Báo chí và văn học (1)
(Sóng Trẻ) - Báo chí và văn học có chung một đối tượng nhận thức là hiện
thực đời sống, cùng sử dụng ngôn từ như một công cụ chủ yếu để phản ánh hiện
thực. Tuy nhiên, đây là hai hình thái ý
thức xã hội đặc thù, có những đặc trưng, đặc điểm khác biệt...
6. Những khác biệt cơ bản giữa văn học và báo chí
Báo chí và văn học có chung một đối tượng nhận thức là hiện
thực đời sống, cùng sử dụng ngôn từ như một công cụ chủ yếu để phản ánh hiện
thực. Tuy nhiên, đây là hai hình thái ý
thức xã hội đặc thù, có những đặc trưng, đặc điểm khác biệt.
Văn học đã xuất hiện từ rất lâu trước khi có báo chí. Nó lấy
con người làm đối tượng nhận thức trung tâm với phương thức chiếm lĩnh và biểu
đạt đặc thù là hình tượng nghệ thuật. Văn học phản ánh hiện thực thông qua
những hình tượng nghệ thuật vừa phản ánh chân thực đời sống, đồng thời thông
qua đó thể hiện thái độ thẩm mỹ của nhà văn. Như vậy, thông tin trong tác phẩm
văn học là thông tin thẩm mỹ và tính hình tượng là dấu hiệu đặc trưng giúp ta
phân biệt văn học với những loại tác phẩm khác tuy cũng diễn đạt bằng lời văn,
cũng dùng văn chương nhưng không phải là văn học hoặc chỉ ít nhiều mang tính
chất văn học.
Báo chí xuất hiện trong đời sống con người muộn hơn nhiều so
với văn học. Nó có nhiệm vụ thông tin kịp thời về cái mới. Đó là những sự việc,
sự kiện, tình huống, hoàn cảnh tiêu biểu đang nảy sinh hàng ngày hàng giờ trong
đời sống. Nó phản ánh hiện thực đúng trong mọi trạng huống tồn tại có thực và
luôn luôn chịu áp lực của yêu cầu thời sự. Yêu cầu này nhiều khi gay gắt đến
từng phút.
Báo chí có nhiệm vụ cung cấp thông tin nhằm thoả mãn nhu cầu
được hiểu biết của công chúng về những sự thật nóng hổi, sinh động mới xảy ra.
Đó là những sự thật tiêu biểu, mới xảy ra, được phản ánh một cách chính xác, cụ
thể, tỷ mỉ, cặn kẽ.
Trên cơ sở của sự so sánh trên, có thể thấy báo chí và văn
học có mục đích, nhiệm vụ vàchức năng riêng, do đó không thể phân biệt chúng
một cách đơn giản từ chất lượng nghệ thuật. Báo chí phản ánh sự thật dưới sự
chi phối gắt gao của áp lực thời sự. Chính áp lực này đã chi phối đến dung
lượng, ngôn ngữ, bút pháp cho đến cách thức tổ chức tác phẩm báo chí nói chung.
Tác phẩm văn học không chịu áp lực này.
7. Mối quan hệ giữa văn học và báo chí
Giữa văn học và báo chí luôn tồn tại một mối quan hệ chặt
chẽ và bền vững. Điều này được thể hiện một cách toàn diện từ nội dung (đề tài,
đối tượng phản ánh) đến các yếu tố hình thức (kết cấu, ngôn ngữ, bút pháp,
giọng điệu, thể loại).
Trong thực tế, trên báo chí vẫn thường xuyên xuất hiện một
số thể loại văn học có thể đáp ứng những yêu cầu thời sự của báo chí một cách
rất năng động như tiểu phẩm, tạp văn và một số tác phẩm thuộc ký. Đó là những
thể loại nằm trong khu vực giao thoa giữa văn học và báo chí. Chúng có thể kết
hợp một cách hiệu quả đặc trưng hình tượng của văn học với đặc trưng thông tin
sự kiện xác thực - thời sự của báo chí để phản ánh sinh động một hiện thực đang
phát triển ngày càng đa dạng. Với những tác phẩm này, đặc trưng văn học luôn chi
phối quá trình sáng tạo tác phẩm, còn tính chất báo chí của chúng thể hiện ở
khả năng bám sát những vấn đề, chủ điểm thời sự.
8. Ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ báo chí
Văn học và báo chí đều sử dụng ngôn ngữ của đời sống, đều
nhằm tới đối tượng công chúng, do đó nhìn chung ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ
báo chí có rất nhiều điểm tương đồng, khó phân biệt. Trong một số trường hợp,
hầu như không thể phân biệt được sự khác nhau về phương diện ngôn ngữ giữa một
số tác phẩm văn học thuộc loại tự sự (như truyện ngắn, tiểu thuyết và các thể
ký văn học) với ngôn ngữ trong các tác phẩm phóng sự, ghi nhanh, ký chân dung,
ký chính luận của báo chí.
Sự khác biệt về ngôn ngữ của văn học và báo chí thể hiện rõ
nhất ở một số thể loại mang đậm những đặc trưng loại hình. Trong văn học, đó là
kịch, thơ, ca... còn trong báo chí là các thể loại thuộc nhóm các thể thông tấn
báo chí như tin, bài thông tấn, điều tra, tường thuật.
Trong tương quan so sánh giữa các thể loại này, ngôn ngữ của
tác phẩm văn học giàu hình ảnh và cảm xúc với những biện pháp nghệ thuật phong
phú nhằm tái tạo hình tượng nghệ thuật, còn ngôn ngữ của tác phẩm báo chí lại
thiên về tính chất thông tin, thông báo và đặc biệt chú ý tới sự chính xác, cụ
thể. Nói cách khác, trong khi ngôn ngữ báo chí thiên về sự chính xác, tính ngắn
gọn, đơn giản, trực tiếp thì ngôn ngữ văn học nài nhiệm vụ phản ánh chân thực
đời sống còn phải thể hiện được góc nhìn thẩm mỹ của nhà văn trước hiện thực.
Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ phải được lựa chọn, tổ chức, sáng tạo trên cơ
sở của một quan niệm thẩm mỹ của tác giả.
Những khác biệt về ngôn ngữ giữa văn học và báo chí như trên
là để so sánh giữa văn học với loại hình báo in. Đối với các loại hình báo chí
khác như báo nói, báo hình, báo ảnh, báo mạng -Internet, sự khác biệt càng trở
nên sâu sắc hơn do sự chi phối của đặc trưng loại hình. Chẳng hạn: khi viết cho
báo hình, người viết phải biết cách phối hợp giữa lời nói với tiếng động, âm
nhạc; viết cho báo nói thì phải viết sao cho người đọc có thể dễ dàng truyền
đạt nội dung văn bản tới công chúng thính giả.
Cũng cần nhấn mạnh rằng: người viết văn chưa bao giờ phải
đứng trước những đòi hỏi như vậy. Tác phẩm văn học là tác phẩm nghệ thuật của
ngôn từ, do đó nó đòi hỏi mỗi nhà văn phải khai thác tối đa năng lực biểu hiện
của ngôn từ, phải biết cách làm cho từ ngữ trở nên sống động, ấn tượng. Ngôn từ
trong tác phẩm văn học không chỉ phản ánh chân thực đời sống mà còn phải bộc lộ
thái độ thẩm mỹ của nhà văn trước hiện thực.
LTKT