Người hùng của thời gia
(Sóng trẻ)-Không cửa hiệu sang trọng, không bảng hiệu hoành tráng, chỉ trong một cửa hàng nhỏ nhắn tại 11 Hàng Phèn , Hà Nội, ông Trần Bảo Cương vẫn miệt mài, cặm cụi để duy trì nhịp chuyển dịch của thời gian.
Chân dung ông Trần Bảo Cương.
Ông Trần Bảo Cương (60 tuổi) đã gắn bó với nghề sửa đồng hồ, phục chế đồng hồ cổ đã 40 năm. Ông được người cha là một thợ sửa đồng hồ hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, truyền lửa với nghề này. Theo học trường Đại học Sư phạm một thời gian nhưng ông lại trở về với công việc quen thuộc và yêu thích quanh chiếc đồng hồ.
Cửa hàng sửa đồng hồ của ông Trần Bảo Cương.
Ông Cương tâm sự rằng làm thợ sửa đồng hồ không chỉ cần có sự thông minh, sáng tạo, khéo tay, am hiểu tường tận về kỹ thuật mà còn là lòng yêu thích khám phá và tìm hiểu về đồng hồ, không phải ai vào nghề cũng trở thành thợ được, trong mười người chỉ có một người. Ông cũng đúc rút để trở thành một thợ sửa đồng hồ giỏi, người ta cần ít nhất 10 năm kiên trì học hỏi, thực hành. Bước vào tuổi 60, nhưng già nửa thời gian đó, ông đã mày mò tìm hiểu, học hỏi sửa chữa đồng hồ. Ông không bao giờ chịu thua bất kỳ một trường hợp đồng hồ hỏng nào. Ông nói: “Có chiếc chỉ cần thay pin, thay mặt kính, chùi dầu bộ máy, cắt nối dây đeo,…làm 10 phút là xong. Nhưng có chiếc phải mất từ vài tiếng thậm chí vài ngày mới xong. Nó thử thách tay nghề và cả lòng kiên nhẫn của người thợ.”
Góc làm việc của ông Trần Bảo Cương.
Ông Trần Bảo Cương tỉ mỉ làm việc.
Làm nghề này đã lâu nên những kỉ niệm của ông luôn gắn với đồng hồ, với những thanh âm tích tắc đều đều hay tiếng chuông ngân nga của nó và “gia tài” của ông cũng chính là những chiếc đồng hồ.
“Gia tài” của ông Trần Bảo Cương.
Theo lời kể của ông Cương, từ thập kỉ 30 của thế kỉ trước, nghề sửa đồng hồ rất hưng thịnh. Sửa đồng hồ là một nghề truyền thống ở Thăng Long xưa, một nét đẹp của Hà Nội với những nghệ nhân tài hoa nức tiếng kinh kỳ. Nhiều người chỉ sửa đồng hồ cũng nuôi cả gia đình. Nhưng cũng có thời kì, xã hội mang định kiến tiêu cực đối với các thợ sửa đồng hồ, lượng khách ngày càng giảm đi, thu nhập bấp bênh và ông cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mở cửa hàng tại 11 Hàng Phèn, Hà Nội này. Điều níu giữ ông ở lại lâu với nghề sửa đồng hồ, phục chế đồng hồ cổ chính là lòng yêu nghề, đam mê với nghề, ông cũng muốn giúp cho học sinh, sinh viên không đi học muộn, mọi người không lỗi hẹn với nhau, làm sống lại những kỉ niệm xưa cũ của nhiều người,…
Ngày nay, nghề sửa đồng hồ, phục chế đồng hồ cổ, được trân trọng hơn khi nhu cầu sưu tập, lưu giữ những giá trị cổ, nhu cầu hình thức được nâng lên nhưng nghề này vẫn mai một dần. Mai một dần là bởi nhiều nguyên nhân. Có lẽ do đồng hồ đang được bán với nhiều kiểu dáng hấp dẫn, giá thành rẻ vì vậy việc bỏ ra mua một cái đồng hồ mới đôi khi rẻ hơn tiền sửa chữa đồng hồ. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay thì trong mỗi thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, laptop... đều tích hợp chức năng xem giờ nên không nhất thiết phải mang theo mình thêm cái đồng hồ to hay đến cả đồng hồ đeo tay. Công việc sửa đồng hồ cũng không mang lại thu nhập cao so với những nghề đòi hỏi công sức, trí tuệ tương tự nên không mấy người trẻ chọn nghề này để mưu sinh.
Chọn người nối nghiệp vẫn luôn là niềm trăn trở của ông. Ông Trần Bảo Cương vẫn luôn sẵn lòng chiêu mộ và truyền nghề cho những người có tâm huyết với nghề này.
Ông Cương nhiệt tình chỉ dạy cho thợ.
“Giờ ông muốn truyền nghề cũng ít có người học, ngay cả mấy đứa con ông trong nhà, tụi nó cũng chọn nghề khác để sinh sống, chứ không đứa nào chọn nghề sửa đồng hồ. Không biết rồi mai này còn mấy ai theo nghề này…”, ông Trần Bảo Cương chia sẻ.
Giữa chốn thị thành xô bồ, náo nhiệt vẫn tồn tại một thế giới nơi âm thanh chủ đạo là tiếng tích tắc đều đều, tiếng chuông ngân nga và ở nơi đó, vẫn có những người thợ gắn bó với nghề, cặm cụi tìm lại sức sống cho những chiếc đồng hồ. Với họ, nghề này không chỉ là mưu sinh mà còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Sau một buổi trò chuyện với ông Trần Bảo Cương, chúng tôi biết quý trọng từng giây, từng phút, tận dụng thời gian nỗ lực học tập, tìm tòi nghiên cứu, làm những việc có ích để khi nhìn lại con đường đã đi qua trong cuộc đời mình cảm thấy mãn nguyện, tự hào mà không hổ thẹn.
Hồ Thị Khánh Như, Trương Thị Huyền Trang, Vũ Thị Hồng Vân, Nguyễn Thị Hà Vy
Báo chí đa phương tiện K35.
Cùng chuyên mục
Bình luận