(Sóng trẻ) - Làng Tiếu (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) từng trứ danh một thời với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhưng đến nay, trong làng chỉ còn lại một số người già cố bám trụ với nghề cha ông để lại…
Trung bình mỗi hộ dân trong làng Tiếu (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) đều sở hữu một vườn dâu với những cây có tuổi đời lên tới hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, số cây được sử dụng cho nghề nuôi tằm hiện nay không nhiều. (Ảnh: Phương Linh)
Gia đình bà Đinh Thị Cúc là một trong số ít hộ trong làng còn giữ nghề trồng dâu nuôi tằm của cha ông để lại. Bà Cúc chia sẻ.“Nhà tôi làm nghề trồng dâu nuôi tằm do các cụ để lại bao đời nay rồi. Trong làng này thì còn ít nhà theo nghề lắm, bọn trẻ nó ra ngoài kiếm tiền hết!”. (Ảnh: Phương Linh)
Mỗi ngày, những người làm nghề phải thay lá cho tằm ăn một lần với khoảng 10kg lá dâu non, sạch. Nuôi tằm không mất nhiều thời gian nhưng yêu cầu sự chăm chút tỉ mỉ và cần mẫn. “Ngày nào cũng phải thay lá cho tằm 1 lần, có những ngày nóng phải thay 2 lần cho tằm không bị nóng và chết”, bà Cúc cho hay. (Ảnh: Phương Linh)
Gia đình ông Hoàng Văn San cũng là một trong số những hộ trong làng còn theo nghề truyền thống. Ông San chia sẻ, trong làng hiện giờ chỉ còn khoảng 2-3 nhà nuôi tằm truyền thống. (Ảnh: Phương Linh)
Số tằm được nuôi cũng ngày một ít đi, chỉ vỏn vẹn lại vài nong trên chiếc giá nhỏ trong nhà. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá khiến cho việc nuôi tằm truyền thống càng khó cạnh tranh. Nuôi tằm kiểu truyền thống mất nhiều công, dài ngày, khó đảm bảo chất lượng đầu ra hơn nuôi tằm công nghiệp nên thương lái tìm đến mua ít dần. (Ảnh: Phương Linh)
Ông Hoàng Văn Uyên (người dân làng Tiếu) chia sẻ: “Nuôi tằm không yêu cầu nhiều sức khoẻ, lớn tuổi vẫn làm được nhưng lại yêu cầu sự chăm chút, tỉ mỉ từng tí không thì tằm hỏng cả lứa. Vậy nên người trẻ không quen, không yêu thích nghề này thì khó mà theo được”. (Ảnh: Phương Linh)
Tơ tằm làng Tiếu đặc biệt ở chỗ có màu vàng óng ả do được ươm giống tằm truyền thống của người Việt. Tuy kén nhỏ, không tròn trịa, năng suất không cao như kén trắng nhưng tơ kén vàng có sức dẻo dai, bền bỉ và chịu nhiệt tốt hơn. (Ảnh: Phương Linh)
Tuỳ theo yêu cầu của thương lái mà người nuôi tằm để cách ươm tơ thành kén hay thành phên để dễ lấy và kéo sợi. Kén được bán với giá khoảng 250.000đồng/kg sau 45-55 ngày ươm. (Ảnh: Phương Linh)
Ngậm ngùi trước sự thay đổi của thời đại, những người làm nghề “ăn cơm đứng” chỉ biết cố giữ nghề cha ông truyền lại càng lâu, càng tốt. (Ảnh: Phương Linh)