Người hâm mộ ‘than trời’ vì ‘phe vé’, lừa đảo tại 2 concert ‘Anh trai’
(Sóng trẻ) - Trước sức nóng của các chương trình âm nhạc lớn như “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi”, tình trạng “cháy vé” sớm khiến người hâm mộ phải tìm kiếm cơ hội khác tại thị trường chợ đen. Điều này ẩn chứa nguy cơ tiền mất tật mang, tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, trục lợi hoành hành.

Cuối năm 2024, nhiều concert (chương trình văn hóa) bùng nổ , thỏa mãn nhu cầu giải trí ngày càng tăng cao của công chúng. Sức hút của concert 'Anh trai vượt ngàn chông gai' tiếp tục được chứng minh khi đêm diễn thứ hai của chương trình tại Hưng Yên chính thức mở bán vé vào 10h sáng ngày 12/11. Với mức giá từ 800.000 đồng đến 8 triệu đồng, các hạng vé nhanh chóng 'cháy hàng'. Chỉ sau 40 phút mở bán, ban tổ chức thông báo đã “sold out” (bán hết) toàn bộ vé.

Nhiều người hâm mộ không thể truy cập do quá tải dù đã cẩn thận “canh vé” ngay từ những phút mở bán đầu tiên. Người thất vọng vì không “săn” được vé, người đã thanh toán thành công nhưng lại công cốc vì lỗi web.
Về phía “Anh trai say hi”, dù đã tổ chức hai đêm concert nhưng sức nóng của chương trình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo dự kiến đêm diễn tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 7/12 tại Hà Nội. Chỉ ít phút sau khi mở bán, số lượng vé đã “bay sạch”. Nhiều người trẻ ví von hành trình mua vé concert âm nhạc còn khó khăn hơn đăng ký tín ở đại học.
Phan Minh Ánh (Hà Nam) háo hức “canh vé” đúng giờ nhưng vẫn thất bại vì số lượng quá tải. Ánh chia sẻ: “Dù đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị, mạng để đăng ký từ đầu nhưng trên mình còn tận 120.833 người. Mình tự nhủ chỉ cần có vé thôi, hạng nào cũng được nhưng cuối cùng vẫn không mua được. Thất vọng và buồn nhiều vì đã tích cóp và kỳ vọng được đi concert từ rất lâu”.


Lợi dụng tình trạng khan hiếm, hàng loạt tài khoản phe vé (mua số lượng lớn, đẩy giá vé) đã xuất hiện, ngang nhiên chào bán các hạng vé với giá “trên trời”. Trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Threads,.. nhiều hội nhóm “phe vé” được lập ra, hoạt động nhộn nhịp.
Giá “phe” vé có thể chênh giá gốc từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, phụ thuộc vào hạng vé. Thậm chí, xuất hiện tình trạng bán đấu giá những hạng vé vip, vị trí đẹp, ai đưa ra mức giá cao hơn thì người ấy được nhận vé.

Đối với những người hâm mộ chân chính đã “trót” đặt vé máy bay, đặt phòng, áp lực giá vé lại càng lớn. Để đảm bảo không bỏ lỡ concert, họ bắt buộc phải tìm đến “phe” vé, cho dù biết cái giá phải trả cao hơn rất nhiều lần so với giá gốc.
Ngày diễn ra 2 sự kiện đình đám càng cận kề, giá vé lại càng bị đẩy cao bởi các đối tượng trên thị trường “vé chợ đen”.

Mua vé không chính thống đi kèm rất nhiều rủi ro. Nhiều tài khoản “ma” lập ra chỉ để “chào hàng”, lừa đảo. Các đối tượng lợi dụng cơ hội này để tìm kiếm “con mồi”, hòng chiếm đoạt tài sản. Đã có trường hợp người hâm mộ bị lừa khi mua vé từ một tài khoản giả danh nhân viên ngân hàng, khiến ban tổ chức “Anh trai vượt ngàn chông gai” phải lên tiếng cảnh báo.

Cụ thể, người dân có thể “săn vé” bằng cách gửi tiết kiệm qua ngân hàng Techcombank. Tuy nhiên, bằng cách này, các “Gai con” (biệt danh người hâm mộ chương trình) phải hết sức lưu ý, tốt nhất là đến trực tiếp ngân hàng để xác minh và tìm hiểu quy trình, tránh tình trạng bị nhóm đối tượng lừa đảo qua tin nhắn. Bởi lẽ, số tiền bị mất có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Quá bức xúc trước tình trạng “kẻ muốn không có, người có lợi dụng”, bạn Dương Thị Loan chia sẻ đoạn tin nhắn trao đổi với bên “phe vé” nhằm cảnh tỉnh mọi người, tẩy chay nạn phe vé. Theo nội dung đoạn tin nhắn, An muốn mua hạng vé Nhà hát với giá gốc 800.000 đồng, nhưng khi qua “cò”, giá vé bị đẩy lên 4.600.000 đồng. Như vậy, giá chênh lệch của “phe vé” đã gấp gần 6 lần giá chính thống mà không có bất kỳ cam kết an toàn nào.

Nhiều trang thông tin, báo chí cũng đưa tin về tình trạng lừa bán lộng hành, giao dịch mập mờ, cập nhật danh sách các đối tượng lừa đảo,.. để người mua lưu ý. Thậm chí, chính các “anh trai” cũng lên tiếng cảnh báo người hâm mộ hãy cảnh giác trước chiêu trò tinh vi của đối tượng xấu.
Dù rất mong chờ đến concert nhưng khi “săn vé” trên Ticketbox (nền tảng mua vé tham gia concert) không thành công, Nguyễn Đức Bách (Hà Nội) nhất quyết không mua vé ngoài. Nam thanh niên khẳng định: “Ngay từ đầu, mình đã xác định không mua vé camp (vé của đối tượng trung gian) vì biết rằng trên mạng có nhiều người lợi dụng để lừa đảo”.

Theo luật sư Dương Lê Ước An (Công ty Luật hợp danh Đại An Phát và Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết hiện nay vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể để giải thích thế nào là ôm vé, phe vé. Theo từ điển “ôm vé, phe vé” có thể được hiểu là trường hợp mua vé của các chương trình sự kiện, sau đó bán lại với giá cao hơn so với giá ban đầu của chương trình, sự kiện đó do nhà tổ chức đưa ra nhằm thu lợi nhuận, thu về mức chênh lệch.
Đáng nói hơn, nhiều đối tượng đã lợi dụng sức nóng từ những chương trình âm nhạc này để nâng giá vé, lừa đảo người hâm mộ. “Tùy theo mức độ và tính chất hành vi vi phạm, các đối tượng nâng giá chênh lệch từ 1 triệu – 2 triệu so với giá gốc nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với các mức phạt cải tạo không giam giữ và mức cao nhất là tù chung thân”, luật sư chia sẻ.
Thêm vào đó, những đối tượng làm vé giả, lừa bán vé trên các trang web, fanpage không chính thống nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, buôn bán tem giả, vé giả theo quy định tại Điều 202 BLHS 2015.
Luật sư Dương Lê Ước An cho biết thêm, những đối tượng “phe vé”, “ôm vé”, gây mất trật tự tại các tụ điểm đông người cũng có thể bị xử phạt. “Ngoài việc áp dụng các quy định xử phạt về hành vi lừa đảo như tôi đã trình bày ở trên, người vi phạm còn có thể bị xử phạt đối với hành vi gây rối trật tự công cộng (theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) hoặc truy cứu về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, luật sư cho hay.

Việc ôm vé, phe vé và lừa đảo không chỉ gây tổn hại về tài chính cho người tiêu dùng mà còn tác động tới sự minh bạch thông tin trong thị trường. Vì vậy, cần có những biện pháp quyết định và đồng bộ từ cơ quan chức năng, tổ chức sự kiện và cộng đồng để ngăn chặn các hành vi tái diễn.