Nhân rộng mô hình phân loại và tái chế rác thải: Từ dự án đến thực tiễn
(Sóng trẻ) - Trong nhiều năm trở lại đây, các tổ chức tình nguyện vì môi trường hoạt động sôi nổi, nhiều mô hình xanh, thân thiện được truyền thông rộng rãi. Tuy nhiên các dự án về môi trường đến nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình và đi vào thực tiễn.
Thời gian gần đây, nhiều dự án vì môi trường như Greenlife, Luky.vn, Soap For Hope, … đã có những đóng góp tích cực tới cộng đồng. Tuy nhiên từ hoạt động của nhóm nhỏ đến nhân rộng ra cộng đồng và đi vào thực tiễn đời sống là cả một hành trình dài và gặp nhiều khó khăn.
Phân loại rác và những “hố đen”
Hiện nay, việc phân loại rác tại nguồn ở các hộ gia đình chủ yếu đang diễn ra tự phát, nhỏ lẻ và hiệu quả chưa cao. Mặc dù nhiều người dân đã có ý thức hơn trong việc phân loại các loại rác thải, nhưng do các đơn vị vẫn chưa triển khai đồng bộ, chuẩn hóa trang thiết bị lưu trữ, chuyển giao, vận chuyển và xử lý chất thải vẫn chưa đạt được những hiệu quả tích cực.
Chia sẻ về việc phân loại rác trong gia đình, anh Nguyễn Văn Tùng ở Phú Diễn (Hà Nội) cho biết: “Mình và gia đình thì luôn phân từng loại rác riêng, rác hữu cơ, rác tái chế,…Tuy nhiên khi đem ra cho các bác thu rác thì họ lại đổ chung vào một xe, nên nhiều khi thấy việc mình làm thành ra công cốc”.
Mặt khác, hiện nay có nhiều tổ chức môi trường hoạt động nhận thu gom rác thải phân loại nhưng quá trình này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Một trong số những nguyên nhân chính là quy mô tổ chức nhỏ, nguồn nhân lực còn hạn chế và các cơ sở nhận thu gom nhỏ lẻ và cách xa nhau. Điều này dẫn đến hoạt động nhận thu gom rác không được tổ chức thường xuyên, nhiều người dân e ngại việc di chuyển khoảng cách rất xa để phân loại rác. Chị Hiền ở Cầu Giấy chia sẻ: “Mình phải chạy xe những 20 cây số mới tới tới được điểm nhận thu gom rác phân loại gần nhất, nên mình không phân loại rác nữa, đi lại mất thời gian lắm”.
Thực tế tại Hà Nội, mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã hoạt động thí điểm ở nhiều quận, huyện tuy nhiên hiệu quả về lâu về dài vẫn chưa được duy trì và nhân rộng. Nhiều nơi phát giấy hướng dẫn người dân phân loại rác, quy định ngày thu gom từng loại rác, tặng cả túi đựng từng loại rác cho người dân... Tuy nhiên hoạt động này đang gặp khó khăn về kinh phí duy trì. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người dân vẫn thờ ơ với việc phân loại rác thải, cho rằng thu gom rác là công việc của công nhân công ty vệ sinh môi trường nên chưa có ý thức trong việc phân loại rác thải sinh hoạt.
Chung tay đẩy lùi rác thải
Trước tình trạng các bãi chôn lấp ngày càng bị thu hẹp, môi trường sống ngày càng ô nhiễm từ chính phương thức xả thải, thu gom và xử lý rác còn mang nặng tính thô sơ, hơn ai hết, người dân mong muốn một dự án xử lý rác thải tại nguồn mang tính bền vững trong chính sách, được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và sẽ được triển khai rộng rãi trong tương lai. Cùng với đó, thành phố cần triển khai sắp xếp, bố trí các thùng rác công cộng phù hợp, thực hiện dán nhãn nhận biết trên nắp và thân thùng rác để người dân bỏ rác phân loại theo quy định. Bên cạnh đó, cần đầu tư để thay đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác, xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, hiện đại.
Bạn Đỗ Thị Thanh Mai, chủ nhiệm dự án vì môi trường Greenlife chia sẻ:“Mục tiêu của chúng mình trong 5 năm tới là giảm 50% lượng rác tại Hà Nội nên mình hy vọng Nhà nước có thể đồng hành các tổ chức như chúng mình và tuyên truyền đến các Ủy ban, Đoàn Thanh niên để tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa.”
Tái chế rác không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp cho môi trường sống của chúng ta thêm xanh, từ đó cuộc sống của mỗi người sẽ hạnh phúc, mạnh khỏe hơn.Thay vì kết thúc vòng đời của rác tại các bãi thu gom, mỗi người dân hãy để rác thải có cơ hội đóng góp giá trị cho cuộc sống.