Người đàn ông dành nửa thế kỉ dệt “chữ tình” lên nón
(Sóng trẻ) - Nửa thế kỷ trôi qua, những ngón tay của ông Lê Văn Tuy vẫn khéo léo đan từng sợi lá, thổi hồn vào từng chiếc nón. Giống như một nhà thơ, ông đã dệt “chữ tình” lên lá, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống động.
Nón làng Chuông - Chẳng ai biết chính xác nghề này đã xuất hiện từ bao giờ, chỉ còn nhớ rằng “nó đã có từ rất lâu, rất lâu trước đó”. Từ bao giờ, những chiếc nón làng Chuông lại khắc sâu vào tâm trí của người Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung một vẻ đẹp thướt tha, dịu dàng và đằm thắm của người phụ nữ. Nón nơi đây nổi tiếng không chỉ bởi mẫu mã, kiểu dáng, độ bền mà còn bởi sự khéo léo, tỉ mỉ và tâm huyết của những người thợ “sinh ra đã có nghề”.
Đến làng Chuông, người ta rất dễ bắt gặp hình ảnh người phụ nữ ngồi chăm chút tuốt từng chiếc lá, đan từng chiếc nón vô cùng mộc mạc mà dân dã. Ấy vậy khi được hỏi “nghề đan nón chỉ có phụ nữ làm thôi sao” thì rất nhanh, tôi được giới thiệu về ông Lê Văn Tuy - nam nghệ nhân đan nón hiếm hoi ở đất làng Chuông này.
"Tôi với nghề đầy duyên nợ"
Gắn bó từ thuở lọt lòng với chiếc nón, nghệ nhân Lê Văn Tuy có hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề kết “vành thương nhớ”. Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, bố mất sớm, ông Tuy tạm gác lại giấc mơ trở thành nhà giáo, lui về làm nón, phụ giúp gia đình vượt qua thời kỳ khó khăn. Như cách người ta thường nói “đầy duyên nợ”, ông Tuy đến với nghề làm nón một cách tự nhiên và gắn bó với nó như một nhân duyên trong đời.
50 năm làm nón là 50 năm nghệ nhân Lê Văn Tuy làm quen với việc tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ chọn nguyên liệu đến khâu từng mũi kim, đường chỉ trên từng chiếc nón. 50 năm, một chặng đường dài để giữ gìn nét đẹp cha ông để lại, để giữ nghề truyền thống cho dân làng.
Đều đặn hàng ngày, nghệ nhân Lê Văn Tuy thức dậy từ 3h sáng, chuẩn bị hàng ngàn chiếc nón để giao cho đơn đặt hàng từ trước. Nhân lúc trời còn chập choạng, gà chỉ mới vài con gáy, ông bắt đầu xếp nón, kiểm tra số lượng và cho lên xe hàng. Cứ thế, xe lăn bánh và đơn hàng được giao thành công. Nhận được lời khen, sự công nhận của khách hàng khi nhận nón, ông Tuy hiểu rằng mình đang làm tốt sứ mệnh “mang chiếc nón làng Chuông bay xa”.
Chia sẻ với tôi, ông Tuy bộc bạch về sự tỉ mỉ cần có trong từng công đoạn hình thành một chiếc nón: “Từ những chiếc lá non xanh mướt, qua bàn tay tài hoa của người thợ, một chiếc nón lá duyên dáng dần hình thành. Quá trình tạo ra một chiếc nón lá là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết. Mỗi công đoạn, từ việc chọn lá, phơi lá, đến việc xếp lá, đan nón và hoàn thiện sản phẩm, đều được thực hiện một cách cẩn thận. Tùy thuộc vào từng loại nón, người thợ sẽ sử dụng những kỹ thuật khác nhau, tạo ra những sản phẩm đa dạng về kiểu dáng và hoa văn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chiếc nón lá không chỉ đơn thuần là một vật dụng che nắng che mưa, mà còn là một biểu tượng văn hóa đặc trưng của Việt Nam nên mỗi người thợ đều rất tâm huyết.”
Với nghệ nhân Lê Văn Tuy, mỗi chiếc nón lá không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn là đứa con tinh thần. Ông tâm niệm rằng, chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn, quyết định danh tiếng của cả làng nghề. Chính vì vậy, ông luôn tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chọn lá đến khâu hoàn thiện sản phẩm. Nhờ đó, nón lá của ông không chỉ được người dân trong nước ưa chuộng mà còn chinh phục được cả những khách hàng khó tính đến từ Nhật Bản, Đài Loan và các nước châu Âu.
Gìn giữ nghề truyền thống
Với hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề, nghệ nhân Lê Văn Tuy đã có những đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và phát triển nghề làm nón lá làng Chuông. Ông không chỉ là một người thợ lành nghề mà còn là một nhà sáng tạo không ngừng cho ra những mẫu nón đẹp mắt.
Ngày nay, chiếc nón lá không chỉ đơn thuần là một vật dụng che nắng mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đa dạng. Vì vậy ông không ngừng tìm tòi, kết hợp những họa tiết truyền thống với các yếu tố hiện đại, tạo ra những mẫu nón độc đáo, đáp ứng nhu cầu làm đẹp và trang trí của người tiêu dùng.
Với ông, sự đam mê và tâm huyết với nghề đã ăn sâu vào máu, là cả cuộc đời ông. Vì vậy, người đàn ông ấy luôn trăn trở phải làm sao để gìn giữ nghề làm nón lá cho mình, cho làng. Ông bộc bạch: "Nghề làm nón là một phần hồn của dân tộc. Nếu chúng ta để nó mai một thì sẽ rất đáng tiếc".
Con đường gìn giữ nghề truyền thống không hề bằng phẳng. Trong những năm gần đây, làng nghề đối mặt với nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm, kinh tế khó khăn, nhưng ông Tuy không nản lòng.
Ông kể lại: "Thời điểm dịch bệnh, tôi rất lo lắng cho tương lai của làng nghề. Nhưng rồi tôi nghĩ, nếu mình bỏ cuộc thì ai sẽ tiếp tục giữ gìn nghề này? Vì vậy, tôi đã quyết định vay vốn để duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho mọi người trong làng".
Đến nay, xưởng của ông đã đi vào hoạt động được thời gian dài, tạo công ăn việc làm cho 20 - 50 người dân trong xã. Mỗi ngày cho ra thị trường hơn 1000 chiếc nón. Những chiếc nón lá của nghệ nhân Lê Văn Tuy ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích. Không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, các sản phẩm của ông còn nhận được nhiều giải thưởng danh giá như các giải thưởng của thành phố Hà Nội và chứng nhận sản phẩm OCOP. Đặc biệt, nón lá của ông còn vinh dự được lựa chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng nghệ nhân Lê Văn Tuy vẫn rất quan tâm đến việc truyền dạy nghề cho trẻ. Bởi ông biết, chỉ có truyền nghề mới có thể giữ nghề: “Tôi muốn truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ, để nghề làm nón không bị mai một. Tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng nhau chung tay, nghề làm nón lá sẽ phát triển bền vững”.