Nghiện mua sắm: Coi chừng là dấu hiệu của chứng bệnh tâm thần

(Sóng trẻ) - Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Huệ - Viện Tâm lý Việt Pháp cho biết, nghiện mua sắm được cho là hội chứng tâm lý có nguy cơ bùng nổ số lượng người mắc.

Mua sắm vô tội vạ đến “cháy túi”

Hơn 100 đơn hàng chỉ trong vòng 6 tháng là một con số đáng kinh ngạc mà Phương Anh (23 tuổi, Hà Nội) đã từng xem là “chiến tích huy hoàng” khi oanh tạc các sàn thương mại điện tử và livestream trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn cao điểm. 

“Chỉ ở nhà không có việc gì làm nên mình coi mua sắm như thú vui tiêu khiển duy nhất. Ban đầu chỉ là 1-2 đơn 1 tuần nhưng dần dần con số tăng lên. Cũng không biết từ lúc nào mà mình bắt đầu mua vô tội vạ, số đơn hàng cũng từ lúc nào đã vượt quá con số 100 rồi”, Phương Anh chia sẻ.

33c4cc6c72b4a7eafea5.jpg

Hình ảnh một lần “chốt đơn” trong đợt sale của Thành viên Kim cương Phương Anh

Là sinh viên lại phát sinh đam mê mua sắm trong lúc dịch bệnh khó lường, xong nhờ công việc dịch thuật online tại nhà mà thời điểm ấy Phương Anh vẫn có thu nhập để thoả mãn sở thích “chốt đơn” của mình. Thế nhưng dường như số tiền kia cũng không đủ trước số lượng đơn hàng mà cô đã mua. 

“Mình gần như dùng toàn bộ số tiền kiếm được trong một tháng vào việc mua sắm, nhiều lúc cháy ví rồi nhưng mình vẫn khó kiểm soát việc shopping nên cũng không ít lần phải nhờ đến sự trợ giúp của phụ huynh”, Phương Anh bộc bạch.

Số đơn trong giỏ hàng điện tử luôn được duy trì ở mức 99+ chỉ chờ đến ngày sale của sàn thương mại điện tử là sẽ thêm mã ưu đãi để thanh toán. 

Phương Anh chia sẻ, ban đầu chỉ mua những món đồ cần thiết nhưng dần dà việc mua sắm trở thành thói quen mà cô không dừng lại được, lâu không mua sắm khiến Phương Anh cảm thấy như “thiếu cái gì đó” và rất khó chịu. 

Theo Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Huệ - Viện Tâm lý Việt Pháp, những trường hợp giống như Phương Anh được chẩn đoán là rơi vào trạng thái bị cưỡng bức bởi xung động mua sắm quá mức mà nhiều nhà chuyên môn hay gọi là “nghiện mua sắm”. 

Hội chứng nghiện mua sắm

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Huệ cho biết, những người nghiện mua sắm sẵn sàng chi tiền sở hữu món đồ này hay món hàng kia để có cảm giác tự tin hơn, khẳng định giá trị bản thân, thể hiện đẳng cấp, nâng cao vị thế xã hội hoặc giành được sự công nhận của mọi người xung quanh. 

375026992_287156720728889_1593533980686590601_n.jpg
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Huệ

Vị chuyên gia cũng chỉ ra một số những biểu hiện có thể thấy rõ nhất ở một người nghiện mua sắm đó là tiêu tiền vượt khả năng chi trả; mua sắm mà không có kế hoạch và tình trạng mua sắm quá đà đã kéo dài trên 3 tháng và không có dấu hiệu có thể ngừng lại công việc này. 

Đứng trước sự phát triển của thời đại mạng xã hội lên ngôi, hội chứng tâm lý này đang đứng trước nguy cơ bùng nổ với số lượng người mắc khó lường, đặc biệt là khi một bộ phận giới trẻ, những đối tượng dễ sa đà nhất đã và đang đánh đồng tư tưởng sống hết mình, tiêu hết cỡ vì còn trẻ, còn nhiều thời gian dẫn tới chi tiêu không có kế hoạch. 

Trên góc độ của xã hội học, chứng nghiện mua sắm ở một số bộ phận khách hàng có thể xuất phát từ tâm lý tôn sùng vật chất hoặc sự truyền bá những lối sống mới trên mạng xã hội. 

Tiến sĩ Lưu Hồng Minh, Nguyên Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ rằng: “Tiêu dùng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu xã hội, thấy người khác có thì mình cũng phải có, trên mạng có gì hot thì cũng phải mua”. 

Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Minh, một nguyên nhân khác dẫn đến việc mua sắm quá đà đó là “sự ảo” trên online: “Trên mạng ngày nay có một điều nguy hiểm đó là giả mạo trên mạng, quảng cáo một đằng nhưng thực tế là một kiểu khác, mua về không sử dụng được. Khi không sử dụng được lại tiếp tục đi tìm những sản phẩm tương tự khác để mua, từ đó dẫn đến mua sắm quá đà”.

245909508_4251383318315491_1186778389840339115_n.jpg
Tiến sĩ Lưu Hồng Minh

Năm 2022, Việt Nam từng đứng thứ 2 và chiếm đến 15% thị trường mua sắm online tại Đông Nam Á, hay theo một khảo sát của trang nghiên cứu thị trường Q&Me với 307 đối tượng đang sinh sống và làm việc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, có tới 88% người được hỏi thực hiện mua sắm trực tuyến vài lần/tuần và nhiều hơn.

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Huệ cho hay, hội chứng nghiện mua sắm gây ảnh hưởng độc hại đến mỗi cá nhân. Có những người khi mới bắt đầu “nghiện” chỉ dừng lại ở việc mua sắm “mất phanh”. Nhưng với những trường hợp nặng hơn có thể đi kèm với các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ… Thậm chí, nếu không được hỗ trợ điều trị kịp thời, hội chứng nghiện mua sắm sẽ còn dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn nữa.

Thoát ra khỏi hội chứng nghiện mua sắm, có thể hay không?

“Dễ mắc nhưng khó trị”, đây là đánh giá của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bảo Huệ về căn bệnh nghiện mua sắm, nhất là trong giai đoạn công nghệ số đang phát triển vượt bậc khiến việc mua sắm từ đơn giản lại càng trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn bao giờ hết khiến các đối tượng mua hàng khó tránh khỏi “sa ngã”. 

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Huệ nhấn mạnh: “Khó chứ không phải là không thể chữa trị và sự quyết tâm chính là “liều thuốc” thoát khỏi căn bệnh này”.

Điều quan trọng để không bị cuốn vào căn bệnh mua sắm mất kiểm soát là nên tìm những niềm vui khác ở thực tại với bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, trải nghiệm nhiều văn hoá đời sống để giảm thiểu những nguyên do vì áp lực cuộc sống, áp lực đồng trang lứa mà vướng vào thói quen mua sắm vô tội vạ rồi hình thành chứng nghiện mua sắm. 

Mua sắm không chỉ là hoạt động mua bán thông thường mà còn là một hoạt động giải trí không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều người. Tuy nhiên việc xây dựng thói quen quản lý chi tiêu hợp lý, cảnh giác với chứng rối loạn mua sắm là điều mà mỗi đối tượng khách hàng nên hình thành và chuẩn bị để có thể có những trải nghiệm mua sắm hài lòng nhất.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN