Người giữ lửa đèn kéo quân

(Sóng trẻ) - Trước vô vàn những loại đồ chơi ngoại nhập hiện đại, đèn kéo quân mỗi mùa Rằm tháng Tám đã vắng bóng. Thế nhưng tại thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội, vẫn có một nghệ nhân đang miệt mài gìn giữ những món đồ chơi giản dị nhằm lan tỏa tình yêu trò chơi dân gian đến trẻ em.

Lan tỏa tình yêu đến trẻ thơ

“Tôi làm đèn này từ lúc bé” - đó là câu nói đầu tiên của cụ ông đã ngoài 80 tuổi khi nhắc đến công việc đã theo ông hơn nửa quãng đời. Trong ngay từ những ngày còn đang học đánh vần, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền đã say mê món đèn kéo quân và có những sản phẩm của riêng mình. Ông nhớ lại: “Khi các cụ làm đèn cho mình chơi, mình cũng ngồi bên cạnh tập làm theo. Khi các cụ bận không làm cho mình được thì mình tự làm nấy. Khi tự làm được cái đầu tiên thì sướng lắm, khoe ầm cả xóm”. Và từ yêu thích, việc làm đèn đã trở thành đam mê lúc nào không hay. 

z6063068493579_38873f5eedf79cccffe395846d8c8d5c.jpg
Cứ mỗi dịp Trung thu, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vô cùng bận rộn với việc làm đèn kéo quân. (Ảnh: Phương Thảo).

Lý do khiến ông Quyền yêu chiếc đèn kéo quân hơn so với những món đồ chơi dân gian khác chính là sự chuyển động của hình rối bóng. “Cây đèn kéo quân này hình thức bên ngoài nó cũng như những chiếc đèn lồng khác. Nhưng nó khác ở chỗ có hệ rối bóng chạy liên tục khi ta thắp nến lên. Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh", ông Quyền chia sẻ.

Theo ông, chiếc đèn kéo quân đã có từ xa xưa, gắn liền với sự tích về anh chàng tên Thức vì thương mẹ nên đã chế tạo ra chiếc đèn kéo bóng cho mẹ vui. Rồi từ đó, đèn kéo quân trở thành một vật dụng mang tính biểu tượng và giáo dục cho trẻ em về tinh thần hiếu thảo, yêu thương lẫn nhau mỗi dịp trung thu về. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền chia sẻ, khâu khó nhất để làm ra một chiếc đèn kéo quân là làm trục và tán.

Trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để quay được, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Để hoàn thiện một chiếc đèn kéo quân đơn giản, nghệ nhân phải mất vài tiếng đồng hồ, có khi phải mất đến mấy ngày. Mỗi chiếc đèn kéo quân có giá từ 100 - 150 nghìn đồng đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào kích cỡ. Chơi đèn kéo quân truyền thống cũng khá cầu kỳ. 

z6063068486053_85d463b60cf9ccce0edb9b3c919cf3a1.jpg
Bên trong mỗi chiếc đèn kéo quân được cấu tạo rất đơn giản. (Ảnh: Phương Thảo).

Phải đặt nến và thắp nến ở đúng vị trí thì trục đèn mới quay và tạo ra hiệu ứng lung linh đẹp mắt với những hình thù ngộ nghĩnh xung quanh đèn. Mỗi chi tiết nhỏ trong đèn đều mang ý nghĩa riêng đặc trưng cho dân tộc. “Trong sách người “Kĩ nghệ người An Nam”, có viết: 2 loại đèn 4 cạnh và 6 cạnh. Ông cha ta quan niệm, trong đời người có bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng. Ngoài ra còn bố mẹ nuôi, bố mẹ đỡ đầu. Cho nên 6 người là “Lục thân phụ mẫu” phải tôn trọng. Cho nên, đèn kéo quân Việt Nam phải có 6 cạnh”. 

Mong ước của người nghệ nhân già 

Ở xã Cao Viên, từ bao lâu nay, người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh căn nhà nhỏ hẹp của nghệ nhân rực rỡ sắc màu của những chiếc đèn kéo quân. Vào mỗi dịp trung thu, du khách đến thăm nhà ông Quyền để tận mắt nhìn thấy, tự mình trải nghiệm làm một chiếc đèn kéo quân truyền thống. Trong làng, ông hiện là một trong số ít những người nghệ nhân còn lưu giữ nét đẹp dân gian này. 

Đèn kéo quân nói riêng và trò chơi dân gian nói chung là thú vui tao nhã, mang nhiều giá trị văn hóa dân gian. Nhưng tiếc thay, vì thời đại công nghệ số khiến nhiều bạn trẻ hiện nay đang dần quên lãng những nét đẹp ấy. Chứng kiến những thăng trầm của loại trò chơi dân gian này, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền tâm sự: ‘‘Từ ngày cơ chế thị trường bùng nổ, đồ chơi nhập ngoại tràn lan. Đồ chơi dân gian Việt Nam làm từ thủ công nên nó không bắt mắt, khó sản xuất đại trà. Có một giai đoạn nó gần như bị mai một. Trẻ em say mê với những thứ đồ chơi có hình thức, mẫu mã bắt mắt và hấp dẫn. Rất khó để các cháu yêu thích những món đồ chơi dân gian truyền thống được làm thủ công’’. 

Bước ngoặt lớn nhất đến với nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền là vào năm 2007, khi ông được mời lên Bảo tàng Dân tộc học tham gia chương trình bảo tồn di sản trò chơi dân gian. Tại đây, ông là người hướng dẫn trực tiếp cho các khách du lịch và trẻ em làm các đồ chơi dân gian. Có những em nhỏ sau khi được ông hướng dẫn đã tự làm được chiếc đèn kéo quân đầu tiên của riêng mình. Nhiều em không giấu nổi niềm vui sướng và tự hào, đã lập tức mang đi khoe với bố mẹ. Những hành động tự nhiên, cảm xúc chân thật của các em đã trở thành niềm động lực to lớn trong hành trình lưu giữ và phát triển trò chơi dân gian truyền thống của người nghệ nhân già. “Tôi cũng đã đến tuổi xế chiều rồi, được sống chung với các cháu, mình như trẻ ra”. 

z6063068494324_1a326996902f2f03efd16fd7c16e1b8b.jpg
Để tạo nên chiếc đèn kéo quân truyền thống, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn. (Ảnh: Phương Thảo)

Thời gian gần đây, Trung Ương, chính quyền đã quan tâm và có chủ trương bảo tồn, phát triển trò chơi dân gian. Điều này khiến ông Quyền rất phấn khởi: “Gần đây, Đảng và Nhà nước quan tâm tới việc bảo tồn di sản. Nhờ giới truyền thông góp sức vào nữa nên bây giờ dân ta bắt đầu quay lại với trò chơi dân gian. Trước đây, năm 2007 khi chúng tôi tổ chức trung thu, cả một mùa bán được 5 cái đèn. Nhưng bây giờ thì làm không kịp. Bây giờ một nhà tôi toàn đèn thôi. Nghĩ cũng vui hơn”. 

Thế nhưng, đứng trước sóng gió thời cuộc, khi những đồ chơi dân gian dần chới với giữa thị trường đồ chơi Trung Quốc với đủ các mẫu mã hình dạng, ông Quyền vẫn đau đáu về nỗi lo không có người kế nghiệp. Tuổi tác đã cao, việc tìm được một truyền nhân làm món đồ chơi dân gian này đã trở thành nỗi đau đáu trong lòng ông. “Tôi cũng già rồi, không biết còn làm nghề được bao lâu nữa. Tôi hi vọng thế hệ trẻ sẽ là những người tiếp bước tôi để bảo tồn và gìn giữ nét đẹp của trò chơi dân gian này”.

Đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt đan tre để làm khung đèn. Trong đôi mắt đã dần mờ đục bởi tuổi tác, vẫn ánh lên ngọn lửa yêu nghề mà ông đã thắp hơn 80 năm qua. Có lẽ, ngọn lửa trong lòng ông sẽ sớm được kế thừa bởi một lớp người trẻ mới, để rồi những ánh lửa của đèn kéo quân sẽ đem theo đam mê của ông sống mãi với thời gian. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN