Nhận biết và hạn chế "Fake News" liệu có đơn giản?
(Sóng trẻ) - Trong thời đại công nghệ số phát triển, mạng xã hội đã và đang trở thành một thế giới thu nhỏ với dân số lên đến hàng tỷ người. Tuy nhiên, song song với điều đó, mạng xã hội cũng mang tới một phiền phức lớn đó là vấn nạn tin tức giả mạo, hay còn gọi là fake news. Đã là tin tức giả mạo thì thường giật gân và gay cấn để lừa chúng ta tiếp tục chia sẻ, vậy làm sao để không bị sập bẫy fake news? Việc hạn chế tin giả liệu có đơn giản?
Tin giả - mối đe dọa với cộng đồng
Ở thời điểm hiện tại, internet cho con người cơ hội tiếp xúc với tin tức một cách nhanh chóng. Qua mạng xã hội internet, thông tin tiếp cận với con người với mức độ nhanh hơn cả báo chí chính thống.
Thế nhưng, biết đâu rằng những con đường đưa thông tin đến với độc giả lại là con dao hai lưỡi. Nếu chúng ta am hiểu, biết cách sàng lọc thông tin, thì mạng xã hội trở thành quyển sách tri thức quý giá. Ngược lại, nếu thông tin chưa được kiểm chứng mà đã được chia sẻ rộng rãi bởi sự thiếu kiến thức hoặc vì một mục đích xấu thì khi đó, thông tin biến thành fake news.
Hình ảnh minh họa cho từ Fake news của hãng từ điển Collins
Tại Việt Nam, mạng xã hội phổ biến nhất là Facebook. Ở đó, những thông tin, quan điểm cá nhân của mỗi người đều có thể chia sẻ một cách rộng rãi và thu hút được một lượng tương tác “khủng” nếu đó là những vấn đề được mọi người quan tâm hay những phát ngôn của những người có tiếng nói trong xã hội.
Với fake news, độc giả thường bị “dắt mũi” bởi những tít hấp dẫn, hình ảnh câu kéo có thể đạt độ lan tỏa rất nhanh trong thời gian ngắn, khiến bất kỳ ai cũng dễ dàng trở thành nạn nhân mà không hay. Chúng sẽ khiến não bộ của chúng ta bị đầu độc, không phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả.
Nguồn: Facebook
Chúng ta hẳn là con nhớ câu chuyện về một chủ tài khoản facebook tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã đăng dòng trạng thái vào ngày 18/3/2019: “Các chị chuyên bán thịt heo có thể giải thích đây là gì không. Nó dai lắm. Mấy bữa nay khu vực Bảo Lộc toàn bị như này và hôm nay là em. Em mua ở chợ Lộc Phát nhé.” Ngay sau khi đăng tải, nội dung này đã nhanh chóng thu hút gần 300 bình luận và 800 lượt chia sẻ, gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng xấu tới việc tiêu thụ thịt heo trên địa bàn.
Nhận biết tin tức giả (fake news)
Chứng kiến nhiều người vô tình đọc các tin tức fake news từ các nguồn tin không chính thống, chưa đủ am hiểu để nhận biết đâu là tin tức thật, nhưng lại liên tục đưa ra ý kiến, các bài bình luận sâu. Tuy nhiên trên thực tế, bản thân họ chính là “miếng mồi nn” của “tin tặc”.
Ở Facebook, mọi thông tin đều không được kiểm chứng, dẫn đến có nhiều thông tin không chính xác, “câu like”, “giật tít”. Như đã nói ở trên, fake news thường "mồi chài" người đọc bằng những tít gây sốc để đánh lừa độc giả, vậy làm sao để phân biệt fake news?
Chia sẻ về vấn đề này, anh Lê Hải (phóng viên báo Pháp luật Việt Nam) nhận định: “Để phân biệt được đâu là tin giả, tin thật không phải là điều dễ dàng, bởi nếu không thường xuyên theo dõi các tờ báo có thông tin đáng tin cậy thì sẽ rất khó. Theo cá nhân tôi, để nhận biết một tin giả, chúng ta cần phải tinh ý để tìm ra những điểm nghi vấn. Đầu tiên, phải kiểm tra xuất xứ thông tin: tin từ các trang có “đuôi” tên miền lạ lẫm như “.co” hay “.su”... hãy cảnh giác. Tiếp đến, độc giả phải kiểm tra xem nội dung tít và bài có trùng nhau không? Điều quan trọng, bạn phải nhớ kiểm tra thời gian đăng, bởi nhiều thông tin bị “khai quật” chỉnh sửa thời gian ngụy tạo như sự kiện vừa xảy ra. Cuối cùng, độc giả nên tránh xa các nguồn tin đến từ tài khoản facebook ảo và cần đề phòng những đường link từ các trang không được đăng ký rõ ràng.”
“Hạn chế” fake news: Liệu có đơn giản?
Thực tế tại Việt Nam, không ít người đã bị lừa bởi thông tin trên mạng xã hội. Chẳng hạn vụ đăng tải thông tin về thông tin ông Doãn Quý Phiến - người lái chiếc xe đưa đón tại trường Gateway tử vong. Thông tin sai sự thật về cái chết của tài xế đã gây ảnh hưởng lớn đến công tác điều tra của Cơ quan Công an. Hay thông tin dàn siêu xe gắn biển xanh của thành phố Cần Thơ, nhưng thực chất chỉ là xe đồ chơi mô hình được chụp dưới gầm giường, hoặc ốc đảo giữa thành phố không bình yên được cho là có liên quan đến nhà đất của ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau… Hệ lụy là nhiều cơ quan báo chí đã bị nhắc nhở, xử phạt.
Có thể nói dù vô tình hay cố ý, các tin tức giả đã, đang và sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, từ báo chí cho đến mạng xã hội. Vậy phải làm cách nào để có thể hạn chế tin giả? Việc “hạn chế” fake news liệu có đơn giản?
Thầy Vũ Tuấn Anh (Phó trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối nại, Học viện Nại giao) cho biết: “Việc hạn chế tin giả, tin sai sự thật có thể thực hiện được. Khi mọi người có phông văn hoá chuẩn, mọi người sẽ nhận biết được đâu là tin tốt, đâu là tin xấu, những gì có thể tin tưởng được, những gì không thể tin trong giai đoạn phát triển như vũ bão của Internet cũng như MXH. Mọi người khi chia sẻ thông tin, cần phải ‘tỉnh táo’ và có trách nhiệm.”
Anh Việt Cường (phóng viên báo Quân đội nhân dân) lại cho rằng: “Đây là một bài toán không đơn giản, vì để hạn chế cần có sự vào cuộc của nhà nước, chính quyền. Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về sử dụng Internet và mạng xã hội, tạo ra khung pháp lý nhằm răn đe, xử lý cá nhân, tổ chức đưa thông tin giả mạo. Đồng thời, chúng ta phải tăng cường hợp tác với đại diện cấp cao của mạng xã hội facebook xử lý, gỡ bỏ những thông tin có nội dung xấu độc, giả mạo tồn tại trên mạng xã hội này.”
Vậy ý kiến của các bạn về vấn đề này ra sao? Việc nhận biết và hạn chế “Fake news” liệu có đơn giản? Hãy cho chúng tôi biết quan điểm của bạn!
BBT Sóng trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận