Nghệ nhân trẻ 9x và Nghệ thuật Điêu khắc Ánh sáng
(Sóng trẻ)- Điêu khắc Ánh sáng là một trường phái nghệ thuật mới tại Việt Nam. Được thể hiện bởi sự kết hợp giữa điêu khắc truyền thống với nguồn ánh sáng cố định. Qua đó, tạo nên những hình ảnh độc đáo bằng chính phần bóng của vật thể đã được điêu khắc. Cùng theo dõi những chia sẻ của nghệ nhân Bùi Văn Tự - người sáng lập nên trường phái nghệ thuật này nhé!
Chào anh. Được biết, anh là người sáng lập nên trường phái nghệ thuật Điêu khắc Ánh sáng. Vậy anh có thể chia sẻ hành trình đến với nghệ thuật này?
Cảm hứng đến với nghệ thuật này xuất phát từ thời điểm tôi còn là một sinh viên. Trong một lần đi làm thêm công việc dựng non bộ tiểu cảnh, sau khi làm xong tôi có dùng đèn hắt vào non bộ, tạo những mảng sáng tối trông sẽ hấp dẫn hơn. Tình cờ tôi nhìn thấy bóng của non bộ in lên bức tường phía sau, hình dáng gần giống một chú gấu. Tôi mới trăn trở và đặt ra câu hỏi tại sao mình không làm phần bóng theo thiết kế ban đầu của mình. Từ đó tôi mới nghiên cứu, tìm tòi và cho ra đời dòng nghệ thuật Điêu khắc Ánh sáng.
Trong thời gian đầu tìm tòi và thực hiện tác phẩm, điều gì đối với anh là khó khăn nhất?
Giai đoạn đầu tiên khi mới bắt đầu tìm hiểu, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, đây là một loại hình nghệ thuật mới, chưa có tiền lệ nên mình phải tự tìm tòi, không tìm hiểu được từ những người đi trước như các loại hình nghệ thuật khác.
Thứ hai, việc tạo hình để phù hợp giữa phần hình và phần bóng rất khó. Phần hình chỉ cần sai lệch 1mm thì sẽ làm hỏng cả phần bóng. Nó đòi hỏi sự tập trung và tính tỉ mỉ rất cao.
Vậy trong thời điểm hiện tại, khi đã làm quen được loại hình nghệ thuật mới mẻ này, có thách thức gì đối với anh?
Hiện tại, ngoài gỗ thì tôi có thể hiện nghệ thuật Điêu khắc Ánh sáng trên chất liệu gốm Bát Tràng. Gốm lại tạo hình khó hơn gỗ, bởi độ biến dạng của gốm sau khi cho vào nung là 18%, vậy nên tạo hình cần tính đến độ biến hình của gốm nung ở nhiệt độ 1250 độ C. Vì vậy cần sự tính toán cực kỳ chuẩn xác, sao cho gốm ra lò đáp ứng được yêu cầu, ý tưởng đầu tiên của mình.
Trong quá trình điêu khắc, ánh sáng được đưa vào lúc nào?
Khi điêu khắc, tôi sử dụng ánh sáng ngay khi đặt tay lên và bắt đầu điêu khắc. Phải vừa chiếu đèn, vừa chạm trổ sao cho nó ra đúng sản phẩm mà mình đã lên ý tưởng.
Nó giống như việc xây một ngôi nhà, luôn cần một bản thiết kế trước. Điêu khắc ánh sáng cũng vậy, trước khi mình làm một tác phẩm thì cần phải có ý tưởng, có nguồn cảm hứng. Ví dụ như tác phẩm đó là gì, là hình của ai, nội dung nó thế nào. Sau đó mình sẽ phác thảo bố cục của một tác phẩm khi hoàn thiện. Từ đó mình sẽ căn được góc đèn, góc tia sáng là bao nhiêu. Và cuối cùng tôi sẽ vừa bật đèn, vừa chế tác để có được tác phẩm hoàn thiện.
Trong lúc sáng tác có lúc tắt đèn, có lúc bật đèn để xác định góc độ và sự biến dạng mỗi chất liệu. Ví dụ như gốm sau khi mình tạo hình xong sẽ đến công đoạn mình sấy khô, làm men rồi mới tạo ra thành phẩm. Gỗ sau khi mình điêu khắc xong thì có thể làm sạch bằng cách đánh giấy ráp để tác phẩm chỉnh chu hơn. Quan trọng hơn là viết được nội dung cho tác phẩm để tạo nên giá trị cảm xúc.
Đây thực sự là một công việc cần sự tài hoa và sự tỉ mỉ. Vậy một tác phẩm điêu khắc sẽ được hoàn thiện trong thời gian là bao lâu, thưa anh?
Thông thường sẽ tùy vào từng sản phẩm và chất liệu cụ thể. Thời gian trung bình là từ 15-45 ngày. Lâu hơn sẽ từ 2-5 tháng. Với gốm thì nặn hình mất một tháng, phơi khô một tháng rồi mới đem nung, trong suốt quá trình đó phải liên tục để ý và chỉnh sửa các chi tiết tác phẩm sao cho vừa vặn nhất.
Ngoài gỗ ra, anh còn sử dụng những vật liệu nào khác? Và khó khăn của mỗi loại là gì?
Tôi đang sử dụng hai chất liệu chủ đạo. Đó là gỗ lũa và gốm Bát Tràng. Ngoài ra, phụ thuộc vào từng nguồn cảm hứng và từng chủ đề khác nhau. Ví dụ như chủ đề về môi trường thì mình có thể làm trực tiếp trên các rác thải, phế liệu, thể hiện các thông điệp mà mình mong muốn. Nhìn chung, nghệ thuật Điêu khắc Ánh sáng có thể làm trên hầu hết các chất liệu. Chỉ cần mình tìm hiểu và tỉ mỉ là được.
Trong sự nghiệp làm điêu khắc của mình, anh đã từng gặp phải những rủi ro, thất bại nào? Có điều gì khiến anh nhớ nhất?
Những lần thất bại, hỏng hóc rất nhiều. Đặc biệt là trong thời gian đầu mới tìm tòi, nghiên cứu. Chỉ cần khắc sai 1 chi tiết nhỏ sẽ làm hỏng cả tác phẩm. Và bắt buộc mình sẽ phải làm lại từ đầu.
Tôi thường tổ chức những buổi talk show, triển lãm để những người yêu nghệ thuật có thể nhìn nhận, đánh giá. Chính vì vậy rủi ro thường đến trong khâu vận chuyển. Tuy đã đóng gói cẩn thận và vận chuyển bằng đường tàu, xe nhưng cũng không tránh khỏi những lần va chạm khiến tác phẩm bị hư hỏng. Nhất là với những tác phẩm làm từ rác thải hay mảnh gốm vỡ.
Tôi có nhớ năm 2019, tôi có tham gia triển lãm Festival tại Huế. Khi ấy, một chiếc bình gốm đã bị vỡ sau quá trình vận chuyển từ Hà Nội. Tôi mất một ngày để khắc phục xong tác phẩm, kịp cho buổi trưng bày. Tuy khó khăn nhưng đó cũng là một trải nghiệm tốt, giúp tôi rút kinh nghiệm cho quá trình đóng gói, vận chuyển sau này.
Có thể nói, Công ty Điêu khắc Ánh sáng Đại Việt là quả ngọt anh thu được sau rất nhiều năm cố gắng. Hiện giờ, ngoài làm các tác phẩm trưng bày, anh còn làm theo yêu cầu của khách hàng. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
Tôi sẽ chế tác theo yêu cầu của khách hàng. Có người muốn làm chân dung về chính họ hoặc hình ảnh của cha mẹ. Đầu tiên họ sẽ cung cấp thông tin về nhân vật, các câu chuyện cuộc đời, hình ảnh của nhân vật đó. Từ đó, tôi sẽ xây dựng câu chuyện thông qua hình điêu khắc. Đến khi chiếu đèn sẽ tạo nên một bức chân dung ẩn chứa cả những câu chuyện nhân đạo, ý nghĩa.
Ví dụ một người tuổi Thân, tôi sẽ điêu khắc hình ảnh chú khỉ ôm trái đào, đến khi chiếu ánh sáng vào sẽ hiện ra chân dung của chính người đó. Hai hình ảnh đều khắc họa lên những đặc điểm cơ bản về nhân vật.
Thường trong các tác phẩm nghệ thuật sẽ có những giá trị cốt lõi. Anh có thể chia sẻ những giá trị mà anh xác định có trong tác phẩm của mình?
Tôi luôn quan niệm mỗi một tác phẩm nghệ thuật đều là một người bạn của mình. Tôi là người dành hết tâm huyết và thời gian cho nó. Vì vậy tôi cho rằng mỗi tác phẩm đều có chứa những thành tố giống như con người ta vậy. Các thành tố đó là Thân - Tâm - Tuệ.
Thân là kỹ thuật chế tác, hay có thể xem là hình ảnh mà mình khắc lên gỗ. Tâm là cảm xúc, tâm hồn người nghệ nhân, là phần bóng hiện lên tường. Phần Tuệ là tư duy, sáng tạo. Trong điêu khắc thì phần Tuệ được tượng trưng bởi ánh sáng, ngọn đèn. Ngọn đèn soi vào Thân sẽ thấy được Tâm. Đó là giá trị cốt lõi của nghệ thuật Điêu khắc Ánh sáng.
Anh có dự định gì trong tương lai không? Nếu có, anh có thể chia sẻ?
Nghệ thuật Điêu khắc Ánh sáng là một loại hình rất là mới. Đặc biệt nó được sinh ra từ Việt Nam. Tôi rất muốn có thể lan tỏa, chia sẻ giá trị nghệ thuật này đến đông đảo những người yêu nghệ thuật.
Để lan tỏa rộng hơn, 2 tháng tới tôi có làm một showroom tại Bình Dương. Các khán giả từ Bắc đến Nam đều có thể đến tham dự triển lãm. Showroom có diện tích khoảng 3000 m3. Đây sẽ là nơi để mình kể những câu chuyện về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.
Tôi muốn Điêu khắc Ánh sáng trở thành một loại hình nghệ thuật Việt Nam được dùng để kể những câu chuyện về con người Việt. Không chỉ để bạn bè trong nước lắng nghe mà còn lan tỏa ra bạn bè quốc tế. Đó là khao khát của tôi.
Cảm ơn anh đã chia sẻ những trải nghiệm về loại hình nghệ thuật hết sức mới mẻ này. Mong rằng trong tương lai, Điêu khắc Ánh sáng sẽ nhận được sự quan tâm của đông đảo người yêu nghệ thuật. Chúc anh và công ty Điêu khắc Ánh sáng Đại Việt sẽ ngày càng phát triển, trở thành niềm tự hào của Việt Nam!
Một số hình ảnh tác phẩm Điêu khắc Ánh sáng