Ngành giáo dục: Đầu tư nhiều nhưng chất lượng bao nhiêu?!
(Sóng trẻ) - “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Điều đó có nghĩa là bất kỳ ở thời đại nào, quốc gia nào, vấn đề phát hiện và bồi dưỡng hiền tài luôn là vấn đề quan trọng của đất nước.
Ở Việt Nam, từ lâu giáo dục đã được coi là quốc sách hàng đầu để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ và trí tuệ của con người. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2012, ngân sách nhà nước chi cho ngành giáo dục là 170 349 tỉ đồng, cao gấp 7,5 lần so với năm 2003.
Bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục của nhà nước, người dân cũng càng ngày càng chú trọng việc học tập cho con em của mình. Hầu hết các gia đình đều đầu tư cho con đi học với điều kiện tốt nhất có thể. Có rất nhiều bậc sinh thành phải làm lụng vất vả để cho con ăn học đàng hoàng, thậm chí có người cha như ông Nguyễn Hữu Định (Ứng Hòa- Hà Nội) phải sống cuộc sống vỉa hè hơn 10 năm để kiếm tiền cho con đi học.
Ông Nguyễn Hữu Định sống nhiều năm trong cống để kiếm tiền nuôi con ăn học. (Ảnh: Internet)
Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, con người ngày càng được giáo dục trong một môi trường tốt, có nhiều điều kiện để học tập hơn những thế hệ đi trước. Nhiều gia đình có điều kiện đã mua cho con em mình những thiết bị học tập đắt tiền như máy tính xách tay, ipad, sách điện tử,… thậm chí thuê gia sư dạy riêng tại nhà để cho con có thể học tập tốt hơn.
Rất nhiều gia đình sắm ipad cho con học tập và giải trí. (Ảnh: Internet)
Theo thống kê của Cục thống kê, tính đến năm 2011, cả nước có gần 11 000 trường Mầm non và Trung học đạt chuẩn quốc gia. Trong nhà trường, hệ thống máy chiếu đã được đưa vào giảng dạy ở nhiều trường từ cấp tiểu học đến cấp đại học. Đa số các phòng học đều được xây dựng khang trang, có đầy đủ ánh sáng, quạt điện phục vụ học tập và đội ngũ giáo viên ngày càng được trau dồi và bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng sư phạm…
Tuy nhiên, kết quả đạt được trong ngành giáo dục trong những năm vừa qua vẫn chưa thực sự như mong muốn. Tại hội nghị quán triệt nghị quyết TW8 và tổng kết năm học 2012-2013, Bộ trưởng bộ giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục có tiến bộ so với bản thân nó trước đây, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, so với mong muốn của thầy và trò, của phụ huynh, của Đảng, nhà nước và xã hội thì chưa đáp ứng. Giáo dục và đào tạo nước ta chưa đóng góp được vào việc đưa nguồn nhân lực (chất lượng cao) trở thành thế mạnh thực sự của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.
Vậy đâu là lí do điều kiện học tập tăng lên mà chất lượng giáo dục chưa xứng tầm với sự quan tâm của toàn xã hội? Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực sự chứ không phải chỉ trên các con số thông kê?
Xin mời quý độc giả đóng góp ý kiến và gửi về diễn đàn theo địa chỉ [email protected] hoặc bình luận vào hộp thư cuối bài viết.
Nguyễn Huệ - Nhóm 6
Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận