Ngàn câu chuyện kể trên đôi cánh chuồn chuồn

(Sóng trẻ) - Làng Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) nổi tiếng với những chú chuồn chuồn tre đầy màu sắc. Nhưng làm sao để duy trì và đẩy mạnh sản phẩm truyền thống này, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Cánh chuồn “nuôi” người Thạch Xá

Từ những vật liệu quen thuộc của làng quê Việt Nam là cây tre cùng bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, những chú chuồn chuồn đủ màu sắc ra đời trở thành món đồ chơi yêu thích của trẻ em bao đời nay. Ghé thăm làng Thạch Xá, chúng tôi tìm đến hộ gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Liên - một trong hai hộ duy nhất còn sản xuất chuồn chuồn tre. Trong tiếng cắt, chẻ tre đều tay, hai vợ chồng ông Liên vừa làm vừa tâm sự với chúng tôi quá trình làm ra sản phẩm. Theo ông Liên, chuồn chuồn tre phải làm gần như 100% thủ công, cần sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ. Bắt đầu từ khâu chọn tre, phải là loại tre bánh tẻ, không quá già hay quá non. Những cây tre được lựa chọn kỹ lưỡng từ những rừng cây ở Hà Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Tre phải cạo bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, phơi khô, từ đó cắt chia thành từng thanh tre nhỏ cho từng bộ phận thân, cánh. Điều đặc biệt nhất ở chú chuồn chuồn chính là phần mỏ. Để chuồn chuồn tre đứng thăng bằng, phần mỏ phải được uốn cong bằng thanh sắt nung đỏ. Tiếp theo là công đoạn lắp ghép cánh và sơn vẽ. Đối với người nghệ nhân, khó nhất chính là sự thăng bằng. Bà Xoan, vợ ông Liên nói: “Hai cánh chuồn chuồn phải được căn đối xứng thật chính xác để nó tự thăng bằng khi đậu trên bề mặt cái đế nào đó hay trên đầu ngón tay. Vì vậy, mỗi con chuồn chuồn phải nâng lên đặt xuống hơn 10 lần mới có thể hoàn thiện.”

Nghệ nhân Đỗ Văn Liên say sưa làm chuồn chuồn
Nghệ nhân Đỗ Văn Liên say sưa làm chuồn chuồn


Làm chuồn chuồn tre vất vả như thế, nhưng khi được hỏi sao đến giờ vẫn gắn bó với nghề, bà Xoan thật thà chia sẻ: “Một phần là do gia đình muốn lưu giữ lại ký ức tuổi thơ qua con chuồn chuồn, phần vì cái nghề đã đưa mình từ nghèo khó đến mua được nhà, nuôi được con ăn học. Tuy mỗi con chuồn chuồn bán chỉ có giá 7.000 đồng nhưng tích cóp lại nhiều, bán cho khách quen, gia đình vẫn có thể duy trì được đến ngày hôm nay”. Tiếp lời, ông Liên vui vẻ chỉ ngay cho chúng tôi tờ giấy ghi chú được đính trên tường: “Vừa mới đây thôi, tôi vừa giao đơn 2000 con. Sắp tới lại chuẩn bị giao 1000 con. Có những đơn hàng được xuất sang cả nước ngoài. Nhiều khi đơn gấp, làm ngày làm đêm không kịp”. 

Công việc làm chuồn chuồn tre không chỉ tạo thu nhập cho nhà ông Liên mà còn giúp đỡ nhiều bà con ở xung quanh. Ông Liên chia sẻ: “Xung quanh đây mỗi người một công đoạn, chủ yếu là vẽ hoạ tiết trên cánh chuồn. Mọi người thường mang việc về nhà làm chứ không làm tại xưởng, cuối tuần thì có các cháu học sinh đến đây phụ giúp. Mình tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng hết sức có thể.” Có thể nói, chuồn chuồn tre mang một ý nghĩa lớn đối với người dân Thạch Xá, bởi chúng vừa thể hiện cho sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì của người dân nơi đây, vừa tạo thu nhập kinh tế nuôi sống gia đình.

Hàng nghìn chú chuồn chuồn tre được xếp ngay ngắn, sẵn sàng đóng gói giao đơn (Ảnh: Khánh Ly).
Hàng nghìn chú chuồn chuồn tre được xếp ngay ngắn, sẵn sàng đóng gói giao đơn (Ảnh: Khánh Ly).

 

Tương lai nào cho cánh chuồn?

Thích nghi với xu thế của xã hội, gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Liên nay cũng đã sử dụng các phương thức công nghệ tiên tiến để quảng bá sản phẩm như web, shopee, mạng xã hội,... Điều này đã mang lại những kết quả tích cực, khi nhiều người được biết đến chuồn chuồn tre và có cơ hội tham gia trải nghiệm tại làng. Tuy nhiên khi được hỏi về hiệu quả các phương thức này, bà Xoan chia sẻ: “Khách đặt mua của gia đình chủ yếu là khách quen từ xưa đến nay. Khách đặt online thì cũng có, nhưng ít. Hầu hết là qua các mối trung gian, họ nhập để bán và xuất khẩu qua các nước chứ mình không tự làm được”. Do phát triển qua mối quen, gia đình ông Liên chủ yếu tập trung vào sản xuất hơn là tạo dựng danh tiếng và thương hiệu của làng nghề. 

Chuồn chuồn tre đang được phơi để làm khô lớp sơn áo bên ngoài (Ảnh: Nguyễn Linh).
Chuồn chuồn tre đang được phơi để làm khô lớp sơn áo bên ngoài (Ảnh: Nguyễn Linh).


Chuồn chuồn tre là sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam, nguyên liệu đơn giản, nhưng để làm ra nó một cách hoàn mỹ và cân bằng thì không phải ai cũng có thể làm được. Chính vì lẽ đó, nên việc học nghề làm chuồn chuồn tre chẳng thể diễn ra trong ngày một ngày hai; nó phải là kết quả của nhiều năm tháng rèn luyện và học tập, không ngừng phát triển và sáng tạo. Khi được hỏi có định truyền nghề lại cho con hoặc người khác không, nghệ nhân Đỗ Văn Liên cười buồn: “Con cái tôi giờ có công việc hết rồi, cũng không có đứa nào theo nghề này. Dạy nghề thì tôi cũng dạy, nhưng ít ai có kiên nhẫn theo đến cùng. Giờ tôi còn làm được ngày nào hay ngày đấy”. Thật khó có thể nói trước về tương lai của làng. Tre già măng mọc, đó là quy luật tất yếu ở đời. Nhưng nếu không thể truyền lửa cho những thế hệ mai sau, vậy ai sẽ là người ở lại để tiếp nối và thổi bùng lên ngọn lửa “chuồn chuồn tre Thạch Xá”?

“Hiện nay ngoài chuồn chuồn, còn những mẫu mã khác như chim, bướm,... Cái đó là do nhu cầu khách muốn đặt. Còn tương lai, khi nào khách hàng có nhu cầu mẫu mã gì, mình sẽ làm theo để đáp ứng.” - nghệ nhân chia sẻ khi được hỏi về dự định phát triển trong tương lai. Nếu cứ mãi chạy theo thị hiếu, chuồn chuồn có thể bán được, nhưng rồi sẽ có ngày không còn được ưa chuộng nếu có một sản phẩm có đặc điểm thăng bằng tương tự nhưng đặc biệt hơn xuất hiện. Phải chăng, đã đến lúc chuồn chuồn tre cần một sự bứt phá, tự mình thay đổi để thu hút khách hàng, tạo nên thương hiệu vững chắc cho “làng chuồn chuồn tre Thạch Xá?”

Sản phẩm chuồn chuồn, bướn, chim,... đa dạng (Ảnh: Nguyễn Linh).
Sản phẩm chuồn chuồn, bướn, chim,... đa dạng (Ảnh: Nguyễn Linh).

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Nữ sinh năm nhất với phần thi ứng xử song ngữ xuất sắc trở thành Hoa khôi Báo chí 2023

Nữ sinh năm nhất với phần thi ứng xử song ngữ xuất sắc trở thành Hoa khôi Báo chí 2023

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Tối ngày 31/3, Chung kết cuộc thi Press Beauty 2023 được tổ chức tại Hội trường C - Học viện Báo chí và Tuyên truyền với màn thể hiện xuất sắc của 10 thí sinh.

Talkshow "Người làm báo trong kỷ nguyên số”: Công chúng ở đâu, nhà báo phải có mặt ở đó

Talkshow "Người làm báo trong kỷ nguyên số”: Công chúng ở đâu, nhà báo phải có mặt ở đó

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, sáng ngày 18/3, Talkshow “Người làm báo trong kỷ nguyên số” diễn ra với những chia sẻ hữu ích về chuyện nghề báo trong thời kỳ công nghệ, chuyển đổi số

Muôn màu hoạt động của Bảo tàng Hà Nội tại Hội báo Toàn quốc 2023

Muôn màu hoạt động của Bảo tàng Hà Nội tại Hội báo Toàn quốc 2023

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2023, bên cạnh chuỗi sự kiện về nghiệp vụ báo chí, Hội báo năm nay còn thu hút đông đảo công chúng bằng các chuyên đề trưng bày và sự kiện văn hóa truyền thống do Bảo tàng Hà Nội tổ chức.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN