượng lớn gần gấp đôi (tính theo số trang) để liệt kê và phân tích “Những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay”, quy các biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp thường gặp nhất vào năm nhóm.

Chương 5, chương cuối cùng, đề cập vấn đề cốt lõi: “Giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam”. Theo tôi, đây là vấn đề “khó nuốt” nhất lâu nay. Còn nhớ, những năm 1990, sau khi Đại hội VI của Hội Nhà báo Việt Nam thông qua Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam gồm 10 điều, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo TƯ) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí Tuyên truyền đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia, bàn cách làm thế nào đưa Quy ước ấy thật sự đi sâu vào đời sống báo chí. Nhiều ý kiến chắt lọc từ hội thảo đến năm 1999 được dùng làm một phần cứ liệu cho việc Quốc hội bổ sung, sửa đổi một số điều trong Luật báo chí 1989, cũng như thể hiện trong nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, một số Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, và đặc biệt các Thông tri hướng dẫn chi tiết việc thi hành của Bộ Văn hóa Thông tin (trước đây) và Bộ Thông tin Truyền thông (hiện nay). Mặc dù vậy, không ít điều trong Quy ước đạo đức và các thông tri hướng dẫn việc thực hiện, vì nhiều lý do, vẫn chưa trở thành thực tế trong cuộc sống. Nguyên nhân chính là ở chỗ Quy ước không phải là Luật, tức là cái được nhiều người thỏa thuận với nhau và cam kết thực hiện theo tâm nguyện, không có giá trị bắt buộc, không kèm theo biện pháp chế tài, thì cho dù có đổi Quy ước thành Quy định mà lòng người chưa thấm thì cơ bản vẫn như cũ mà thôi.

Điều đáng quý của cuốn sách, theo tôi, là khi kiến giải các vấn đề hóc búa này, tác giả Nguyễn Thị Trường Giang không chỉ dựa vào suy nghĩ của riêng mình mà khẳng định một cách dễ dãi theo kiểu, như anh em vẫn nói vui với nhau, “không mất tiền mua” cứ thoải mái đề xuất phải làm thế này, cần làm thế nọ... Phần lớn ý kiến của chị đều dựa trên sự phân tích cứ liệu thực tế, đã đăng tải trên mặt báo, thu hút sự quan tâm của dư luận, hoặc được chứng minh bằng các con số thống kê, biểu đồ mà chị công phu thu thập qua nhiều cuộc điều tra xã hội học dưới dạng phiếu trưng cầu ý kiến một bộ phận công chúng và đồng nghiệp, hay là những biên bản phỏng vấn, biên bản phỏng vấn sâu người dân và nhà báo, vv. Chị dành khá nhiều trang trong phần Phụ lục đăng tải ý kiến của một số nhà báo tên tuổi thuộc nhiều thế hệ, một số người hiện đang giữ cương vị chủ chốt trong ngành báo chí nước nhà về vấn đề này. Cái vốn thực tế phong phú và đa dạng ấy làm nên xương sống của cuốn sách và là nền tảng cho những kiến giải minh bạch, có tính tổng hợp của tác giả. Người đọc có thể không đồng tình với chị về điểm này hay điểm khác, về cách sắp xếp các vấn đề (như thứ tự các nhóm biểu hiện tiêu cực, chẳng hạn), tuy nhiên muốn phản biện với sức thuyết phục, trước hết phải phủ định những luận chứng sống động của chị rồi tự mình dẫn ra những cứ liệu khác. Đây là điều tôi rất tâm đắc khi đọc công trình của Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Triết học Hoàng Chí Bảo tại Lời giới thiệu in ở đầu sách, “tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang còn rất trẻ”. Có nghĩa là sức lực chị đang rất dồi dào, tôi chưa muốn nói sung mãn, quỹ thời gian trước mắt chị còn rất lớn. Chính vì vậy, tôi mạnh dạn gợi ý một vấn đề khác chẳng liên quan đến chủ đề cuốn sách: Tôi muốn đề nghị tác giả bắt tay vào một công trình khoa học nữa, dưới dạng “Đạo đức học so sánh” chẳng hạn, về các Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí được lưu hành rộng rãi nhất trên thế giới ngày nay. Theo Giáo sư người Phần Lan Kaarle Nordenstreng, nguyên Chủ tịch OIJ, vấn đề đạo đức báo chí đặt ra từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và được luận bàn rất sôi nổi sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1972, chuẩn bị tư liệu để phác thảo “Những nguyên tắc quốc tế về đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo” trình UNESCO thông qua, với tham vọng dùng làm khung cho các Quy ước quốc gia, Ban lãnh đạo OIJ đã phân tích, so sánh khoảng 60 bản Quy ước lưu hành rộng rãi ở nhiều nước thuộc năm châu lục1. Nhiều bản của một số quốc gia, nghiệp đoàn, cơ quan báo chí lớn... được đổi mới, bổ sung, cập nhật nhiều lần. Ví như Quy ước của Nghiệp đoàn quốc gia báo chí Pháp được thông qua lần đầu năm 1918, nhiều lần được bổ sung và cụ thể hóa, Quy ước của Nghiệp đoàn quốc gia các nhà báo Vương quốc Anh thông qua năm 1902, rà xét và bổ sung năm 1994, của Hội nhà báo chuyên nghiệp Mỹ thông qua năm 1926, bổ sung năm 1987, Quy ước của báo Washington Post thông qua năm 1933 (Các nguyên tắc của Post, rất ngắn gọn), hoàn chỉnh và cụ thể hóa năm 1989 (Những tiêu chí và quy tắc đạo đức của W.P, dài gấp 14-15 lần, vv2.

So sánh nhiều bản quy ước, chắc chắn có thể rút ra nhiều điều thú vị. Những gì là  giá trị tinh thần chung của nhân loại, bất kỳ ai cũng phải thừa nhận, và những gì mang sắc thái đặc thù của dân tộc, của chế độ chính trị xã hội, của loại hình báo chí? Đổi thay là việc bình thường trong cuộc sống. Song tại sao phải thay đổi? Thay đổi những nội dung gì, theo chiều hướng nào? Sự thay đổi ấy tùy thuộc vào những nhân tố nào và tự chúng sẽ làm phát sinh cái gì khác? Người ta đã làm ra sao để quy ước của họ ít nhiều mang tính ràng buộc, từ đó thật sự có hiệu lực đối với nhà báo thuộc phạm vi thẩm quyền của mình? vv. và vv.

Tôi thiết nghĩ công trình khoa học ấy, nếu được thực hiện, sẽ giúp chúng ta sáng tỏ thêm nhiều suy nghĩ, như về tính chất của báo chí trong thời đại ngày nay, về mối quan hệ giữa báo chí và chế độ chính trị ở mỗi quốc gia, về những nhân tố đang tác động tiêu cực đến đạo đức báo chí, về tính khả thi của quy ước, vv. từ đó tìm ra những giải pháp tốt nhất cho bản quy ước của chính mình.

Một công trình chắc là khó nhưng vô cùng thú vị, trong tầm tay của Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang.

Phan Quang

Nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam

 

* Bài đã đăng trên Tạp chí Người làm báo số 40, tháng 9/2011.

* Sách hiện bán tại khoa PT -TH, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

1 Các quy ước nghề nghiệp báo chí, Praha, 1979.

2 Do Henri Pigeat dẫn trong công trình chuyên khảo của ông: Truyền thông và đạo đức. Những quy tắc không đưa vào cuộc chơi hay là cuộc chơi không quy tắc. Paris, 1997.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN